(Báo Quảng Ngãi)- Diện mạo nông thôn, miền núi trong tỉnh những năm gần đây có nhiều đổi mới, nhất là từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong đó sự đóng góp quan trọng của “tiêu chí số 4” về điện. Điện đã mang ánh sáng văn minh đến vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xóa dần lạc hậu, giảm sự nghèo khó của người dân nơi đây.
Trong 33 xã thuộc diện xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, Công ty Điện lực Quảng Ngãi (QNPC) bán điện trực tiếp tại toàn bộ 6 xã và bán điện 1 phần tại 7 xã. Thực hiện mục tiêu đến năm 2015 các xã này đảm bảo tiêu chí số 4, trong năm 2013, bằng nguồn vốn khấu hao cơ bản với tổng giá trị hơn 20 tỷ đồng, QNPC đã khảo sát và lập báo cáo đầu tư cấp điện cho các xã: Bình Trung, Tịnh Khê, Trà Bình, Sơn Thành, Ba Chùa, An Hải, gồm đường dây trung áp 3,8km, đường dây hạ áp 22,3km, 6 trạm biến áp phụ tải, tổng dung lượng 425 kVA.
Đưa điện về các khu dân cư vùng cao Quảng Ngãi. Ảnh: T.N |
Bên cạnh đó, tận dụng cơ hội được Tổng Công ty Điện lực miền Trung chọn là địa bàn triển khai các dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo lưới điện nông thôn, tiếp nhận lưới điện vùng sâu, vùng xa bằng vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), QNCP đã cải tạo, nâng cấp các lưới điện kém chất lượng, mất an toàn. Trong đó, Dự án ADB đã đầu tư gần 170 tỷ đồng để cải tạo và xây dựng hơn 61km đường dây trung áp; gần 120km đường dây hạ áp; 69 trạm biến áp phụ tải với tổng dung lượng 4.780 kVA; lắp đặt 6.863 công tơ. Hiện nay đã đóng điện đưa vào sử dụng tại 35 xã vùng nông thôn của các huyện Đức Phổ, Tây Trà, Minh Long, Sơn Hà, Mộ Đức, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và TP.Quảng Ngãi. Dự kiến dự án này hoàn thành kết thúc vào cuối tháng 9.2014.
Ngoài ra, đối với các xã còn lại trong 33 xã điểm không thuộc trách nhiệm cấp điện của QNCP cũng được Dự án RE II đầu tư từ năm 2004 – 2011. Dự án này được triển khai thực hiện trên địa bàn 6 huyện: Bình Sơn, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Đức Phổ và Mộ Đức; tổng khối lượng đường dây hạ áp là 1.141,85km; kinh phí 336,3 tỷ đồng (vay từ WB). Đặc biệt, dự án Cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm do Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, dự án sẽ thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 10.2014. Qua đó đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao của huyện đảo, đảm bảo điện năng cho sự phát triển kinh tế - xã hội và góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền biển đảo.
Vẫn còn băn khoăn
Mặc dù “tiêu chí số 4” về điện được đầu tư khá lớn, trong đó ngành điện và các nguồn vốn vay khác đã “gánh” bớt trách nhiệm đầu tư cho địa phương. Song hiện tại, chất lượng điện nhiều nơi vẫn chưa ổn định, đặc biệt là lưới điện cũ do các HTX điện quản lý, khai thác. Lưới điện này được hình thành từ nhiều nguồn vốn khác nhau như: Vốn ngân sách nhà nước, vốn vay, vốn HTX, vốn đóng góp của nhân dân... Hiện tại đã qua thời gian sử dụng từ rất lâu (giai đoạn từ năm 1994 đến nay) nên một số không đảm bảo an toàn cung cấp điện, bán kính cấp điện lớn, tổn thất điện năng cao. Một số lưới điện dân tự xây dựng như cột, xà, sứ, dây dẫn... không theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.
Hiện trạng lưới điện hạ áp nông thôn (trừ phần thuộc dự án RE II) đã xuống cấp, một số nơi không đảm bảo về kỹ thuật an toàn, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn kinh doanh bán điện; chưa đảm bảo tiêu chí số 4 về điện. Riêng lưới điện RE II mới xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, tuy nhiên tại một số khu vực lưới điện vẫn chưa vươn đến nơi sử dụng điện, cần phải đầu tư lưới điện để phủ lõm tại các khu vực này. Vì thế, thời gian đến cần phải có một nguồn vốn tương đối lớn để đầu tư mở rộng lưới điện, nhằm đến năm 2015 các xã nằm trong giai đoạn I xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đảm bảo tiêu chí về điện. Đây là một vấn đề khó khăn đối với nguồn lực tài chính hiện nay của đơn vị quản lý kinh doanh điện nông thôn.