Vị "mặn"... nước mắm Đức Lợi

08:08, 27/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghề làm nước mắm đã trở thành nghề truyền thống, là chỗ dựa về kinh tế cho nhiều hộ gia đình tại Đức Lợi (Mộ Đức). Năm 2009, nước mắm Đức Lợi được công nhận là làng nghề chế biến nước mắm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ gia đình đã nghỉ làm nước mắm hoặc chuyển sang kinh doanh khác vì nước mắm ngày càng ế ẩm.

TIN LIÊN QUAN

Đức Lợi là một xã nằm về phía hạ du của sông Vệ, phía đông giáp với biển. Từ bao đời nay người dân Đức Lợi chủ yếu sống nhờ vào nghề đánh bắt hải sản ven bờ và nghề làm nước mắm. Sản phẩm này được chở đi bán khắp các vùng trong tỉnh. Nước mắm Đức Lợi được làm theo công thức truyền thống, thường muối cá từ 6 đến 8 tháng mới ra thành phẩm nước mắm có vị mặn và lượng đạm cao.

Đức Lợi chủ trương chuyển đổi đất dành cho việc phát triển làng nghề  sang mục đích khác nhằm phục vụ thiết thực hơn đời sống người dân.
Đức Lợi chủ trương chuyển đổi đất dành cho việc phát triển làng nghề sang mục đích khác nhằm phục vụ thiết thực hơn đời sống người dân.


Chị Đặng Thị Năm ở thôn An Mô, cho biết, chị làm nghề muối mắm từ năm 20 tuổi. Trước năm 2010, mỗi tháng chị có thể bán cho các đầu mối tại các huyện được một phi nước mắm (bằng 1 tạ). Bây giờ buôn bán ế ẩm lắm, thỉnh thoảng chị mới chở nước mắm đi bán.

Còn chị Nguyễn Thị Tặng ở thôn Vĩnh Phú cho hay: Chị có thâm niên 15 năm trong nghề chế biến nước mắm. Chị hay bán mắm tại chợ huyện Minh Long, mỗi ngày có thể bán từ 70 - 80 lít nước mắm. Nhưng từ năm 2012, chị Tặng phải tiếc nuối chia tay với nghề truyền thống của gia đình vì “kinh doanh không đủ chi trả tiền xăng”. Hiện gia đình chị chuyển sang kinh doanh quán ăn.

Theo ông Lê Thanh Phách - Chủ tịch UBND xã Đức Lợi, địa phương đã hướng dẫn, giới thiệu cho người dân tìm hiểu thêm, tiếp cận với thị trường. Tuy nhiên, mức độ tiêu thụ nước mắm Đức Lợi hiện nay không bằng trước kia vì sự cạnh tranh khắc nghiệt của các loại nước mắm đóng chai sẵn vừa tiện lợi, mẫu mã đẹp, giá rẻ. Đồng thời nhiều người dân sống tại các vùng thị trấn, thành phố có xu hướng lựa chọn hình thức muối mắm tại nhà để dành ăn, chế độ ăn nhạt hơn. Cho nên trước đây hầu như nhà nào cũng có chị em phụ nữ làm nghề chở nước mắm đi bán, giờ chỉ còn ít, có khi cả tuần mới đi bán 1, 2 lần. Thanh niên thì đi làm ăn xa, hoặc đi biển thuê cho các nơi khác. Còn nghề biển tại địa phương chủ yếu đánh bắt ven bờ, diện tích đất nông nghiệp của xã nhỏ hẹp. Đời sống kinh tế của người dân đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn.

Nhiều gia đình kinh doanh nước mắm nhỏ lẻ tại Đức Lợi dường như “gục ngã” trước sự cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường. Còn những hộ đã đầu tư cơ sở chế biến nước mắm tại nhà thì không “mặn mà” với việc di chuyển vào khu quy hoạch cho việc phát triển làng nghề nước mắm. Thực tế hiện nay cho thấy, việc quy hoạch, đầu tư cho phát triển làng nghề nước mắm không còn thiết thực với người dân nơi đây.

Chủ trương của địa phương là chuyển đổi khu vực đất làng nghề với diện tích 2,5 ha này sang mục đích khác. Ý định ban đầu là tập hợp các cơ sở gia công, may mặc lại thành cơ sở sản xuất, hoặc kêu gọi các dịch vụ kinh doanh không ảnh hưởng đến môi trường tập trung lại. Hướng đi lâu dài là chủ động tìm kiếm phương thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả để giúp người dân phát triển kinh tế gia đình ổn định, bền vững.


Bài, ảnh: Bảo Hòa
 


.