Các dự án thuộc nguồn vốn 135, 30a: Cần sớm giải ngân vốn cho nhà thầu

10:06, 26/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều công trình giao thông, trường, trạm... trên địa bàn huyện miền núi Tây Trà đã hoàn thành từ lâu. Thế nhưng, công tác giải ngân quá chậm dẫn đến nhiều nhà thầu phải “oằn mình” trả lãi ngân hàng và chờ tiền giải ngân.

TIN LIÊN QUAN

Giải ngân chậm

Theo báo cáo của UBND huyện Tây Trà, từ năm 2013 đến nay, đã tiếp nhận nguồn vốn từ Chương trình 30a và 135 với số tiền trên 90,3 tỷ đồng, để đầu tư hàng chục công trình khác nhau từ giáo dục, y tế đến giao thông và nhiều công trình khác ở các xã trên địa bàn huyện. Trong đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông chiếm chủ yếu.

Đường Eo Chim – Trà Nham, một trong những công trình sử dụng nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng thuộc Chương trình 30a chậm giải ngân.
Đường Eo Chim – Trà Nham, một trong những công trình sử dụng nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng thuộc Chương trình 30a chậm giải ngân.


Thế nhưng nhiều công trình được phê duyệt đầu tư từ nhiều năm trước, nhưng do chậm trễ trong thi công hoặc nhà thầu bỏ chạy, khiến cho dự án chậm tiến độ và phải chuyển tiếp sang năm 2013, thậm chí có công trình chuyển sang năm 2014. Trong số đó có nhiều công trình đã hoàn thành 100% khối lượng, có công  trình đã nghiệm thu đưa vào sử dụng. Cũng có công trình hoàn thành khoảng 50% khối lượng công việc... Tuy nhiên, công tác giải ngân lại không đạt yêu cầu dù trong báo cáo của huyện Tây Trà, tỷ lệ giải ngân luôn đạt gần 100% so với kế hoạch.

Theo ông Hoàng Anh Ngọc- Chủ tịch UBND huyện Tây Trà, trong năm 2013, huyện tiếp nhận số tiền gần 10 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng từ Chương trình 135 và đã giải ngân gần 95% kế hoạch. Đối với nguồn vốn thuộc Chương trình 30a, đến nay đã giải ngân đạt 89,6% kế hoạch vốn.  

Tuy nhiên, điểm qua danh mục các công trình đầu tư lại hoàn toàn khác. Nhiều công trình được đầu tư từ năm 2013, thậm chí những năm trước đến nay vẫn chưa thể giải ngân. Điển hình như nguồn vốn 30a được phân bổ năm 2013 với tổng vốn hơn 4,4 tỷ đồng nhằm duy tu bảo dưỡng 13 công trình hạ tầng thiết yếu. Trong đó có hai công trình thủy lợi, sáu công trình giao thông, một công trình trạm y tế xã và bốn công trình giáo dục. Đến nay, mới chỉ giải ngân gần 2,5 tỷ đồng, đạt gần 56%.
 
“Hiện còn 3 dự án đường giao thông gồm Eo Chim- Trà Nham, đường trung tâm huyện đi Trà Thọ, Trà Lãnh, Trà Nham do rơi vào mùa mưa nên đến năm 2014 mới thực hiện, vì vậy chưa thể giải ngân. Hiện chúng tôi đang trình kết quả khối lượng của các công trình lên UBND huyện để tiến hành giải ngân”, ông Mai Quý Dương – Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng Tây Trà cho hay.

Bên cạnh đó, một số dự án dù đã hoàn thành từ khá lâu, nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân như dự án điện sinh hoạt thôn Môn, xã Trà Thanh. Đây là dự án thuộc Chương trình 30a, có tổng vốn đầu tư hơn 5,3 tỷ đồng. Công trình đã hoàn thành nghiệm thu và đóng điện vào tháng 10.2013. Thế nhưng, đến nay mới chỉ giải ngân được 3,8% trong số 472 triệu đồng kế hoạch vốn giao năm 2013. Hay như công trình cầu Trà Ích, có tổng vốn đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn giao năm 2013 là 156 triệu đồng và đã thực hiện kế hoạch vốn hơn 95 triệu đồng, giải ngân đạt 61%.  

Tương tự, công trình Trạm Y tế xã Trà Nham, có tổng vốn đầu tư hơn 4,2 tỷ đồng. Hiện công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 6.2013. Tuy nhiên, đến nay việc giải ngân cũng chỉ ở dạng tạm ứng chứ chưa chính thức giải ngân theo quy định.

Nhà thầu chịu thiệt

Tây Trà là một huyện miền núi thuộc diện nghèo nhất nước, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Do đó, việc các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình như 30a, 135 đã gúp Tây Trà từng bước vượt khó để phát triển. Tuy nhiên, trong khi nhiều dự án đã hoàn thành nhưng UBND huyện Tây Trà lại chậm giải ngân khiến cho nhiều nhà thầu khổ sở.

Với tỷ lệ giải ngân còn quá thấp và chậm, kéo dài qua nhiều năm, nguy cơ bị thu hồi vốn là một trong những thực trạng có thể xảy ra đối với một số công trình. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan, việc giải ngân chậm là một trong những nguyên nhân khiến cho dòng vốn đầu tư thiếu hiệu quả. “Lãnh đạo huyện Tây Trà phải giải thích cho được vì sao huyện giải ngân chậm. Vướng cái gì, khó khăn nào?.  Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.

 Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan, việc giải ngân chậm sẽ làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong thời buổi đầu tư xây dựng căng thẳng như hiện nay. “Doanh nghiệp vay ngân hàng để thi công công trình. Giờ công trình hoàn thành họ phải chờ giải ngân. Trong khi mỗi ngày họ phải oằn mình trả lãi suất mà vẫn phải chờ là bất hợp lý. Chúng ta không thể vì chậm chạp trong công việc mà gây phiền hà cho doanh nghiệp được !” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan nói.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.