Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam": Hiệu quả kép sau 5 năm nỗ lực

09:07, 05/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” triển khai tại Quảng Ngãi đã tròn 5 năm. Từ cuộc vận động, người dân đã dùng hàng Việt nhiều hơn, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất. Hơn thế, cuộc vận động còn khơi gợi lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, góp phần xây dựng nền kinh tế nước nhà hùng mạnh, độc lập, tự chủ.

TIN LIÊN QUAN

5 giải pháp – 1 mục tiêu

Tháng 10.2010, Quảng Ngãi tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trong 5 năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, Quảng Ngãi đã tập trung thực hiện 5 giải pháp, gồm: Bán hàng Việt khuyến mại; đưa hàng Việt đến ngày hội công nhân; tổ chức hội chợ, triển lãm; đưa hàng Việt về nông thôn; bình ổn giá thị trường. Các hoạt động này đều đạt kết quả nhất định, góp phần nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đặc biệt, sau từng năm thực hiện, những tồn tại, bất cập trong năm trước được ban chỉ đạo rút kinh nghiệm để tổ chức triển khai hiệu quả hơn trong những năm tiếp theo.

Người dân huyện Tây Trà chọn mua hàng hóa do Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn – Quảng Ngãi đưa về địa phương phục vụ.
Người dân huyện Tây Trà chọn mua hàng hóa do Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn – Quảng Ngãi đưa về địa phương phục vụ.


Hoạt động “Đưa hàng Việt về nông thôn”, từ năm 2010 đã được Sở Công thương phối hợp với hệ thống các siêu thị, doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ tổ chức đưa hàng về các huyện miền núi, hải đảo, vùng nông thôn và Khu Kinh tế Dung Quất phục vụ nhu cầu mua sắm của hàng ngàn công nhân làm việc tại đây. Trong đó, năm 2010 tổ chức 13 chuyến hàng Việt về miền núi, nông thôn; năm 2011 là 15 chuyến; năm 2012 tổ chức 11 chuyến. Đặc biệt năm 2013, với sự vào cuộc của nhiều doanh nghiệp, hoạt động “Đưa hàng Việt về nông thôn” đã tăng lên 19 chuyến, với lượng hàng hóa dồi dào, thời gian bán hàng kéo dài, người dân miền núi, nông thôn và hải đảo đã thực sự có cơ hội tiếp cận, chọn lựa, mua sắm hàng Việt Nam thuận lợi, dễ dàng.

Đối với hoạt động bình ổn giá, liên tiếp từ năm 2011 – 2013, Quảng Ngãi đã trích hơn 100 tỷ đồng ngân sách cho doanh nghiệp mượn để mua và tạm trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết. Với giá bán thấp hơn giá thị trường từ 5 - 10%, người dân miền núi, hải đảo, vùng nghèo của Quảng Ngãi đã có điều kiện mua sắm hàng hóa cho bữa cơm ngày tết đầy đủ hơn.

Dùng hàng Việt là yêu nước

Kể từ khi triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, doanh nghiệp cũng đã nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trước người tiêu dùng. Theo đó, hàng hóa sản xuất trong nước chất lượng, đa dạng, mẫu mã đẹp, giá thành vừa với túi tiền người tiêu dùng, nhất là với người lao động. Đặc biệt, hàng hóa được đưa vào siêu thị đã được tuyển chọn kỹ càng hơn, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khiến người tiêu dùng an tâm khi chọn mua.

Các mặt hàng thuộc diện bình ổn thị trường hoàn toàn là hàng sản xuất trong nước. Một số cửa hàng xây dựng niềm tin tiêu dùng bằng việc sẵn sàng treo biển hiệu “Made in Việt Nam”. Hàng hóa Việt Nam cũng như nhu cầu hàng Việt đang lớn dần. Cùng đồng hành với doanh nghiệp, nhiều tổ chức trong tỉnh đã thực hiện tốt vai trò là chiếc cầu nối, đưa thị trường hàng Việt đến tay người tiêu dùng, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường truyền thống.

Ở Quảng Ngãi, tuy Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chưa thực sự mạnh như các tỉnh, thành phố lớn, song cũng đã trở thành phong trào “yêu nước thông qua dùng hàng Việt”.

Để tri ân người tiêu dùng, các doanh nghiệp không ngừng nỗ lực cải tiến sản phẩm; còn các ngành chức năng cũng tập trung tăng cường kiểm soát thị trường, đảm bảo loại các mặt hàng không đảm bảo an toàn, kém chất lượng ra khỏi thị trường.

Doanh nghiệp Việt Nam đang thực sự nhận được rất nhiều sự quan tâm từ phía người tiêu dùng, song không ít người tiêu dùng vẫn băn khoăn về hàng hóa Việt Nam. Đó là tính ổn định, chất lượng, giá cả nhiều mặt hàng chưa phù hợp; hàng giả, hàng nhái ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp. Hàng lậu có nguồn gốc từ nước ngoài vẫn tìm mọi cách để tràn vào thị trường Việt Nam.

Người tiêu dùng đã nhận được thông điệp rất rõ ràng của cuộc vận động, nhưng thực tế từng lúc, từng nơi cuộc vận động vẫn chưa được nhận thức đúng. Sự vào cuộc của các cơ quan, chính quyền địa phương vẫn chưa kịp thời, đủ lực để biến cuộc vận động thành phong trào thi đua yêu nước thông qua dùng hàng Việt. Những hạn chế đó cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, để cuộc vận động nhiều ý nghĩa này tiếp tục tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, khơi dậy lòng yêu nước thông qua dùng hàng hóa nội địa trong các tầng lớp nhân dân.


Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.