Minh Long- ngoảnh lại và đi tới

06:08, 17/08/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Đã 40 năm trôi qua nhưng với những người được sống trong giây phút ấy, kí ức hào hùng của ngày chiến thắng vẫn vẹn nguyên. 40 năm sau ngày giải phóng, Minh Long- huyện nghèo của tỉnh giờ đây đã nhường chỗ cho những ngôi nhà, con đường khang trang, sạch đẹp.

Kí ức hào hùng

Ông Phạm Văn Rin (65 tuổi) ở thôn Cà Xen, xã Long Môn làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực cho cách mạng kể, khi nghe đài phát thanh thông báo quân ta đã chiến thắng, huyện nhà được giải phóng, người dân ai nấy đều vui mừng khôn xiết, nhiều người òa khóc.

Đó là cái ngày mà nhân dân huyện Minh Long phối hợp với bộ đội chủ lực thuộc Lữ đoàn 52 nhất tề tấn công tiêu diệt địch… Với lòng căm thù giặc sâu sắc, khí thế hừng hực, quân và dân huyện nhà đã tiêu diệt 4 đại đội bảo an, 2 trung đội cộng hòa, 2 trung đội biệt kích, 1 trung đội pháo binh, 12 trung đội dân vệ..., loại khỏi vòng chiến đấu 588 tên địch, tịch thu 648 súng các loại, 11 tấn đạn và nhiều phương tiện chiến tranh khác của địch, giải phóng hoàn toàn huyện nhà.

Là một trong hai huyện giải phóng đầu tiên của tỉnh, chiến thắng ấy là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đánh đổ chế độ ngụy quân, ngụy quyền của đế quốc Mỹ, giành lại quê hương trong sự tàn phá điêu tàn của giặc.

 

Trung tâm huyện Minh Long.
Trung tâm huyện Minh Long.


Giải phóng Minh Long đã góp phần triệt phá vị trí tiền tiêu phía Tây Nam tỉnh lỵ của địch, mở đường cho những thắng lợi tiếp theo, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Chung tay xây dựng quê hương

Thắng lợi lịch sử ấy đã mở ra cuộc sống độc lập, tự do cho đồng bào. Từ mảnh đất vắng vẻ và hoang tàn trong chiến tranh, nay Minh Long đã có nhiều đổi khác, những đổi thay đó đã nói lên sức vươn mạnh mẽ của mảnh đất này.

Huyện vận động nhân dân khai thác tiềm năng đất đai, lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế... Trong quá trình vận động đi lên, huyện đã ra sức khắc phục những khó khăn, ổn định sản xuất, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi; đầu tư thâm canh tăng vụ, từng bước đưa năng suất, sản lượng các loại cây trồng tăng lên đáng kể.

Thế mạnh của địa phương là phát triển kinh tế rừng. Minh Long cũng đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và trồng rừng, bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Đến nay toàn huyện có 780 ha rừng sản xuất, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế của huyện nhà. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 16,4%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết.

Kinh tế phát triển, các hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện được giữ vững. Đời sống người dân được cải thiện đáng kể; hạ tầng bưu chính - viễn thông được đầu tư mở rộng; 5/5 xã có hệ thống đường cáp quang; 100% xã được phủ sóng điện thoại di động và có điểm bưu điện văn hóa xã; hơn 95% hộ dân sử dụng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt gia đình

Những kết quả đạt được trên là minh chứng cho sự vượt khó vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huỵên Minh Long. Giờ đây, nhân dân huyện nhà đang chung tay cùng các cấp chính quyền xây dựng nông thôn mới trên vùng cao.

 

Từ mãnh đất hoang tàn của chiến tranh, giờ đây Minh Long bạt ngàn màu xanh.
Từ mảnh đất hoang tàn sau chiến tranh, giờ đây Minh Long bạt ngàn màu xanh.


Ông Phạm Văn Re ở xã Long Sơn tâm sự: “Sau chiến tranh, vùng đất quê tôi chỉ là những hố bom hố đạn nham nhở, nhưng giờ đã khác. Giờ đây trong làng, trong xã, đường sá đã “bê tông hóa” hết.

Hướng đến đô thị mới

Nghị quyết Đại hội huyện đặt chỉ tiêu đến năm 2015, huyện nhà sẽ trở thành thị trấn. Đô thị hóa Minh Long được đánh giá là tiến trình cần thiết. Đó không chỉ là quyết tâm của cấp ủy, chính quyền huyện mà còn là sự khao khát của người dân.

Huyện đã bắt tay từng bước mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, có tính kết nối, liên hoàn cao. Huyện đầu tư xây dựng tuyến tỉnh lộ 624 từ trung tâm đi xã Ba Động (huyện Ba Tơ) và tuyến tỉnh lộ 628 từ xã Thanh An đi Sơn Kỳ (huyện Sơn Hà), mở hướng phát triển du lịch.

Khu du lịch Thác Trắng sẽ điểm nhấn trong việc phát triển du lịch ở địa phương, huyện đã đầu tư xây dựng khu du lịch để khai thác tiềm năng.

Trong hai năm gần đây, hàng chục công trình thiết yếu trên địa bàn, được đầu tư. Một số công trình quy mô đầu tư lớn như đường Phú Lâm - Hố Cả, Long Sơn - Long Mai (qua cầu Biểu), Long Sơn - Long Mai (qua đèo Chân) đã tạo động lực đô thị hóa những xã vùng dự án.

Đặc biệt, tuyến đường trung tâm xã Long Hiệp dài gần 2km, có mức đầu tư gần 30 tỷ đồng để mở rộng, đầu tư điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước. Ngoài ra, huyện còn đầu tư xây dựng mới các tuyến đường giao thông khu vực trung tâm theo tiêu chí đô thị loại V, xây dựng kè sông Phước Giang đoạn qua trung tâm huyện đã tạo diện mạo mới cho Minh Long.

Ông Nguyễn Văn Thuần- Chủ tịch UBND huyện Minh Long tâm sự: Đô thị trung tâm sẽ là "đòn bẩy" quan trọng để huyện bắt kịp tiến trình hiện đại hóa. Đô thị hóa bền vững, sẽ là điều kiện tiên quyết, là động lực đưa huyện miền núi Minh Long thoát khỏi tình trạng huyện nghèo vào năm 2020.



Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.