(Báo Quảng Ngãi)- Chương trình 135 là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về đầu tư nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn. Ở Quảng Ngãi, sau 15 năm thực hiện chương trình này, các huyện miền núi đã có thêm nhiều cơ hội vươn lên giảm nghèo, từng bước đổi mới diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống người dân. Năm 2014, Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện Chương trình 135 giai đoạn III với mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung được điều chỉnh sát thực tế đã mở ra triển vọng giúp vùng đặc biệt khó khăn giảm nghèo bền vững, phát triển toàn diện.
TIN LIÊN QUAN
Nông thôn đổi mới - người dân bớt nghèo
Chương trình 135 giai đoạn I triển khai tại Quảng Ngãi từ năm 1999 – 2006. Năm đầu tiên thực hiện chương trình này, Quảng Ngãi có 22 xã được thụ hưởng; từ năm 2000 – 2006 tăng lên 57 xã. Bình quân mức thụ hưởng 500 triệu đồng/xã/năm để đầu tư bố trí lại dân cư ở những nơi cần thiết; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm...
Qua 7 năm thực hiện, toàn tỉnh đã có 14/57 xã hoàn thành chương trình mục tiêu: Nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; tạo điều kiện để đưa nông thôn các vùng này thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển, hoà nhập vào sự phát triển chung của cả nước; góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng.
Nhờ Chương trình 135 hỗ trợ, học sinh miền núi Sơn Long (Sơn Tây) có thêm điều kiện để học tập tốt hơn. |
Chương trình 135 giai đoạn II được triển khai từ năm 2006– 2010. Trong giai đoạn này Quảng Ngãi có 43 xã và 11 thôn được thụ hưởng chính sách 135, với tổng mức đầu tư hơn 335 tỷ đồng, bình quân mỗi xã gần 1 tỷ đồng/năm và mỗi thôn 200 triệu đồng/năm. Sau 5 năm triển khai thực hiện, sản xuất, cơ cấu nông nghiệp đã có chuyển biến đáng kể; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi căn bản so với thời điểm 1999 khi mới triển khai chương trình. Miền núi Quảng Ngãi cơ bản, không còn tình trạng hộ đói. Tỷ lệ hộ nghèo của các xã, thôn đặc biệt khó khăn đã giảm từ 71,56% đầu năm 2006 xuống còn 44,24% vào giữa năm 2010.
Trải qua hai giai đoạn, chỉ tính riêng việc phát triển cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, Chương trình 135 đã đầu tư xây dựng 743 công trình, với tổng số vốn hơn 400 tỷ đồng. Những công trình này hoàn thiện, đưa vào sử dụng đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, cải thiện đời sống người dân, hỗ trợ đắc lực cho công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Ngãi.
Năm 2012 và 2013, Chương trình 135 được “quy” về thực hiện trong các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2014, Chương trình 135 lại được tách riêng thành “Chương trình 135 giai đoạn III” và toàn tỉnh có 54 xã, 45 thôn đặc biệt khó khăn được thụ hưởng, suất đầu tư khoảng 800 triệu đồng/xã/năm và thôn là 200 triệu đồng/năm.
Điểm sáng...
Xã Sơn Thành (Sơn Hà) sau khi hoàn thành mục tiêu giai đoạn I, được đưa ra khỏi Chương trình 135 giai đoạn II. Bộ mặt nông thôn miền núi ở đây đã có những đổi thay căn bản, đặc biệt là hệ thống điện, đường, trường, trạm được cải thiện rõ rệt, bước đầu đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Từ động lực 135 của những năm 1999, xã Sơn Thành đã vươn lên xóa hẳn tình trạng đói, tiến đến giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 40%. Năm 2012, xã Sơn Thành được huyện Sơn Hà chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Sơn Thành đã đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới.
Xã Ba Dinh (Ba Tơ) thoát ra “xã 135” giai đoạn II trong tổng số 43 xã của toàn tỉnh và là xã thứ 8 của huyện Ba Tơ ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Diện mạo mới ở đây đã thực sự hiện diện. Nhà cửa khang trang, đường sá sạch đẹp. Cuộc sống dân nghèo đã cơ bản được cải thiện. Hộ đói không còn, hộ nghèo theo tiêu chí mới chiếm hơn 40%. Từ “điểm tựa 135”, xã Ba Dinh đang tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, biến ước mơ đổi đời của dân nghèo, xã nghèo sớm thành hiện thực.
Từ năm 2014, Chương trình 135 lại được tách riêng thành “Chương trình 135 giai đoạn III” và toàn tỉnh có 54 xã, 45 thôn đặc biệt khó khăn được thụ hưởng, suất đầu tư khoảng 800 triệu đồng/xã/năm và thôn là 200 triệu đồng/năm. |
... và động lực 135
Kể từ năm 2014 – năm đầu tiên thực hiện giai đoạn III Chương trình 135, ở Quảng Ngãi có thêm 4 xã mới thụ hưởng chương trình này là Sơn Long, Sơn Liên, Sơn Màu (Sơn Tây) và xã Ba Giang (Ba Tơ). Bốn xã mới đã được hưởng suất đầu tư mỗi năm khoảng 800 triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất. “Đó thực sự là một niềm vui của xã nghèo, tạo thêm động lực cho địa phương phát triển” – ông Phạm Hồng Khuyến - Chủ tịch UBND xã Sơn Long khẳng định.
Từ nguồn vốn 135, xã Sơn Long đã chọn công trình dân sinh thuộc diện “hết sức cấp bách” để đầu tư. Đó là công trình Nước sinh hoạt thôn Ha Ro, thôn Mang Hin, với quy mô cấp nước cho 48 hộ đồng bào Ca Dong. Công trình này đưa vào sử dụng đã giải quyết cơ bản nhu cầu nước sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Chủ tịch UBND xã Sơn Long Phạm Hồng Khuyến cho biết: “Xã mới chia tách, bộn bề khó khăn, thiếu thốn. Có vốn 135, xã có công trình, người dân có thêm cơ hội xóa bớt nghèo nàn, lạc hậu, góp thêm động lực để nhân dân địa phương giảm nghèo bền vững”.
Tại xã Sơn Liên, Sơn Màu và Ba Giang, vốn 135 cũng được xã cân nhắc, lựa chọn công trình bức thiết gồm điện, đường giao thông nông thôn, nước sinh hoạt để đầu tư, giải quyết bức xúc về nhu cầu thiết yếu của cuộc sống người dân vùng đặc biệt khó khăn.
THANH NHỊ