Mưu sinh trong giá lạnh

10:01, 22/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khi nhiều người đang say giấc trong chăn ấm thì họ dầm mình trong làn nước lạnh để nhặt từng con tôm, cua, cá cho kịp phiên chợ sáng. Đó là chuyện mưu sinh của những người hành nghề đăng nò tại đầm Lâm Bình, giáp ranh giữa 2 xã Phổ Cường và Phổ Vinh (Đức Phổ).

Đêm giá lạnh

Sau nhiều lần nài nỉ, anh Nguyễn Văn Thuần ở thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường miễn cưỡng đồng ý cho tôi theo để được “mục sở thị” việc bắt tôm, cá bằng đăng nò tại đầm Lâm Bình trong đêm giá lạnh. Đang say giấc thì tôi bị anh lôi ra khỏi chăn khi chưa đến 3 giờ sáng. Vừa bước ra khỏi cửa đã thấy mẹ anh cùng với đôi quang gánh, rổ, rá chờ ngoài sân. Anh cùng với tôi và mẹ anh (đã qua tuổi lục tuần) vội vã cuốc bộ hơn 1km thì đã thấy những ánh đèn pin lấp lóa trên mặt đầm. Tôi phụ anh đẩy chiếc ghe nhỏ xuống nước, chân giật thót như chạm phải điện khi lội vào làn nước lạnh buốt. Anh ái ngại: “Hay là chú ngồi trên bờ, trùm áo mưa cho đỡ lạnh, không khéo lại ngã bệnh ra đấy!”. Nhưng tôi vẫn nhất quyết bước lên ghe.

 

Anh Thuần kiểm tra đăng nò.
Anh Thuần kiểm tra đăng nò.


Tiếng gõ nhịp vào mạn thuyền của những người chài lưới làm lay động mặt đầm mênh mông nước giữa đêm tối. Đây đó í ới tiếng gọi nhau “Sao hôm nay đi muộn thế?”. Sau khoảng hai mươi phút chèo thuyền, anh Thuần vội rời ghe xuống nước, kiểm tra giàn đăng nò đầu tiên. Chỉ có ít cá nhỏ và tôm đất cùng với vài con cua “vì trời lạnh nên tôm, cua, cá ngại đi kiếm ăn”. Mẹ anh nhanh tay phân riêng từng loại tôm đất, cá và cua “để chúng vẫn còn tươi rói khi đến tay người mua”. Những chú tôm, cá nhỏ xíu búng mình như muốn trốn chạy dưới ánh đèn pin lấp lóa. Anh Thuần lội nước, kéo chiếc ghe sang kiểm tra trái nò bên kia giàn đăng lưới. “Vẫn chỉ có thế” – anh thở dài.

Làn gió đêm mang hơi nước lạnh buốt dù đã choàng mũ len với vài lớp quần, áo và cả chiếc áo mưa dày cộp. Chiếc máy ảnh trên tay tôi cứ rung lên từng hồi. Anh Thuần vẫn đang dầm mình trong làn nước với mức trên đầu gối đến bụng đổ từng cái nò. “Bữa nay đỡ lạnh hơn nhiều rồi đấy! Nhiều hôm rét lạnh đến thấu xương nên không dám cho chú đi theo vì sợ chịu không thấu. Nhiều đêm gặp sương mù, không thể xác định phương hướng đành ngồi co ro trên ghe chờ trời sáng” – anh cho biết.

Sau hơn 2 giờ đồng hồ, trên ghe có khoảng 2kg cua, vài lạng tôm đất cùng với mớ cá nhỏ. Bỗng tiếng cá quẫy mạnh vơi đi phần nào cơn rét lạnh tái tê. Con cá mè nặng hơn 1kg nằm trong lòng ghe lấp lánh vảy bạc. “Nhiều người cho rằng, đánh bắt theo kiểu đăng nò sẽ tận diệt nguồn thủy sản. Thực ra, không phải vậy. Những loài cá chui vào nò lớn lắm cũng chỉ trên dưới ngón tay: cá ngạnh, mại trắng, đỗ dạ, tôm đất và cua. Hiếm lắm mới được cá mè vào nò. Chắc cháu nhẹ vía nên hôm nay mới gặp may như thế. Bữa nay sẽ bán được 150.000 đồng” – mẹ anh nói.

Anh Thuần vội chèo ghe vào bờ thì trời vừa hửng sáng. Cả 3 chúng tôi vội trở về nhà. Anh ăn vội bữa sáng rồi đến làm việc tại trụ sở UBND xã Phổ Cường. Mặc cho tôi cố từ chối, mẹ anh vẫn nài ép nhận con cá mè duy nhất bắt được trong đêm. Bà thẳng thừng: “Đây là phần về nấu canh chua cho các cháu ở nhà. Không nhận là bác giận đấy”. Tôi đành phải vâng lời.

Mái nhà ấm áp

Cùng với trồng lúa, nuôi heo, 17 năm hành nghề đăng nò tại đầm Lâm Bình đã giúp ông Trần Năm nuôi 8 người con trưởng thành. Hiện con trai út của ông là sinh viên năm cuối Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh. Có lẽ thấy bố mẹ quá vất vả nên các con của ông luôn chăm ngoan, vâng lời chứ không đua đòi như những thanh, thiếu niên gia đình khác. Cứ 2 giờ sáng thì vợ chồng ông rời nhà lặn lội trong làn nước lạnh đến hửng sáng mới trở về để bà còn kịp phiên chợ sớm. Trung bình mỗi đêm như thế, vợ chồng ông kiếm được gần 300.000 đồng. “Nghề đăng nò rất vất vả, nhất là khi thời tiết rét lạnh. Những năm trước, tại đầm Lâm Bình có trên 20 hộ dân hành nghề đăng nò. Do quá cực nhọc nên nhiều hộ đã chuyển sang giăng lưới và các phương thức đánh bắt khác. Các con khuyên nên nghỉ ở nhà, nhưng vợ chồng tôi vẫn cố gắng làm để kiếm thêm tiền đỡ đần con cháu. Với lại, nghề này đã góp phần giúp vợ chồng tôi xây dựng nhà cửa, nuôi các con trưởng thành nên cũng khó lòng từ bỏ” – ông Năm thổ lộ.

Anh Thuần hiện là công chức công tác tại xã Phổ Cường, vợ anh là giáo viên mầm non. Lương của vợ chồng anh mỗi tháng hơn 7 triệu đồng. Vợ chồng anh xây được căn nhà khá khang trang. Tuy vậy, anh vẫn gắn bó với nghề đăng nò. “Phải cố kiếm thêm để tích cóp nuôi các con ăn học. Ngoài công tác ở địa phương, bản thân tôi cũng đang theo học lớp Trung cấp lý luận chính trị và Đại học hành chính. Cuộc sống thường ngày có lắm khoản chi tiêu nên phải gắng sức thôi chú à!” – anh Thuần tâm sự.

Mỗi khi được thưởng thức món ngon chế biến từ cá đồng, tôi lại nhớ về anh Thuần cùng với mẹ anh. Dù không nói ra, nhưng tôi biết đêm ấy bà rất lạnh. Câu nói của bà: “Đây là phần về nấu canh chua cho các cháu ở nhà. Không nhận là bác giận đấy”. Tôi xin mãi ghi nhớ trong lòng, giúp tôi hiểu thêm những điều tốt đẹp cùng với nỗi vất vả trong cuộc đời này.


Bài, ảnh: TRANG THY

 


.