Mưu sinh nơi cửa biển

08:09, 24/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sinh ra ở vùng ven biển, nên dường như cuộc đời của những người phụ nữ nơi đây ít nhiều cũng gắn với sông nước. Và họ coi đó là định mệnh…

TIN LIÊN QUAN

 Mùa này, dưới chân cầu Trà Bồng, xã Bình Đông (Bình Sơn) luôn đông đúc những chiếc tàu chờ ngày ra khơi. Đây là những đội tàu  đánh bắt xa bờ, nên luôn nhộn nhịp cảnh vận chuyển phí tổn từ bờ đưa xuống tàu. Trên gương mặt nước da ngăm đen của những người đàn ông quanh năm bám biển rạng ngời niềm vui, bởi cảnh “chồng đi biển, vợ chỉ ở nhà chăm con” không còn nữa, mà giờ đây, những người phụ nữ vùng biển cũng lao vào guồng quay cùng chồng mưu sinh trên những chiếc thúng ven bờ.  
 

 

Những người phụ nữ này oằn mình vì gánh nặng mưu sinh…
Những người phụ nữ này oằn mình vì gánh nặng mưu sinh…

Như một thói quen, mỗi khi tàu đánh bắt xa bờ về neo đậu dưới chân cầu Trà Bồng hoặc chuẩn bị ra khơi thì “đội quân chèo thúng”- phần lớn là phụ nữ lại tất bật với việc chở người, chở hàng từ bờ ra tới nơi tàu neo đậu và ngược lại. Có khoảng 10 người phụ nữ độ tuổi 35-50 ở xã Bình Thạnh và Bình Đông tham gia công việc này.  

Khoảng 5 giờ sáng, những người phụ nữ này bắt đầu chuẩn bị những chiếc thúng, kiểm tra lại tay chèo để chuẩn bị cho một ngày mưu sinh... Đây là những chiếc thúng cũ, được mua lại với giá 1 triệu đồng/chiếc. Công việc ấy tưởng chừng đơn giản, nhưng nếu không quen với cảnh sông nước thì khó có thể làm nghề này.

Thế mà, những người phụ nữ mới ngoài 30 tuổi, người gầy nhom nhưng cùng một lúc chèo thúng đưa  6- 7 người đàn ông lực lưỡng vào bờ hoặc ngược lại. Khi đưa hết người thì chuyển phí tổn, nước ngọt… ra tàu với trọng lượng nặng đến vài tạ. Có lẽ vì thế mà đôi bàn tay của những người phụ nữ này chai sần, ngón tay thô ráp. Đôi bao tay rách tả tơi nhưng các chị nhất định không chịu đổi, chỉ vì muốn tiết kiệm thêm chút tiền để lo cho con cái được đầy đủ hơn.  

 Buông tay chèo, quệt vội dòng mồ hôi lăn trên khuôn mặt sạm đen, hốc hác, chị Nguyễn Thị Năm (45 tuổi), ở thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, ngậm ngùi: Ba tụi nhỏ đi làm thuê trên tàu đánh bắt xa bờ có khi phải vài tháng mới về nhà một lần. Đi biển thì có lúc này lúc khác, tụi nhỏ thì ngày càng lớn, tiền đi học, quần áo, sách vở và hàng ngàn thứ phải lo khác nữa nên không còn cách nào khác tôi phải ra đây để chèo thúng kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Mỗi ngày thu nhập từ việc chèo thúng cũng được tầm khoảng 70 - 100 nghìn đồng.

Tiếp lời chị Năm, chị Phạm Thị Diệu (31 tuổi), ở thôn Vĩnh An, xã Bình Thạnh kể: Chồng tôi cũng đi tàu đánh bắt xa bờ. Tôi cảm thấy gánh nặng cơm áo gạo tiền cứ dồn lên vai chồng nên quyết định vay mượn mua lại chiếc thúng cũ, sửa sang lại rồi gia nhập đội chèo thúng cùng với mấy chị em khác. Công việc ấy của chị Diệu đến nay cũng được 5 năm rồi.

Dù nhọc nhằn, nhưng nhìn gương mặt các chị sạm đen vì nắng gió cũng ánh lên chút niềm vui nho nhỏ. Có lẽ với họ, được chia sẻ gánh nặng cơm áo gạo tiền hằng ngày cùng chồng là niềm hạnh phúc không gì đong đếm được.
 
Bài, ảnh: Trúc Giang

 

.