(Báo Quảng Ngãi)- Với mục tiêu tiêu úng, thoát lũ, ngăn mặn, giữ ngọt và chống sạt lở hai bên bờ sông nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân 3 huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ cũng như hơn 6.000 ha đất nông nghiệp nhưng hiện giờ, Dự án tiêu úng thoát lũ, chống sạt lở vùng hạ lưu sông Thoa (Dự án) có nguy cơ chậm tiến độ vì vốn và mặt bằng !
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nội dung thực hiện Dự án (gồm 31 gói thầu) là nạo vét, mở rộng mặt cắt trục tiêu chính dài hơn 26km, nắn dòng cục bộ 3km đoạn “ruột gà” của sông Thoa, đắp đê và gia cố hai bên đê của trục tiêu chính dài trên 20km, xây dựng trên kênh tiêu 84 công trình (gồm 4 đập lớn, 56 cống tiêu, 10 cầu giao thông nông thôn và 14 trạm bơm tiêu cục bộ thời vụ). Tổng mức đầu tư dự án 338 tỷ đồng. Sau gần 4 năm thi công (2011 - 2014), Dự án đã hoàn thành công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng (GPMB) 12/19 gói thầu xây lắp (có 3 gói đã bàn giao đưa vào sử dụng và 8 gói đang thi công)... Tổng vốn được giải ngân đến ngày 31.5.2014 là hơn 173,4 tỷ đồng.
Nghẽn tuyến
Theo chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi (Công ty), lẽ ra 4/8 gói thầu đang thi công đã được thông tuyến. Thế nhưng vì vướng mặt bằng của 13 hộ dân ở các xã Phổ Quang, Phổ An (Đức Phổ), Đức Lân (Mộ Đức); rồi phương án đền bù (PAĐB) bổ sung chưa được phê duyệt nên các gói thầu số 9, 10, 17 và 18 phải vừa thi công vừa…đợi khiến nhiều đoạn kênh, bờ đê bị cắt khúc.
Công nhân đang thi công hạng mục cống tiêu tại đập An Quang. |
Xảy ra tình trạng này là do sự chậm trễ của chính quyền địa phương trong việc xác minh nguồn gốc và giải quyết tranh chấp đất giữa các hộ dân, giữa người dân với UBND xã. Đơn cử như 5 mảnh đất của ông Đặng Tiệm ở xã Phổ An. Theo đó, UBND xã Phổ An chỉ đồng ý xác minh 3/5 mảnh đất cho ông Tiệm, số còn lại thì…báo cáo huyện giải quyết! Thế nhưng đã gần một năm trôi qua, huyện cũng chưa tìm được hướng xử lý khiến bờ đê phải của gói thầu 18 bị “treo”.
Còn tại gói thầu số 9 (xã Phổ Quang), dù đã được chủ đầu tư cấp tiền đền bù nhưng người dân (hộ ông Đồng và ông Xinh) đã “không tự thỏa thuận chia nhau tiền đền bù” nên xảy ra tranh chấp, cả hai cùng cản trở đơn vị thi công!
“Không thể để công trình chậm tiến độ”
Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ với chủ đầu tư, các nhà thầu tại buổi kiểm tra thực tế tiến độ thực hiện Dự án vào chiều 17.6. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Dự án tiêu úng thoát lũ, chống sạt lở vùng hạ lưu sông Thoa là công trình trọng điểm của tỉnh, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo đời sống và sản xuất của người dân 3 huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ nên “các đơn vị liên quan tuyệt đối không được để xảy ra sai sót về chất lượng cũng như tiến độ thi công. Bằng mọi giá phải hoàn thành công trình đúng thời hạn - tức năm 2015”.
Do đó, trước tình trạng công trình “khát” vốn, cụ thể là 40 tỷ đồng thực hiện công tác bồi thường, GPMB và các hạng mục xây lắp trong năm 2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ thống nhất với đề xuất của chủ đầu tư về việc điều chỉnh phương án dự toán đền bù và GPMB (nhưng không được vượt tổng mức đầu tư). Theo đó, chủ đầu tư có thể linh động điều chuyển vốn giữa các hạng mục nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng và mục tiêu Dự án. Về phần vốn địa phương (còn 34 tỷ đồng), Phó Chủ tịch giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh cân đối bố trí từ các nguồn phù hợp, tạo điều kiện để các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công.
Đối với vấn đề mặt bằng, Phó Chủ tịch Phạm Trường Thọ yêu cầu UBND hai huyện Mộ Đức, Đức Phổ chỉ đạo UBND các xã Đức Lân, Phổ An, Phổ Quang khẩn trương tổ chức đối thoại với 13 hộ dân để biết “vướng ở đâu, sai chỗ nào”, từ đó mới có biện pháp tháo gỡ theo hướng đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho bà con. Nếu hộ nào cố tình vi phạm, các ngành chức năng địa phương phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu tổ chức bảo vệ thi công.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cũng yêu cầu chủ đầu tư đôn đốc, nhắc nhở đơn vị thi công ưu tiên thực hiện các khối lượng vượt lũ, hoặc điểm dừng kỹ thuật trước mùa mưa lũ nhằm đảm bảo an toàn công trình, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
Bài, ảnh: MỸ HOA