(Báo Quảng Ngãi)- “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường, Mán, Giarai… và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Minh Long đã đoàn kết, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Gương sáng trong phong trào thi đua
Anh Đinh Tấn Công (Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Gò Tranh, xã Long Sơn) mặc dù chưa đầy 40 tuổi nhưng được bà con tin yêu và xem như “già làng” có uy tín ở địa phương. Là người có vai trò tập hợp, đoàn kết đồng bào dân tộc thiểu số, anh Công tích cực vận động nhân dân thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Mọi vấn đề, nhất là vụ việc mâu thuẫn xảy ra ở địa phương đều được anh giải quyết thấu tình đạt lý. Anh còn tích cực vận động nhân dân đưa các giống cây trồng mới có năng suất cao vào sản xuất, tăng thu nhập, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo.
Mô hình trồng keo lai đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con dân tộc thiểu số huyện Minh Long. |
Cũng như anh Công, đến thôn Kỳ Hát, xã Long Mai hỏi đến ông Đinh Rẹp thì bà con ai cũng thán phục cái tài, cái tâm hết lòng vì đồng bào nghèo của già làng 70 tuổi này. Những vụ việc phức tạp của thôn đều được ông giải quyết êm thấm. Bởi thế ông Rẹp được bà con tặng cho biệt danh “Vua hòa giải”.
Còn nói đến điển hình trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững thì không thể không nhắc đến anh Đinh Văn Un (ở thôn Diệp Thượng, xã Thanh An). Anh Un đã chịu khó học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ các đợt tập huấn, tham quan mô hình chăn nuôi trang trại. Sau đó anh mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo, kết hợp với nuôi gà thả vườn. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí tổng thu nhập của gia đình anh Un đạt trên 100 triệu đồng.
Chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số
Ông Nguyễn Văn Thuần-Chủ tịch UBND huyện Minh Long cho biết: “Chính quyền địa phương xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Hằng năm, huyện xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Chương trình 134, 135, Chương trình 30a, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, dự án cho vay vốn... Đến nay đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt”.
Hiện nay, 100% số xã trên địa bàn huyện Minh Long có điện lưới quốc gia; 100% số thôn có đường giao thông đến trung tâm thôn. Hệ thống đường giao thông, điện sinh hoạt và sản xuất, hệ thống kênh mương thủy lợi, các công trình văn hóa, giáo dục được huyện quan tâm đầu tư xây dựng. Cùng với sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương đã phát huy truyền thống đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế-xã hội. Đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Minh Long được nâng cao. Tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc được thắt chặt.
Huyện Minh Long còn chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Trong 5 năm qua, đã có gần 100 lao động địa phương tham gia xuất khẩu lao động. Mỗi năm trên địa bàn huyện có hàng trăm lao động được đào tạo nghề và có việc làm ổn định. Từ năm 2009 đến nay, Minh Long đã huy động hơn 26 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương xuống còn 38%. Về phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Minh Long là một trong những huyện miền núi trong tỉnh sớm hoàn thành công tác xóa mù chữ (năm 1995) và duy trì giữ chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới đồng bào dân tộc thiểu số ở Minh Long sẽ tiếp tục chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Bài, ảnh: KIM NGÂN