(Báo Quảng Ngãi)- Sáng 20.6, HĐND huyện Sơn Tây tổ chức cuộc họp bất thường quyết định hai vấn đề quan trọng, mang tính đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương, đó là phát triển đô thị và chọn cây trồng xóa đói giảm nghèo. Hai vấn đề này đã được thông qua, song vẫn có ý kiến băn khoăn về tính hiệu quả của nó khi áp vào điều kiện thực tế của Sơn Tây.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đột phá phát triển đô thị
Tại kỳ họp bất thường HĐND huyện Sơn Tây đã thông qua Dự án Khu dân cư Đồng Bà Cầu và khu dân cư B19 trên trục đường chính Trường Sơn Đông thuộc địa bàn xã Sơn Dung. Thời gian thực hiện hai khu dân cư này trong năm 2014 – 2015. Tổng diện tích ước khoảng 5,7ha, bao gồm diện tích mặt bằng khu dân cư Đồng Bà Cầu là 3,6 ha và diện tích đào lấy đất đắp, san lấp và tạo mặt bằng khu dân dư B19. Tổng mức đầu tư ước 22,5 tỷ đồng từ ngân sách huyện và nguồn khác (vốn tạm ứng từ Quỹ Phát triển đất tỉnh). Trong đó vốn khu dân cư Đồng Bà Cầu 18 tỷ; khu dân cư B19 là 4,5 tỷ đồng.
Phương thức thực hiện dự án theo cách “lấy ngắn nuôi dài”, tức là đầu tư xây dựng khu dân cư B19 trước để tạo đất phục vụ san lấp mặt bằng khu dân cư Đồng Bà Cầu. Sau khi khu dân cư này hoàn chỉnh với khoảng 50 lô nền sẽ được bán đấu giá thu hồi vốn ước khoảng 9 tỷ đồng để hoàn trả ngân sách đã tạm ứng, tiếp tục phục vụ đầu tư khu dân cư Đồng Bà Cầu.
Khu dân cư Đồng Bà Cầu và B19 sẽ được xây dựng theo trục đường chính Trường Sơn Đông. |
Khu dân cư Đồng Bà Cầu quy mô 119 lô, gồm 107 lô thường và 12 lô biệt thự, sẽ được đầu tư thực hiện vào khoảng cuối năm 2014. Ước sau khi khu dân cư Đồng Bà Cầu hoàn chỉnh sẽ bán đấu giá thu hồi khoảng 20,5 tỷ đồng. Như vậy, theo tính toán của huyện Sơn Tây, việc đầu tư xây dựng hai khu dân cư này tổng vốn bỏ ra 22,5 tỷ đồng và sẽ thu hồi về được khoảng 30 tỷ đồng. Sau khi hoàn trả vốn cho ngân sách, vốn tạm ứng của Quỹ phát triển đất tỉnh, huyện vẫn “lời” khoảng 7,5 tỷ đồng bổ sung vào ngân sách huyện để đầu tư phát triển hạ tầng.
Đánh giá về hiệu quả của dự án, ông Lê Văn Tùng – Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho rằng: “Hai dự án này sẽ mang lại hiệu quả rất cao”. Ông Lê Văn Tùng giải thích: Ngoài việc góp phần xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo ra diện mạo mới, hình thành đô thị Sơn Tây, dự án hoàn thành còn giải quyết chỗ ở của nhân dân, đặc biệt là chỗ ở cho cán bộ từ miền xuôi lên Sơn Tây công tác, gắn bó với mảnh đất này. Mặt khác dự án sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo ra một khoản thặng dư khá lớn sau khi bán đấu giá lô nền, giúp huyện có kinh phí để phục vụ đầu tư hạ tầng trên địa bàn.
