Độc đáo "nhà rơm" ở vùng cao Sơn Ba

08:08, 21/08/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Không những biết làm chuồng trại để nhốt trâu, bò, mà trong những năm gần đây nhiều hộ dân ở vùng cao xã Sơn Ba (Sơn Hà) còn có thói quen làm nhà để dự trữ rơm cho trâu bò. Đối với người dân đồng bằng thì chuyện dự trữ rơm rạ để làm thức ăn cho trâu, bò là chuyện bình thường, thế nhưng, đối với đồng bào vùng cao, đây thực sự là một bước tiến về nhận thức.  

TIN LIÊN QUAN

Trung tuần tháng 8, chúng tôi có chuyến công tác về xã vùng cao Sơn Ba, đi dọc hai bên đường, điều dễ nhận thấy nhất là các hộ dân chăn nuôi trâu, bò đều làm chuồng trại để nuôi nhốt. Song điều ấn tượng nhất với chúng tôi, chính là cạnh mỗi ngôi nhà của bà con hay các khu vực ruộng bậc thang đều thấy có những nhà nhỏ chừng chục mét vuông để cất giữ rơm, rạ khô làm thức ăn cho trâu bò.
 
Điều này khá lạ và gây cho chúng tôi không ít những tò mò. Bởi lẽ, hầu hết ở vùng đồng bằng hay các vùng miền núi khác trong tỉnh người dân thường làm những cây rơm để dữ trự rơm, trong khi đó, ở đây, người dân xây dựng những "nhà rơm" khá vững chãi.
 
Chị Đinh Thị Phẩm- có "nhà rơm"  ở ngay bên cạnh đường ở xã Sơn Ba cho rằng, những năm gần đây, bà con ở đây đã có thói quen làm “nhà rơm” để tích trữ làm thức ăn cho đàn gia súc vào mùa đông. Trước đây, bà con cũng làm cây rơm để dự trữ rơm, nhưng do ở đây vào mùa đông mưa nhiều, ẩm ướt nên rơm thường hay bị ẩm mốc, hư hỏng. Thế nên, người dân đã nghĩ ra cách làm nhà để cất rơm. Cách làm này khá tốn kém, nhưng cái được là rơm khô không bị mốc, để được lâu hơn.
 
Chỉ tay về phía nhà rơm của gia đình mình, chị Phẩm cho biết: "Nhà rơm" này mình làm từ năm ngoái đấy, tính ra cũng mất gần 2 triệu đồng. Ở đây nhiều người làm "nhà rơm" giống mình lắm!
 
Theo quan sát của chúng tôi, "nhà rơm" này có diện tích khoảng 15-16m2 được xây dựng rất chắc chắn ở nơi cao ráo, nền tráng xi măng, mái lợp tôn, xung quanh dùng tre, nứa để che chắn xung quanh.
 
"Nhà rơm" được các hộ dân ở Sơn Ba đầu tư xây dựng khá vững chãi.
 
Đi dọc theo các tuyến đường ở xã Sơn Ba, chúng tôi ghi nhận có khá nhiều hộ gia đình chăn nuôi trâu, bò chọn mô hình "nhà rơm" để dự trữ rơm. Nhà có điều kiện thì làm "nhà rơm" kiên cố nền tráng xi măng, mái lợp ngói hoặc tôn. Nhà không điều kiện thì làm "nhà rơm" nhỏ hơn, tận dụng các vật liệu trên rừng để làm" nhà rơm" như kiểu nhà sàn để đảm bảo rơm không bị ẩm ướt, hư hỏng.
 
Ông Đinh Văn Vôi ở thôn Gò Da cho biết: Trước kia mình vốn quen với việc thả trâu bò trên núi, nên mỗi khi mùa mưa là mình lo sợ trâu, bò chết vì trời rét và đàn trâu, bò bị đói khi lượng thức ăn từ cỏ tươi đã hết. Nhưng từ khi mình biết biết dựng "nhà rơm" dự trữ  phòng chống đói, làm chuồng trại, che chắn cẩn thận thì không còn lo trâu bò chết rét như trước nữa. 
 
Gia đình ông Đinh Văn Vôi có 4 con trâu, 2 con bò. Nhờ cách làm này, nên đàn trâu, bò nhà ông mấy năm gần đây phát triển khá tốt, nguồn thức ăn thì sẵn có quanh năm. "Mỗi năm mình tích trữ rơm rạ 2 lần vào vụ đông xuân và vụ hè thu. Nhiều hộ trong làng mình nuôi trâu bò nhiều, không chỉ tận dụng rơm trong ruộng mà còn đi mua thêm rơm rạ ở các ruộng khác về dự trữ.
 
Dù đầu tư tốn kém hơn, song những
Dù đầu tư tốn kém hơn, song những "nhà rơm" như thế này bảo quản rơm tốt hơn trong mùa mưa.
 
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn xã Sơn Ba có khoảng trên 3.000 con trâu, bò. Số hộ có 2- 3 con trâu, bò trở lên khá phổ biến. Người chăn nuôi đã ý thức được giá trị của của con trâu, con bò nên hầu hết hộ nuôi đều có chuồng trại để nuôi nhốt gia súc. "Bây giờ công tác tuyên truyền cũng dễ dàng hơn nhiều, nhận thức của người dân về dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại cho gia súc vào mùa đông đã và đang trở thành thói quen"- ông Đinh Xuân Hành- Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Ba chia sẻ.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Trung- Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Sơn Hà cho biết: Sơn Ba là một trong những địa bàn xa nhất của huyện Sơn Hà, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, với sự thay đổi nhận thức trong tập quán chăn nuôi của bà con đồng bào H're ở đây quả là một bước tiến dài.  
 
"Để góp phần thúc đẩy việc phát triển chăn nuôi ở vùng cao Sơn Ba, sắp tới, dự kiến Trạm khuyến nông sẽ có chương trình hỗ trợ trâu giống và hướng dẫn bà con trồng cỏ để chăn nuôi đạt hiệu quả cao hơn"- ông Đinh Văn Trung- Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Sơn Hà cho hay.  
 
Có thể nói, với những thay đổi tích cực trong tập quán chăn nuôi của bà con vùng cao Sơn Ba, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan chắc chắn trong tương lai, việc chăn nuôi gia súc ở Sơn Ba sẽ đạt kết quả cao hơn, thực sự là động lực kinh tế để xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân nơi đây.
 
 
Bài, ảnh: Bảo Ngọc
 

.