Diện mạo mới ở vùng kinh tế phía tây Mộ Đức

10:09, 14/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 1 năm qua, huyện Mộ Đức đã tập trung thực hiện Đề án vùng kinh tế phía tây của huyện giai đoạn 2013 – 2015 và định hướng đến năm 2020 nên đã có những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Đó là, đã hình thành gần 40 mô hình kinh tế quy mô lớn, mang lại thu nhập ổn định, bền vững cho các hộ gia đình và góp phần thay đổi diện mạo nông thôn các địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Vùng phía tây của huyện Mộ Đức có 5 xã và 1 thị trấn, có diện tích đồi núi khá lớn, chiếm trên 30% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện. Vùng đất phía tây nằm ở độ cao trung bình từ 20 – 30m, độ dốc thấp, chủ yếu là nhóm đất xám được hình thành trên nền phù sa cổ. Ở đây còn có 6 hồ chứa nước đã được cải tạo, nâng cấp, hệ thống thủy lợi, hệ thống giao thông cơ bản thuận lợi. Đây là lợi thế để phát triển ngành lâm nghiệp, trang trại, chăn nuôi gia súc và trồng cây ăn quả…

 

Bà Biểu đang chăm sóc vườn cây ăn trái hơn 2ha của gia đình.
Bà Biểu đang chăm sóc vườn cây ăn trái hơn 2ha của gia đình.


Ông Vũ Nhân - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức cho biết: Trước khi thực hiện đề án, vùng phía tây cũng có những mô hình kinh tế, nhưng chỉ ở quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, nên chưa phát huy được thế mạnh của vùng. Khi bắt đầu thực hiện đề án, có những khó khăn nhất định, đặc biệt là về ngân sách, nhưng với sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân nên đã huy động được nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, tự mở rộng quy mô sản xuất. Các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi về giao cấp đất; chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho nông dân.

 Hơn 1 năm thực hiện đề án, có nhiều mô hình chăn nuôi tập trung được mở ra, đặc biệt là có những trang trại tổng hợp, chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp... Huyện đã đầu tư vào các mô hình mới như: Mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ ở xã Đức Hòa có 5 hộ tham gia với diện tích 5.000m2, xã Đức Tân có 5 hộ tham gia với tổng diện tích 5.000m2; mô hình trồng bưởi da xanh trên diện tích 10.000m2 với 4 hộ tham gia. Hiện các mô hình này đang phát triển tốt.

Đến thăm mô hình kinh tế của gia đình bà Phạm Thị Ngọc Biểu ở thôn 7, xã Đức Tân, thuộc vùng kinh tế phía tây, đập vào mắt chúng tôi là một màu xanh phủ khắp  vườn ổi, bưởi, thanh long và vườn ươm… Với diện tích hơn 2ha, gia đình bà Biểu kết hợp trồng cây ăn quả và chăn nuôi, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động và 7 lao động thời vụ. Hiện nay, gia đình bà sở hữu 300 gốc ổi, 200 gốc bưởi, 200 gốc chanh, vườn ươm cây giâm hom (200 nghìn cây/năm), cùng với chăn nuôi hơn 600 con gà, vịt, 18 con bò. Năm 2013, khi Đề án vùng kinh tế phía tây của huyện triển khai, gia đình bà được hỗ trợ 400 hom giống thanh long ruột đỏ (tương đương với 100 gốc). Đồng thời, Trung tâm Khuyến nông cũng mở lớp tập huấn để  hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, cách chăm sóc. Thanh long ruột đỏ là một loại cây trồng mới, ban đầu tôi cũng bỡ ngỡ nhưng được sự hỗ trợ và động viên của cán bộ kỹ thuật, nên từ 100 gốc ban đầu tôi mạnh dạn trồng thêm 200 gốc nữa.

Cách đây 1 tháng, bà Biểu thu hoạch vụ thanh long ruột đỏ đầu tiên, với giá bán tại vườn từ 20.000 - 25.000đ/kg (gấp 2 lần thanh long ruột trắng) mang lại lợi nhuận khá cao cho gia đình. Trung bình mỗi năm, bà Biểu  thu hoạch hơn 20 tấn trái cây các loại, tính cả doanh thu từ vườn ươm, chăn nuôi, mỗi năm gia đình bà thu về trên 400 triệu đồng. Hiện tại, gia đình bà đang trồng thử nghiệm 50 gốc hồ tiêu.

Được biết, hiện ở vùng kinh tế phía tây huyện Mộ Đức có gần 40 mô hình kinh tế sản xuất kinh doanh hiệu quả, mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Như trang trại của ông Phạm Văn Bích, Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Văn Danh… ở xã Đức Phú; trang trại của ông Nguyễn Tấn Dũng ở thị trấn Mộ Đức; mô hình trồng cây lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi bò, heo, nuôi cá của bà Phạm Thị Kim Anh ở xã Đức Tân; trang trại tổng hợp chăn nuôi heo rừng kết hợp trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp của ông Trần Độ…

Ông Vũ Nhân cho biết thêm: Phát triển vùng kinh tế phía tây là một đề án hợp lý và đúng đắn, giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, đem đến diện mạo mới cho vùng đồi núi phía tây của huyện. Thời gian đến, huyện sẽ đẩy mạnh việc giao đất, cho thuê đất cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện để đầu tư phát triển kinh tế trang trại, ưu tiên phát triển chăn nuôi đại gia súc, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung; phát triển trang trại kinh tế vườn - đồi… Đồng thời, kêu gọi đầu tư, liên doanh, liên kết với các công ty, cơ sở chế biến, để giải quyết đầu ra cho sản phẩm của nông dân, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Bài, ảnh: HIỀN THU
 


.