(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều năm qua, nông dân xã miền núi Ba Động (Ba Tơ) đã tận dụng lợi thế bãi bồi ven sông, đất thổ vườn nhà trồng cỏ, đầu tư chuồng trại kiên cố nuôi bò lai phát triển kinh tế hộ gia đình. Đến nay, toàn xã có 97% bò lai, chiếm tỷ lệ cao nhất huyện Ba Tơ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Từ một hộ “bén duyên” với con bò lai cách đây ngót chục năm, đến nay, hầu hết nông dân xã Ba Động đều chọn mô hình trồng cỏ nuôi bò lai làm mũi nhọn phát triển kinh tế hộ gia đình. Toàn xã hiện có khoảng 780 hộ, với 2.850 nhân khẩu. Phần lớn các hộ dân đều có chuồng bò được xây dựng trên nền bê tông sạch sẽ, mái lợp ngói. Trong mỗi chuồng bò đều có từ 2 đến 4 con bò lai.
Ông Trương Quang Roi ở thôn Tân Long Trung nuôi 6 con bò lai, trong đó có 1 con bò đực giống. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò, ông đã dành 3 sào đất thổ để trồng cỏ voi. Trên vùng đất này, ngày xưa ông Roi trồng lang, mì, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi trồng cỏ nuôi bò, tính ra có lãi hơn nhiều, kinh tế gia đình ông nhờ thế dần ổn định, phát triển bền vững hơn.
Ông Trương Quang Roi, thôn Tân Long Trung, xã Ba Động chăm sóc bò lai. |
Không chỉ ông Roi mà nhiều hộ nông dân ở xã Ba Động, nhờ nuôi bò lai mà đã cho các con ăn học, thực hiện ước mơ đổi đời. “Mỗi năm, cứ trước ngày khai trường là chúng tôi “toát mồ hôi hột”. Không có cặp bò lai chắc không biết xoay sở ra sao”– anh Nguyễn Văn Hoanh thôn Nam Lân, bộc bạch. Anh Hoanh nuôi một cặp bò lai giống. Hằng năm, cặp bò này sinh sản một cặp nghé. Cứ gối đầu, nghé đến một năm tuổi anh bán khoảng 30 triệu đồng. Đây là nguồn chi tiêu trong gia đình và nuôi các con anh ăn học.
Bây giờ, ở xã Ba Động, mọi người vẫn phục ông Huỳnh Văn Ngạn nhà ở đầu thôn Tân Long Trung, mỗi khi bàn chuyện nuôi bò lai để làm giàu. Cách thức nuôi bò lai của ông Ngạn khác xa mọi người. Trong chuồng bò của ông chỉ có 4 con, nhưng ông làm cả dãy chuồng kiên cố. Mỗi ô nhốt mỗi con, có máng cỏ, máng nước, có nơi lấy phân, chuồng trại luôn sạch sẽ, thoáng đãng. Ông cho rằng: “Bò bây giờ có giá, mình phải chăm kỹ để tránh dịch bệnh xảy ra”. Ông Ngạn nuôi bò có thâm niên hơn 10 năm. Lúc đầu ông nuôi bò cái phối giống lai F2 – F3 ở địa phương. Vì vậy, cùng thời gian nuôi và chăm sóc gần như nhau, nhưng bán mất giá hơn so với bò lai F1 gần 4-5 triệu đồng. Thế là ông quyết định mua bò giống lai sind để chăm sóc. Bây giờ, trong chuồng bò của ông có 4 con bò cái, hằng năm ông thu về gần 100 triệu đồng, trừ chi phí, còn lãi 40 triệu đồng.
Nuôi bò lai mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, nên nông dân Ba Động tận dụng đất vườn, đất bãi bồi ven sông và cả đất sườn đồi để trồng cỏ voi. Nếu như ngày xưa, “con trâu là đầu cơ nghiệp”, thì đối với nông dân xã miền núi Ba Động bây giờ con bò là mũi nhọn chính phát triển kinh tế bền vững cho gia đình. Ông Võ Văn Sĩ – Chủ tịch UBND xã Ba Động khẳng định: “Đến nay, hầu hết nông dân trong xã đều nuôi bò lai để phát triển kinh tế. Lợi ích của con bò, bà con đã thấy rõ nên xã đã vận động bên cạnh tích cực nuôi bò lai, còn tiêm phòng đúng định kỳ 2 lần/năm để bảo vệ đàn bò, tránh xảy ra dịch bệnh”. Ông Hồ Thanh Hương – cán bộ thú y, cho biết, bò lai tuy xác to hơn bò cỏ, phát triển nhanh hơn, nhưng sức đề kháng yếu hơn. Vì vậy, bản thân làm công tác thú y phải tích cực tiêm phòng đúng kỳ. Nhiều hộ ở xa, hộ không thống nhất tiêm phòng tôi đã vận động khuyên giải để bà con tiêm phòng bảo vệ bò - tài sản của mình.
Nhờ chăm sóc, tiêm phòng đầy đủ mà đàn bò ở xã Ba Động phát triển bền vững, đem lại nguồn thu nhập chính cho nông dân địa phương. Qua đó góp phần giảm số hộ nghèo trong xã xuống còn 22,4%, hộ sản xuất kinh doanh giỏi chiếm trên 60% (theo mức cũ).
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN