Nắng nóng kéo dài: Lúa cháy, dân khát

01:06, 20/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nắng nóng kéo dài làm cho 36ha lúa ở xã Phổ Nhơn (Đức Phổ), héo khô. Bà con nông dân đang phải cắt về làm thức ăn cho trâu, bò. Còn ở xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) cách trung tâm TP. Quảng Ngãi chỉ hơn 8km, nhưng nhiều hộ dân hàng ngày vẫn phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm phèn nặng, vì nắng nóng kéo dài.

TIN LIÊN QUAN

Đầu tư tiền triệu, nhưng…

Những ngày gần đây, nhiều người dân ở thôn An Tây, xã Phổ Nhơn ra đồng cắt lúa về làm thức ăn cho trâu, bò. Nguyên nhân là do nắng nóng kéo dài làm cho nhiều thửa ruộng lúa của người dân trong thôn bị héo khô vì không có nguồn nước tưới. Nhìn đồng lúa khô héo, xác xơ, bà Lê Thị Lựu ở thôn An Tây không giấu được nỗi buồn: “Vụ lúa này, gia đình tôi canh tác trên 8 sào ruộng, tốn hết 8 triệu đồng. Nhưng bây giờ 3 sào đã bắt đầu khô cháy rồi, đành cắt cho bò ăn. Còn 5 sào đang khoan giếng chạy nước. Nhưng nếu nắng nóng vẫn gắt như những ngày qua, chắc chỉ 3 - 4 ngày nữa sẽ mất trắng luôn”.

 

Nông dân Phổ Nhơn cắt lúa héo khô cho bò ăn.
Nông dân Phổ Nhơn cắt lúa héo khô cho bò ăn.


Nắng nóng kéo dài cũng làm cho hơn 1ha lúa ở xứ đồng Soi, thôn Phước Hạ bị cháy khô do không có nguồn nước bơm tưới. Hiện nhiều thửa ruộng đang trong giai đoạn làm đòng bị héo úa và có nguy cơ mất trắng nếu nắng nóng không dứt. Hơn một tháng qua, nhiều hộ nông dân trong thôn phải bỏ tiền mua xăng, dầu để bơm nước tưới lúa. Nhiều gia đình mua hàng trăm mét dây dẫn diện đấu nối từ trong nhà ra ngoài đồng để bơm nước chống hạn bằng mô-tơ điện.

Trời ít mưa làm cho các sông, suối đều cạn, lượng nước rất ít, nên việc bơm tưới gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Tiến Hanh, ở thôn Phước Hạ, ngao ngán: “Tôi làm ở đồng Soi này được 2 sào lúa. Sạ xong phải bơm nước liền. Thời gian đầu 2 ngày chạy 1 lần. Mỗi lần chạy như thế khoảng 2 tiếng đồng hồ, mất khoảng 30 nghìn tiền dầu. Nhưng mà giai đoạn này nắng hạn, suối cạn nước, nên ngày nào cũng phải đem máy ra để chạy. Nếu lúa có phát triển tốt thì sợ rằng, lúc thu hoạch cũng thua lỗ”.

Theo thống kê của UBND xã Phổ Nhơn, vụ hè thu năm nay, nông dân xã Phổ Nhơn xuống giống gần 200ha lúa. Trong đó, có gần 90ha được cung cấp nước tưới từ hồ chứa nước Sở Hầu và 110ha phụ thuộc vào nguồn “nước trời”. Do nắng nóng kéo dài, nên các sông, suối trên địa bàn xã đều bị khô cạn. Vì không có nguồn nước bơm tưới nên đã có 36ha lúa bị héo khô. Nếu nắng nóng kéo dài trong 10 ngày tới thì gần 100ha lúa ở những xứ đồng còn lại bị mất trắng.

Trao đổi với chúng tôi về công tác chống hạn, ông Nguyễn Minh Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Nhơn, cho biết: “Trước tình hình khô hạn hiện nay lãnh đạo xã đã có phương án chỉ đạo các thôn, Hợp tác xã lên kế hoạch chống hạn cho từng xứ đồng, cho từng khu vực. Tuy nhiên, việc chống hạn hiện nay rất khó. Dù chúng tôi đã chỉ đạo quyết liệt cho người dân tạm thời dùng máy, dùng các giếng khoan để tổ chức tưới. Nhưng hiện nay nguồn nước ngầm, cũng như nước sông, suối đã cạn. Bây giờ, việc tìm nguồn nước để tưới cho cây trồng xem ra rất gian nan”.

Nước phèn cũng không có để dùng

Vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm của tháng 6, giếng nước cung cấp cho hơn 20 hộ dân của gia đình anh Tạ Kim Bằng, thôn Năng Tây 2, xã Nghĩa Phương  đã vơi cạn, khiến những hộ dân lân cận lo lắng. Anh Bằng cho biết: “Riêng nhà tôi may mắn đào được mạch nước nên cho hơn 20 hộ dân gần nhà đậu mô-tơ dùng chung, nhưng do giếng cạn nước nên hiện nay tôi chỉ còn cho 10 hộ dùng”. Một chiếc giếng khoan nhưng phải cung cấp cho gần cả trăm nhân khẩu nên việc nước chảy nhỏ giọt là điều khó tránh khỏi. Trung bình 4-5 hộ dùng chung một giếng, nhưng do vùng này toàn sỏi đá nên rất khó tìm được mạch nước.

Chị Lê Thị Đồng ở thôn Năng Tây 2, vừa mới khoan được giếng trong mùa hè này tâm sự: “Đã hơn chục lần khoan giếng nhưng chẳng nơi nào có nước. Mùa nắng nóng năm nay, giếng cạn người ta không cho dùng chung nữa nên đành cố gắng thử vận may lần cuối xem sao, chứ đi xin nước ở xa cực quá”. Bỏ hơn 30 triệu đồng để khoan 50m tìm mạch nước, nhưng khi có thì nước nhiễm phèn.

“Nước ở đây có đào sâu mấy cũng toàn phèn thôi. Lọc rồi, lắng rồi mà uống vẫn còn mùi tanh”, chị Đồng ngậm ngùi, nói. Dù dùng nước nhiễm phèn nhưng không phải ai cũng may mắn như nhà chị Đồng, vì rất nhiều hộ dân ở thôn Năng Tây 2 vẫn đang trong tình cảnh xin nước hàng ngày. Chị Phan Thị Thu Thủy ở thôn An Đề 3 cho biết thêm, nhà chị có bể lọc nước thô, qua mấy lần lọc nhưng giặt áo trắng là hư hết, vàng khè. Những gia đình khá giả chỉ dùng nước giếng cho việc tắm giặt, còn ăn uống đều mua nước bình. Trung bình một tháng riêng tiền nước lên đến cả triệu đồng.  

Ông Võ Tòng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phương cho biết, xã có 6 thôn với hơn 2 nghìn hộ dân thì hiện nay có 80% là thiếu nước sạch sinh hoạt, vì nguồn nước ở đây bị nhiễm phèn nặng và không có nước vào mùa khô. Năm 2009, có dự án nước sạch dự kiến sẽ triển khai nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Người dân và chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết”. Do đó, mong ước được sử dụng nước sạch là nỗi khát khao của người dân nơi đây.

Bài, ảnh: N.TRIỀU - X.THIÊN - H.THU

 


.