(Báo Quảng Ngãi)- Thủ tướng Chính phủ đã quyết định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn, giai đoạn 2015 – 2020, nhằm phát triển huyện đảo mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng-an ninh. Song, để Lý Sơn phát triển đúng như kỳ vọng, cần làm tốt công tác quy hoạch.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đảo Lý Sơn nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội dải ven biển miền Trung đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 61/2008/QĐ-TTg ngày 9.5.2008 và Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 28.4.2010. Mặc dù có nhiều tiềm năng về du lịch, khai thác thủy sản song Lý Sơn vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế để phát triển do tồn tại không ít bất cập. Ông Trần Ngọc Nguyên-Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho rằng, thách thức lớn của huyện đảo là do vị trí địa lý của đảo cách đất liền hơn 15 hải lý nên gặp nhiều khó khăn về lưu thông, vận chuyển dẫn đến chi phí, giá cả hàng hóa tăng cao, gây tác động lớn đến đời sống của nhân dân huyện đảo. Đây cũng là khó khăn của huyện trong thu hút đầu tư.
Đảo An Bình (Lý Sơn) vẫn còn giữ vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ. |
Tuy nhiên, bài học từ Cù Lao Chàm (TP.Hội An) sẽ gợi mở cho Lý Sơn một hướng phát triển. Vốn là một hòn đảo không giàu tiềm năng như Lý Sơn, nhưng Cù Lao Chàm vẫn là điểm đến của nhiều nhà đầu tư và du khách bởi cách phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, bảo tồn tài nguyên biển và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông Chu Mạnh Trinh-Khu bảo tồn Biển Cù Lao Chàm chia sẻ, trước hết cần quy hoạch, phân vùng phát triển, bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng như phân vùng bảo tồn biển, vùng dự trữ sinh quyển, quy hoạch cảnh quan vùng bờ, bảo vệ vùng cửa sông, kết nối lưu vực. Tiếp đó là đối thoại đồng quản lý tài nguyên và môi trường bằng cách phân chia, phân rõ trách nhiệm và lợi ích giữa 4 nhà (cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư, nhà khoa học và người dân) để phát triển sinh kế, gắn liền với bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Vậy phải chăng tiếp cận quy hoạch đô thị sinh thái là hướng phát triển bền vững cho huyện đảo Lý Sơn? PGS, TS Nguyễn Chu Hồi-Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất, theo hai cách nhìn “từ biển vào” và “từ đất liền ra” có thể xác định tầm nhìn phát triển Lý Sơn trong tương lai theo hướng “xây dựng Lý Sơn trở thành khu kinh tế đảo xanh, có kinh tế biển-đảo phát triển hiệu quả và bền vững, cải thiện sinh kế của người dân…”. Cũng theo PGS, TS Nguyễn Chu Hồi thì, các công trình trên đảo khi quy hoạch và thiết kế chi tiết phải là các công trình sử dụng đa mục tiêu, vừa tiết kiệm ngân sách đầu tư, vừa khai thác hiệu quả và linh hoạt công trình, vừa giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích và xung đột không gian phát triển trên đảo.
Cũng với cách tiếp cận này, tiến sĩ Nguyễn Quang-Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) cho rằng, tăng trưởng xanh trong chiến lược phát triển Lý Sơn bằng việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có của địa phương, đầu tư hạ tầng và bảo vệ môi trường để hỗ trợ phát triển cân bằng, quy hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu tổn thất và tăng cơ hội, đô thị hóa xanh là yếu tố đóng góp cho tăng trưởng bền vững. “Các lợi thế cạnh tranh của Lý Sơn cần được tận dụng tối đa để tạo nên năng lực cạnh tranh và mang lại hiệu quả cao. Phải có sự đồng bộ và nhất quán trong các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển của Nhà nước và chính quyền địa phương. Đặc biệt phát triển trong mối liên kết vùng và xây dựng liên minh đối tác đa ngành là chìa khóa thực hiện thành công chiến lược phát triển huyện đảo Lý Sơn theo hướng tăng trưởng xanh”-tiến sĩ Nguyễn Quang nhấn mạnh.
Để tránh phá vỡ một Lý Sơn giàu tiềm năng, ông Kwi-Gon Kim-Giáo sư danh dự Trường Đại học Quốc gia Seoul, Chủ tịch Trung tâm đào tạo đô thị quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, quy hoạch bền vững có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là đối với đảo giàu tiềm năng như Lý Sơn. Cần cam kết phát triển bền vững, đồng thời phải đặt nặng quy hoạch du lịch sinh thái và tăng trưởng xanh. Hàn Quốc đang xây dựng một cách có hệ thống các chính sách về du lịch sinh thái nhằm mục đích bảo tồn và sử dụng các nguồn lực một cách thông minh. Hiện nay, Hàn Quốc có các thành phố sinh thái, tất cả đều hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh. Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong quy hoạch đô thị sinh thái, phát triển du lịch sinh thái, các biện pháp xử lý rác thải, nước sinh hoạt…có thể áp dụng cho Lý Sơn.
Lý Sơn đã có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển. Vấn đề là huyện đảo này cần có một định hướng đúng, một lựa chọn thông minh để phát triển bền vững, xứng tầm với vai trò là huyện đảo tiền tiêu mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng an ninh.
Bài, ảnh: Hoàng Triều