(Baoquangngai.vn)- Theo khảo sát của huyện Trà Bồng, toàn huyện hiện có 1.300ha quế, được trồng từ giống quế Trà Bồng và quế Bắc. Trong đó, quế Trà Bồng chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 35% trên tổng diện tích. Với huyện Trà Bồng, đây là điều đáng lo ngại bởi nguy cơ giảm sút, mai một giống quế bản địa, ảnh hưởng lớn đến thương hiệu quế Trà Bồng. Để lưu giữ, phát triển giống quế đặc sắc này, huyện Trà Bồng đang triển khai nhân rộng nhiều mô hình, vùng nguyên liệu quế.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vườn quế giống của gia đình ông Hồ Văn Chẳn ở thôn 5, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng trồng từ năm 2005. Trên diện tích 0,5ha, ông Chẳn trồng 2.000 cây quế từ giống bản địa Trà Bồng. Sau 9 năm chăm sóc, hiện vườn quế giống của ông đang trong giai đoạn ra hoa. Theo ông Chẳn, khoảng tháng 9 cây sẽ ra trái, ông Chẳn dự tính, tháng 11 năm nay ông sẽ thu hoạch quế giống. Từ giống quế bản địa này, ông sẽ cung ứng cho bà con trong xã trồng đại trà thay thế giống quế Bắc.
Vườm ươm giống quế bản địa tại xã Trà Thủy, Trà Bồng |
Theo khảo sát của huyện Trà Bồng, trong số 1.300 ha quế, chỉ có 35% diện tích được trồng bởi giống quế bản địa Trà Bồng. Nguyên nhân khiến tỷ lệ giống quế Trà Bồng giảm là do giống quế Thanh Hóa, Lạng Sơn phát triển nhanh, thời gian thu hoạch sớm hơn so với quế Trà Bồng. Do vậy, mặc dù quế Trà Bồng có giá trị kinh tế cao nhưng bà con nông dân vẫn chọn các loại quế Bắc để trồng.
Với huyện Trà Bồng – là quê hương xứ quế nổi tiếng thì đây là điều đáng lo ngại. Khi tỷ lệ trồng quế từ giống bản địa ngày càng giảm thì nguy cơ ảnh hưởng cho thương hiệu quế Trà Bồng là khó tránh khỏi. Đồng thời, nếu không có phương pháp bảo tồn, phát triển về lâu dài, giống quế sẽ ngày càng mai một.
Để giữ và nhân rộng giống quế bản địa, huyện Trà Bồng đã xây dựng 5 mô hình vườn ươm, vùng nguyên liệu quế tại các xã Trà Thủy, Trà Xuân. Tại các mô hình nhân giống, tất cả được gieo trồng, nhân rộng từ giống quế bản địa, không lai tạp các giống quế ngoại lai. Ước tính, mỗi năm, các mô hình, vùng nguyên liệu cung ứng trên 2 triệu cây quế cho người dân các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Hồ Văn Tự - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng lo lắng: “Những năm gần đây cây quế rớt giá nên bà con chưa quan tâm mấy. Do vậy, từ các nguồn vốn 134, 135 và 30A của nhà nước, chúng tôi quyết định hỗ trợ cho bà con giống quế bản địa để khuyến khích bà con trồng đại trà. Đây là cách để từng bước bà con duy trì giống quế của mình, để nó không mai một, mất đi”.
Các sản phẩm làm từ quế Trà Bồng |
Huyện Trà Bồng xác định cây quế là mũi nhọn của ngành nông nghiệp, là nguồn thu nhập chính của bà con nông dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, giá trị gia tăng của các sản phẩm từ quế bản địa Trà Bồng chưa cao. Do vậy, chưa có sức hút đối với nông dân. Huyện Trà Bồng đang tính toán đến việc mở rộng thu hút đầu tư, đa dạng các sản phẩm nhằm tăng giá trị gia tăng nguyên liệu quế. Đây là điều kiện tiên quyết để phát triển, giữ vững thương hiệu quế Trà Bồng.
Ông Nguyễn Xuân Bắc – Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng khẳng định: “Chúng tôi đã hình thành các doanh nghiệp thu mua quế. Họ đã tính đến vấn đề xã hội hóa trong vấn đề sản xuất quế. Họ sẽ bỏ vốn ra đầu tư các vùng quế để cùng hợp tác với người dân để sản xuất quế. Thứ hai là chúng tối tiếp tục tìm thị trường đầu ra, tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư đối với cây quế Trà Bồng”.
Quế Trà Bồng có mùi hương đặc biệt, chứa lượng tinh dầu cao nên được thị trường nội địa và nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Được công nhận giá trị đặc sản quà tặng Châu Á, quế Trà Bồng là hình ảnh của huyện miền núi Trà Bồng và tỉnh Quảng Ngãi. Phát triển, nhân rộng giống quế bản địa Trà Bồng ngay từ bây giờ không còn là quá sớm để giữ vững thương hiệu quế Trà Bồng.
Nam Minh