Vì sao kiên cố hóa kênh mương đạt thấp?

09:10, 16/10/2012
.

(QNg)- Kiên cố hoá kênh mương (KCHKM) là một chủ trương có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch KCHKM theo Nghị quyết HĐND tỉnh vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra.

TIN LIÊN QUAN


Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & PTNT, từ năm 2002 đến nay, các địa phương trong tỉnh thực hiện được 541 tuyến kênh mương, với chiều dài 500 km gồm 28 tuyến kênh loại II và 513 tuyến kênh loại III. Trong đó, giai đoạn 2006 - 2010, KCHKM được 266/314 tuyến, dài 204km/506km, đạt 40,4% về chiều dài so với Đề án được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua (Quyết định số 43/2006/QĐ-HĐND ngày 8/7/2006.

 

Kiên cố hóa kênh mương ở xã Đức Chánh (Mộ Đức).
Kiên cố hóa kênh mương ở xã Đức Chánh (Mộ Đức).

Đặc biệt năm 2011, toàn tỉnh KCHKM chỉ đạt 23/85tuyến, với chiều dài 15,8/87,2km bằng 17% so với kế hoạch. Nhờ việc KCHKM mà Quảng Ngãi đã có thêm 9.400 ha diện tích đất sản xuất lúa tại các địa phương chủ động được nước tưới, góp phần đưa năng suất lúa bình quân của tỉnh từ 39,2 tạ/ha (năm 2002) lên 54,5 tạ/ha (năm 2011). Đồng thời giúp cho diện tích lúa sản xuất 2 vụ ổn định từ 35.000 - 37.000 ha và hàng ngàn héc ta hoa màu khác có nước tưới.

Việc thực hiện KCHKM dù tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, nhưng khó khăn đặt ra là hệ thống kênh mương cần kiên cố tương đối lớn, trong khi nguồn lực đóng góp của dân có hạn nên chỉ có khoảng 40,4% tổng chiều dài kênh mương được kiên cố hoá. Trong đó, các huyện đạt thấp là Sơn Hà 9,9%; Trà Bồng 14,4%; Nghĩa Hành 25,5%; Bình Sơn 56,5%KH... Nguyên nhân là kinh phí đầu tư cho KCHKM hằng năm còn thấp so với nhu cầu và kinh phí thực hiện giai đoạn 2006 - 2010 chỉ có 161/342 tỷ đồng kế hoạch vốn. Hệ thống kênh mương thuỷ lợi luôn bị thiên tai gây hư hỏng nặng cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên nhân chính làm cho tiến độ KCHKM chậm là do nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh còn rất thấp. Các Hợp tác xã có chức năng xây lắp chưa tích cực tham gia theo phương châm "xã có công trình, dân có việc làm và thu nhập". Đặc biệt là việc quán triệt, tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền cơ sở và ngành liên quan yếu dẫn đến mức đóng góp của người dân chỉ đạt 40 - 50% so với kế hoạch, thậm chí một số nơi trông chờ sự đầu tư của Nhà nước. Ở các huyện miền núi, việc triển khai chương trình thiếu chủ động từ khâu thiết kế đến thi công, đặc biệt là các xã thuộc Chương trình 135 không huy động được sự đóng góp của người dân.

Theo Đề án KCHKM thuỷ lợi, giai đoạn 2012-2015, Quảng Ngãi ưu tiên vốn KCHKM cho các tuyến kênh ở 33 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012 - 2015. Theo đó, tỉnh ta sẽ kiên cố gần 400 tuyến (4 tuyến loại II, 394 loại III), với tổng chiều dài 355km, nhằm chủ động nước tưới ổn định cho thêm khoảng 9.300 ha đất sản xuất nông nghiệp ở những vùng khan hiếm về nguồn nước, vùng đất xấu, vùng thường xuyên bị lũ lụt, dễ sạt lở hoặc bồi lấp.

Tổng nguồn vốn dự kiến thực hiện đề án hơn 505 tỷ đồng. Tuy nhiên để KCHKM các tuyến theo đề án thì các địa phương cần có giải pháp cụ thể về vốn. Nhất là tăng cường huy động các nguồn vốn, cũng như linh hoạt trong việc lồng ghép kế hoạch KCHKM thuỷ lợi bằng các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án khác để thực hiện.


Bài, ảnh: Bá Sơn
 


.