Nông dân lại lao đao

02:11, 28/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc các phương tiện thông tin đại chúng tại Đài Loan cho là  hàng nông sản Việt Nam nhiễm chất độc hóa học dioxin đã khiến nông dân trong tỉnh bị vạ lây khi mà thương lái vin vào cớ này để kì kèo ép giá...

TIN LIÊN QUAN

Có tin đồn là... ép!

Ai cũng biết, dù có thương hiệu “truyền miệng” nhưng hiện giờ, diện tích cây chè Minh Long đang dần bị thu hẹp. Nghĩa là số lượng chè không đủ cung ứng nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh, lấy đâu ra để xuất khẩu sang tận… Đài Loan! Vậy mà từ khi các phương tiện thông tin đại chúng nước này loan tin hàng nông sản Việt Nam, trong đó có cây chè bị nhiễm chất dioxin thì giá chè Minh Long bỗng dưng hạ dài, từ 5.000 đồng/lọn xuống còn 3.000 – 3.500 đồng/lọn.

Dù vô can nhưng chè Minh Long vẫn bị thương lái hạ giá thu mua vì thông tin thất thiệt.
Dù vô can nhưng chè Minh Long vẫn bị thương lái hạ giá thu mua vì thông tin thất thiệt.


Ông Đinh Văn Ngược, thôn Côn Loan, xã Thanh An (Minh Long) tiết lộ: “Hơn tuần nay, thương lái chỉ trả 3.500 đồng/lọn chè thay vì 5.000 đồng/lọn. Mình hỏi thì họ bảo là do chè ế nên phải hạ giá mới bán được. Mình nghe thế chứ biết gì đâu!”. Cũng theo ông Ngược thì mùa mưa, cộng với cây chè đã già cỗi nên lượng đọt rất ít. Thế nên phải đến cả tuần hoặc 10 ngày, ông mới hái được 30 – 50 lọn chè để bán. “Nhưng giá chè hạ, cả nhà mình sẽ lại khổ vì thiếu gạo ăn”, ông Ngược nói như than.  

Không chỉ cây chè, mà đến mặt hàng thủy sản là con tôm – đối tượng chẳng liên quan gì với cái tin “nông sản nhiễm dioxin” cũng bị vạ lây. Chẳng thế mà dù tôm đang khan hàng do mất mùa, dịch bệnh nhưng giá vẫn bị giảm từ 10 nghìn đến 20 nghìn đồng/kg. Lý giải sự sụt giảm này, nhiều thương lái nói rằng, “do đối tác Trung Quốc mua chậm, lại kén hàng nên yêu cầu kiểm tra này nọ, mất thời gian và chi phí”.

Cách nào bảo vệ nông dân

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh (Chi cục) Nguyễn Đức Bình khẳng định, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã lấy 45 mẫu tôm gửi đến phòng kiểm nghiệm của Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 để phân tích, kiểm soát dư lượng các chất độc hại. Kết quả, chỉ có một mẫu tôm chân trắng tại vùng nuôi Đức Phổ phát hiện dư lượng HMMNI thuộc nhóm Nitroimidazoles nhưng dưới mức cho phép; số còn lại không phát hiện dư lượng hóa chất cũng như kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng.

 Cũng theo ông Bình thì hiện giờ, hàng nông sản Quảng Ngãi xuất khẩu chủ yếu là tinh bột mì; còn với chè thì vùng sản xuất nhỏ lẻ nên sản lượng rất thấp, doanh thu tiêu thụ nội địa vì thế chỉ đạt 528 triệu đồng nên chuyện xuất ngoại là không thể.

Rõ ràng thương lái đang lợi dụng thông tin để ép giá nông dân và đây không phải là lần đầu nông dân lao đao khi mà việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào “lương tâm” của thương lái. Biết thế, “nhưng để giải quyết triệt để vấn đề bằng cách cắt giảm các mắt xích mua bán trung gian, bảo vệ quyền lợi nông dân thì rất khó” – như lời Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô. Hẳn vì “khó” nên hết lần này đến lần khác, thương lái cứ thoải mái lợi dụng những thông tin không chính xác, thiếu cơ sở để chèn hàng ép giá nông dân nhằm trục lợi.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.