(Baoquangngai.vn)- Chiều 24.7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) phối hợp với UBND tỉnh và Ngân hàng BIDV tổ chức Hội nghị “Triển khai chính sách tín dụng quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7.7.2014 của Chính phủ” về một số chính sách phát triển thủy sản.
TIN LIÊN QUAN
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT; lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố: Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên và lãnh đạo 11 Sở NN&PTNT của 11 tỉnh duyên hải miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Tại hội nghị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thông tin về Nghị định 67 và một số chính sách phát triển thủy sản nhằm hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu, tổ chức dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ, giúp ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo.
Đặc biệt, Nghị định 67 có nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ cho ngư dân trong việc đóng mới, nâng cấp tàu và cho vay vốn lưu động đối với các chủ tàu đánh bắt xa bờ.
Chủ tàu được vay tối đa từ 70% đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu, bao gồm cả máy móc, ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, máy móc thiết bị bảo quản hải sản, bảo quản hàng hóa, bốc xếp hàng hóa, tùy thuộc vào chất liệu của vỏ tàu và công suất máy chính.
Thời hạn vay là 11 năm, riêng năm đầu tiên ngư dân được miễn lãi suất và chưa phải trả nợ gốc; phương thức, thủ tục cho vay thuận tiện, phù hợp; tài sản bảo đảm là chính con tàu được đóng bằng vốn vay.
Ngư dân chỉ phải trả lãi suất từ 1-3%/năm tùy thuộc vào chất liệu của vỏ tàu và tổng công suất máy chính đối với tàu đóng mới, nâng cấp. Riêng năm đầu tiên ngư dân được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc. Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất cho ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu từ 4-6%/năm tùy thuộc loại tàu và công suất máy.
Quang cảnh hội nghị triển khai Nghị định 67. |
Cho vay vốn lưu động lên tới 70% chi phí cho chuyến đi biển hoặc giá trị cung cấp dịch vụ hậu cầu trên biển; mức lãi suất cho vay trong năm đầu tiên là 7%/năm.
Cũng theo Nghị định này, các chủ tàu khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính, có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể sẽ được vay tối đa 70% giá trị cung cấp dịch vụ hậu cần đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản, tối đa 70% chi phí cho một chuyến đi biển đối với tàu khai thác hải sản với lãi suất 7%/năm.
Song hành với hiện đại hóa các tàu cá, Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng nhiều cảng cá chuyên dụng, nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng, nạo vét luồng lạch, đầu tư trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá quy mô ở các khu vực trọng điểm như: đảo Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc,…
Phó Thống đốc NHNNVN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, ngay sau khi Nghị định 67 được ban hành, NHNN đã khẩn trương soạn thảo Thông tư hướng dẫn thống nhất trên toàn hệ thống để có thể giải ngân ngay khi Nghị định có hiệu lực…
Là một trong những đơn vị chủ lực cung ứng tín dụng ưu đãi theo chương trình mục tiêu của Nghị định 67, Ngân hàng BIDV triển khai toàn diện chương trình hỗ trợ thủy sản bao gồm: hỗ trợ tín dụng, an sinh xã hội, phát triển biển đảo…
Ông Trần Bắc Hà- Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, BIDV sẽ dành 3.000 tỷ đồng đầu tư đội tàu và hỗ trợ chi phí khai thác hải sản xa bờ.
Thực tế, từ đầu tháng 6.2014, BIDV đã triển khai cho vay vốn lưu động với lãi suất 5%/năm hỗ trợ các chi phí khai thác, hậu cầu, thu mua hải sản đối với ngư dân, hộ gia đình tại các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa.
BIDV đã phát động và thực hiện chương trình An sinh xã hội vì biển đảo quê hương với chủ đề “Chung tay góp sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” với tổng kinh phí 27,6 tỷ đồng, đồng thời trao tặng 2 tàu vỏ thép cho Tỉnh Đoàn Bình Định và Quảng Ngãi trị giá 10 tỷ đồng để góp phần thiết thực hỗ trợ lực lượng Thanh niên xung kích ra khơi.
Ngoài ra, BIDV cũng sẽ triển khai nhiều gói tín dụng khác tổng trị giá 12.000 tỷ đồng cho vay để hỗ trợ phát triển ngành thủy sản.
Cú huých cho ngành thủy sản
Chủ trương này đang được triển khai tích cực và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của từ các địa phương, đặc biệt ở các tỉnh, thành có truyền thống khai thác thủy hải sản xa bờ như Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Các địa phương trong cả nước đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động những ngư dân, chủ tàu, doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn chuyển sang tàu vỏ thép. Đây là được coi là cú huých cho ngành thủy sản.
Bà con ngư dân sẽ được vay vốn ưu đãi để hiện đại hóa tàu cá. |
Theo Bộ NN&PTNT, sẽ có khoảng 24 mẫu tàu vỏ thép đảm bảo ngư dân được quyền chọn mẫu theo quy mô đầu tư, ngành nghề phù hợp, không áp đặt ngư dân.
Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, Nghị định 67 sẽ giúp ngư dân mạnh dạn chuyển sang vỏ sắt, góp phần đảm bảo an toàn cho bà con ngư dân, nâng cao hiệu quả kinh tế, đặc biệt là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Được vay vốn hiện đại hóa đội tàu với lãi suất vô cùng ưu đãi bà con ngư dân ai cũng hưởng ứng nhiệt tình.
Ngư dân Nguyễn Đình Trung đến từ Bình Định chia sẻ: Bà con rất mong chính sách này thành hiện thực, có như vậy chúng tôi mới không đơn độc khi vươn khơi. Được tiếp sức, chúng tôi sẽ mạnh dạn vay vốn cải hoán, nâng cấp tàu để vươn khơi xa.
Ngư dân Võ Văn Tư ở xã Bình Châu (Bình Sơn) bày tỏ: “Mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân tiếp cận với nguồn vốn này, tránh bị kẻ xấu trục lợi.
Anh Tư cũng cho rằng, khi đẩy mạnh phát triển đội tàu cá vỏ thép thì ngành chức năng phải tính đến nạo vét, thông luồng cửa biển để tàu thuyền có nơi neo đậu an toàn.
Bài, ảnh: Ái Kiều