Kênh bạc tỷ chờ "hồi sinh"

09:12, 04/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Tư Nghĩa có khoảng 4.000ha ruộng lúa nước. Trước đây, nông dân đã dựa vào hệ thống kênh chìm để cung cấp nước tưới cho lúa, hoa màu. Để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, hạn chế chi phí, giải phóng sức lao động cho nông dân, bằng nhiều nguồn vốn, huyện Tư Nghĩa đã đầu tư xây dựng hàng loạt hệ thống kênh nổi, nhằm dẫn nước từ công trình Thạch Nham về đồng ruộng thay cho hệ thống kênh chìm. Thế nhưng, nhiều tuyến kênh đầu tư tiền tỷ, như N16 – 16, N16 – 15; N12 – 12...  không phát huy hiệu quả.

TIN LIÊN QUAN

Kênh nhiều, tưới ít

Về các xã Nghĩa Thương, Nghĩa Hiệp trong mùa xuống giống vụ đông xuân 2014 – 2015, bà con bắt đầu ra đồng vệ sinh bờ ruộng, dọn mương đưa nước về đồng, làm đất. Thế nhưng, ở tuyến kênh N16 – 16 chạy qua các cánh đồng xã Nghĩa Thương cỏ cây, lau lách, dương xỉ mọc um tùm. Vì lòng kênh rộng, bờ kênh lại cao hơn nhiều so với chân ruộng nên nhìn từ xa trông giống như thành lũy che chắn các cánh đồng.

 

Nhiều hệ thống kênh nổi ở huyện Tư Nghĩa không phát huy hiệu quả.
Nhiều hệ thống kênh nổi ở huyện Tư Nghĩa không phát huy hiệu quả.


Tuyến kênh này dài 3.200m, chiều ngang (tính cả bờ kênh) có đoạn từ 5 – 10m là kênh đất. Trên kênh có 22 công trình phụ đã được xây dựng kiên cố, có nhiệm vụ tưới tiêu gần 160ha cho các cánh đồng hai xã Nghĩa Thương và Nghĩa Hiệp. Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương thì kể từ khi tuyến kênh này hoàn thành đến nay khoảng 15 năm, nhưng chưa một lần phát huy hết hiệu quả. Trong tổng số hơn 3km, thì chỉ có khoảng 1km ở đầu kênh dẫn được nước tưới cho khoảng 58ha. Còn phía cuối kênh, vì lòng kênh cao hơn nên nước không đến được.

Các tuyến kênh N16 – 15, N8 -10, N12, N16, N16 – 13A cũng rơi vào tình trạng tương tự. Được đầu tư xây dựng với quy mô lớn, tổng công suất của các tuyến kênh nêu trên thiết kế tưới tiêu trên 950ha ruộng sản xuất hai vụ/năm. Mỗi tuyến kênh tốn hàng ngàn ngày công lao động công ích cùng với tiền thuê đào đắp tiêu tốn hàng tỷ đồng của Nhà nước, nhưng thực tế chỉ tưới được 233ha, chiếm 25% tổng diện tích thiết kế. Không những vậy, trên mỗi công trình kênh mương ở huyện Tư Nghĩa còn có hàng loạt công trình phụ được xây dựng kiên cố, bê tông, cốt thép. Trải qua hàng chục năm, kênh không phát huy tác dụng nên các hạng mục này cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, là cái bẫy nguy hiểm cho người và gia súc mỗi khi qua lại.
 

Có kênh vẫn phải đóng giếng
Ông Lê Văn Can, ở thôn Thế Bình xã Nghĩa Hiệp, chỉ về tuyến kênh N16 - 15, bảo: “Đất sản xuất nằm sát bên tuyến kênh nhưng có bao giờ lấy nước từ kênh được đâu. Trên diện tích 10 sào, nhà phải đầu tư 4 giếng khoan, mua máy mô tơ, kéo dây điện chạy nước. Vị chi mỗi giếng khoan, máy mô tơ cũng tốn từ 3- 4 triệu đồng. Mùa nắng về, cứ 5 ngày là nông dân phải mất 1 lít dầu/sào để chạy nước tưới cho hoa màu, mới có thu hoạch”.

Bao giờ kênh “hồi sinh”?

Ông Nguyễn Hồng Long – Chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa, cho biết: Nguyên nhân các tuyến kênh không phát huy tác dụng là do lỗi thiết kế lòng kênh phía dưới lại cao hơn đầu kênh. Điểm nối với các kênh nội đồng lại sâu hơn nên nước, không dẫn đến đồng được. Trong khi đó, thực trạng của các tuyến kênh này được đào đắp bằng đất nên chất lượng không đảm bảo, hằng năm bị xói mòn, bồi lấp nghiêm trọng.

Ngành nông nghiệp huyện, chính quyền các địa phương đã nhiều lần kiến nghị sớm “hồi sinh” cho các tuyến kênh này, hoặc san bằng để hạn chế rủi ro trong nông nghiệp, trả lại quỹ đất cho địa phương giao cho dân canh tác. Mới đây, ngày 17.11.2014, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ có văn bản số 324/TB-UBND đồng ý hỗ trợ vốn để thực hiện đầu tư đối với hai tuyến kênh N16 – 15 (xã Nghĩa Hiệp) và tuyến kênh N8 – 5A xã Nghĩa Trung nhằm phục vụ tưới tiêu cho 285ha diện tích sản xuất nông nghiệp. Đây không chỉ là tin vui đối với nông dân vùng hưởng lợi từ hai hệ thống kênh mương mà còn là sự kỳ vọng, tin tưởng vào các tuyến kênh lâu nay bị “chết yểu” sớm phục hồi.
 

Bài, ảnh: MAI HẠ


 


.