Xóa nghèo bằng cây Mắc-ca
Kỳ họp bất thường HĐND huyện Sơn Tây lần này còn thông qua Đề án triển khai thực hiện mô hình trồng cây Mắc-ca lấy hạt. Hạt của loại cây này có giá trị kinh tế cao, dùng làm thực phẩm cao cấp, mỹ phẩm. Trạm Khuyến nông huyện là cơ quan triển khai thực hiện mô hình. Trong giai đoạn thử nghiệm, cây Mắc-ca được trồng 6ha, tại xã Sơn Bua, Sơn Long và Sơn Liên. Ông Lê Văn Tùng - Chủ tịch UBND huyện đánh giá: Điều kiện, khí hậu ở Sơn Tây khá thích hợp với cây Mắc-ca; giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ có tính toàn cầu. Về lâu dài, cây Mắc-ca còn góp phần nâng độ che phủ rừng bền vững vì cây này có tuổi thọ kéo dài 60 - 80 năm. “Có thể nói, cây Mắc-ca là mục tiêu lựa chọn hàng đầu để mở ra hướng xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn Sơn Tây” – ông Tùng cho biết.
Vốn để thực hiện mô hình này gần 1,3 tỷ đồng, chi từ ngân sách huyện. Theo tính toán của Trạm Khuyến nông Sơn Tây, sau 4 năm trồng cây sẽ cho thu hoạch. Trạm sẽ giao cho hộ gia đình trồng, quản lý, chăm sóc, khai thác và có trách nhiệm hoàn trả vốn cho ngân sách.
Băn khoăn
Đối với hai dự án Khu dân cư Đồng Bà Cầu và khu dân cư B19, một số đại biểu HĐND huyện cho rằng, cần phải tính toán kỹ lại về tính hiệu quả của dự án. Bởi dự án này có lượng vốn đầu tư lên đến 22,5 tỷ đồng, trong đó có một phần lấy từ ngân sách huyện. Nếu sau khi hoàn thiện, việc phân lô bán nền chậm, sẽ khó lòng thu hồi vốn hoàn trả ngân sách kịp thời phục vụ các hoạt động chung của huyện.
Đặc biệt, hiện tại đã sắp bước vào mùa mưa, dự án chưa triển khai nhưng UBND huyện đưa ra phương án thu hồi vốn từ việc bán đấu giá 50 lô đất khu dân cư B19, thu về 9 tỷ đồng để hoàn trả vốn vào đầu năm 2015 là chưa khả thi. Đồng thời, về mục tiêu hai dự án này cũng cần phải quy định cụ thể sau khi hoàn thành bao nhiêu lô nền sẽ được bán ưu đãi cho cán bộ, bao nhiêu lô phục vụ tái định cư; chính sách ưu đãi cho các đối tượng như thế nào... tránh để xảy ra trường hợp lợi dụng trục lợi.
Riêng đối với việc trồng cây Mắc-ca đã nhận được khá nhiều ý kiến băn khoăn. Sở NN &PTNT đã khuyến cáo: Đây là loại cây chưa được công nhận trong danh mục cây trồng Việt Nam. Điều kiện sinh trưởng phát triển khá khắt khe, phải đảm bảo nhiệt độ trung bình 20oC. Mặc dù đã được trồng khá thành công ở một số tỉnh Tây Nguyên và Bắc Bộ, nhưng chưa chắc đã phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Sơn Tây. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ hạt Mắc-ca rất lớn, nhưng nếu sản lượng cây trồng không lớn thì khó có doanh nghiệp thu mua nào chịu bỏ ra chi phí với quãng đường quá xa xôi để mua lượng hạt Mắc-ca nhỏ lẻ ở Sơn Tây. Đặc biệt, dù là cây Mắc-ca đã có mặt ở Việt Nam, nhưng đến nay tại Việt Nam vẫn chưa xây dựng được quy trình kỹ thuật “chuẩn” cho cây trồng này. Vì thế cũng khó hướng dẫn người dân miền núi tiếp cận kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản.
Bài, ảnh: THANH NHỊ