(Baoquangngai.vn)- Việc UBND huyện Bình Sơn đề nghị cấp thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư trồng rừng nguyên liệu của doanh nghiệp Hàn Quốc, đã nhận được nhiều sự quan tâm từ người dân ở địa phương. Bởi lẻ đây là lần đầu tiên người dân trồng rừng sẽ được doanh nghiệp đầu tư vốn; đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm khi thu hoạch.
Tin vui trong thời điểm khó
Từ hàng chục năm qua nguồn lợi từ trồng rừng, mà trong đó chủ yếu từ cây nguyên liệu giấy là bạch đàn và keo, đã mang lại nguồn lợi rất lớn cho hàng trăm ngàn hộ dân ở các huyện miền núi, trung du của tỉnh.
Nhiều người trồng rừng sẽ vui hơn khi dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện. |
Từ trồng rừng, nhiều hộ gia đình không chỉ thoát được nghèo mà còn có "của ăn của để", vươn lên làm giàu với mức thu nhập từ vài chục, đến hàng trăm triệu đồng/năm. Với diện tích keo lai của gia đình hiện gần 20ha, ông Hồ Nam Tuân, ở xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng đã thu về gần 50 triệu đồng/năm. Nhờ trồng rừng kết hợp với chăn nuôi, ông Đinh Văn Hiền (39 tuổi), dân tộc Hrê, thôn Dư Hữu, xã Long Mai, huyện Minh Long; ông Phạm Văn Đế, ở thị trấn Ba Tơ, huyện Ba Tơ, đã có mức lãi ròng từ 100-120 triệu đồng/người/năm....
Tuy nhiên gần đây, do nhiều nguyên nhân nên giá cả và việc tiêu thụ keo, bạch đàn gặp nhiều khó khăn dẫn đến thu nhập của người trồng đã bị giảm sút. Vì vậy dự án của doanh nghiệp Hàn Quốc xin đầu tư nhiều chục tỷ đồng cho người trồng rừng, bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch cho người dân ở 2 xã Bình An và Bình Khương, huyện Bình Sơn, đã trở thành chủ đề "nóng", thu hút nhiều sự quan tâm của người dân nơi đây.
Anh Trần Văn Nhi (35 tuổi), quê ở xã Bình Khương, tâm sự: Cũng như những người trồng rừng khác, để trồng keo và bạch đàn trên diện tích gần 3ha của gia đình, tôi đã phải vay mượn trên 20 triệu đồng mua giống, thuê người trồng và chăm sóc... Và khi đến thời điểm thu hoạch phải tự mình tìm đến thương lái trong huyện, hoặc xuống các nhà máy chế biến dăm của tỉnh để liên hệ bán. Cho nên nếu có doanh nghiệp chịu đầu tư, thu mua cho bà con như vậy thì còn gì thuận lợi bằng.
Hứa hẹn một hướng đi mới
Ông Nguyễn Văn Vinh- Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết: Dự án xin đầu tư trồng rừng trên là của Công ty TNHH Han Vina Energy-Hàn Quốc, có trụ sở đặt tại quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Diện tích rừng xin đầu tư là 10.000 ha, với tổng số tiền là 74 tỉ đồng. Trong đó tại Bình An và Bình Khương, huyện Bình Sơn là 6.000ha, với số tiền đầu tư khoảng 44,4 tỉ đồng; diện tích còn lại là ở tỉnh Quảng Nam. Hình thức đầu tư là thuê đất, đầu tư trực tiếp vốn cho người dân để trồng rừng. Đến kỳ khai thác sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân theo giá thị trường.
Theo đó số gỗ keo và bạch đàn thu mua sẽ được doanh nghiệp chế biến thành viên gỗ nén, xuất khẩu 100% sang Hàn Quốc làm nguyên liệu cho nhà máy điện. Còn số tiền đầu tư, công ty sẽ khấu trừ vào tiền bán sản phẩm của người dân.
Qua thông tin mà đại diện doanh nghiệp cung cấp, việc thu mua keo và bạch đàn của người dân không chỉ là phần thân cây chính như các nhà máy sản xuất dăm; mà mua gần như tất cả cành nhánh to, nhỏ trừ lá. Vì vậy người trồng rừng sẽ có thêm một khoản thu không nhỏ từ sản phẩm của mình.
Với hình thức này, người trồng rừng ở Bình An sẽ được sự thuận lợi hơn rất nhiều so với tự đầu tư và tìm nơi tiêu thụ như trước đó. Và điều quan trọng không kém là khi dự án được cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt và triển khai thực hiện, hàng ngàn người dân trồng rừng ở vùng núi phía tây bắc của tỉnh sẽ thoát được nỗi lo giá cả từ các nhà máy chế biến dăm trong tỉnh, vốn sản phẩm làm ra lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Công Hoàng