(Báo Quảng Ngãi)-”Đó là suy nghĩ của chàng thanh niên xuất ngũ Hồ Quang Linh. Và Linh đã biến điều này thành hiện thực khi hiện nay đang sở hữu cơ ngơi bạc tỷ ngay tại quê hương mình, ở thôn 4, xã Đức Chánh (Mộ Đức).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Khó khăn không chùn ý chí
Xuất ngũ năm 2008, Hồ Quang Linh trở về quê hương Đức Chánh với trăn trở tìm cách làm giàu bằng sức trẻ của mình. “Việc đầu tiên mình nghĩ tới là nuôi heo, vì đây là giống vật nuôi quen thuộc với người dân. Nhưng làm nghề gì, nuôi con gì cũng cần phải có kiến thức”, Linh chia sẻ. Vậy là Linh theo học lớp thú y trong vòng ba tháng được tổ chức tại xã Đức Phú, cách nhà 15km. Kết thúc lớp học, cùng với sự hỗ trợ từ phía gia đình, Linh vay thêm 60 triệu đồng từ Hội Nông dân xã để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống thực hiện ước mơ của mình.
Anh Linh đang nuôi khoảng 100 con heo thịt trong chuồng trại của mình. |
Bắt tay vào chăn nuôi, Linh đã bị phản ứng đầu tiên từ người dân địa phương bởi mô hình nuôi heo với quy mô lớn của Linh gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân trong khu dân cư. Lắng nghe ý kiến của mọi người, Linh nhận ra mô hình chuồng trại còn thiếu hệ thống xử lý, dẫn đến chất thải và nước bẩn chảy trực tiếp ra xung quanh, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Qua tìm hiểu, tham khảo thông tin, Linh thi công hầm biogas để khắc phục điều này. “Vừa bảo vệ môi trường, vừa làm chất đốt nấu nướng khỏi tốn củi và khỏi tốn tiền mua gas. Lợi cả đôi bề!”, Linh cười vui nói về những ưu điểm của hầm biogas.
Với kiến thức được học từ lớp thú y, Linh luôn nắm rõ lịch tiêm ngừa và chủ động việc tiêm ngừa vắcxin cho đàn heo của mình. Nhờ chăm chỉ làm ăn, siêng năng chăm sóc đàn heo và áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc chăn nuôi, sau một thời gian Linh đã thu được lợi nhuận từ đàn heo. Qua thời gian tích cóp, Linh đầu tư mua xe tải chở hàng để tiện việc cung cấp cho các đầu mối.
Giữ đạo đức trong kinh doanh Điều không may mắn xảy ra với anh thanh niên này khi dịch heo tai xanh ập đến vào dịp Tết năm 2012. Vào thời điểm này thị trường đang tiêu thụ thịt heo mạnh, có người hỏi mua nhưng Linh không đồng ý bán. Dù những người mua thuyết phục rằng “bán với giá rẻ để... vớt vát”, nhưng Linh quyết định mang bầy heo bị bệnh đi tiêu hủy, vì nếu bán ra thị trường số thịt heo này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đối với chàng trai này, ngoài lợi ích trong kinh doanh thì phải đặt trách nhiệm bản thân và lợi ích cộng đồng lên hàng đầu. |
Thanh niên nông thôn làm kinh tế tiêu biểu
Với sự siêng năng, cần mẫn làm ăn và phương châm tích cóp lấy ngắn nuôi dài, hiện nay ngoài đàn heo thịt gần 100 con trong chuồng, đàn gà trong vườn nhà lúc nào cũng xấp xỉ trăm con, Linh còn sở hữu 12ha rừng keo và các loại xe cơ giới khác. Ở tuổi 30 như Linh, sở hữu tài sản trị giá hơn 1,3 tỷ đồng, là một con số mơ ước đối với những người dân ở vùng quê nghèo khó này.
Không những chăm chỉ làm ăn, Linh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ bạn bè cùng làm kinh tế. Với mô hình trồng keo làm kinh tế, anh Linh còn góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động ở địa phương. Linh cho biết, “công việc nhà nông kể nghe có vẻ đơn giản vậy nhưng là những chuỗi ngày dài vất vả, thức khuya dậy sớm. Nghề nông cần phải siêng năng, chăm chỉ làm ăn, tính toán ngày công cho hợp lý và không được nản chí khi gặp khó khăn”. Anh Trần Văn Đạo, ngụ xã Đức Minh, chia sẻ, thấy mô hình nuôi heo của Linh đạt hiệu quả, tôi cũng đã học hỏi kinh nghiệm, áp dụng. Nhờ đó đã thu được những kết quả đáng mừng.
Với những nỗ lực của mình, năm 2014 này, Hồ Quang Linh vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của dành cho thanh niên nông thôn tiêu biểu. Chị Phạm Thị Lệ Nguyên - Bí thư Huyện đoàn Mộ Đức cho biết: Hiện nay, trong khi các thanh niên nông thôn rời quê đi làm ăn xa tại các thành phố lớn, thì Linh đã mạnh dạn vay vốn để làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình. Trong thời gian đến, Huyện đoàn sẽ nhân rộng mô hình kinh tế này cho thanh niên trong huyện thông qua các lớp tập huấn và trang web của Huyện đoàn.
Bài, ảnh: Bảo Hòa