Ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp: Cần được "tiếp sức" dài hơi

08:04, 13/04/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Những năm qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là các ứng dụng này có bền vững nếu không có sự “tiếp sức” của các cấp, ngành trong tỉnh?

TIN LIÊN QUAN

Hiệu quả kinh tế cao
 
Chúng tôi theo chân Đoàn công tác của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ đến tham quan HTX Sản xuất kinh doanh nấm Đức Nhuận (Mộ Đức) khi mọi người đang tất bật chuẩn bị thu hoạch rộ.
 
Trong trang trại rộng hơn 100m 2, ông Võ Tấn Đức, ở thôn 4, xã Đức Nhuận không giấu niềm vui. “Nhìn những mầm nấm đầu tiên mọc lên, tôi mừng đến cả ngày. Trại nấm của tôi đã thu hoạch được gần 1,5 tạ nấm sò và 4kg nấm linh chi, cho thu nhập hơn 6 triệu đồng. So với làm công nhân tại các lò gạch thủ công thì trồng nấm đạt hiệu quả kinh tế hơn hẳn mà lại đỡ vất vả hơn”- ông Đức bộc bạch.
 
Hơn 20 năm làm công nhân trong lò gạch thủ công vất vả, nặng nhọc, độc hại, nhưng cuộc sống khó vẫn hoàn khó. Khi Sở KH&CN có kế hoạch thực hiện Dự án “Hỗ trợ xây dựng làng nghề trồng nấm phục vụ chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động từ các lò gạch thủ công xã Đức Nhuận và Đức Chánh, huyện Mộ Đức”, ông xin “gia nhập” ngay.
 
Tham gia mô hình trồng nấm, ông chỉ phải bỏ ra 20% chi phí ban đầu để mua phôi nấm. Còn lại, từ quy trình xây dựng trại cho đến kỹ thuật nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản cho đến đầu ra của sản phẩm đều được HTX đứng ra đảm trách dưới sự hướng dẫn của Sở KH&CN. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh và Sở KH&CN hỗ trợ, đầu tư máy móc phục vụ cho khâu cấy, chiết phôi giống.
 
Theo tính toán của các hộ trồng nấm, 100m 2 nấm kinh chi, nếu tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật thì trừ chi phí, mỗi năm thu hoạch 3 đợt, có thể cho thu nhập từ 70 đến 90 triệu đồng. Còn với nấm sò, thu hoạch 4 đợt, hằng năm cho thu nhập hơn 30 triệu đồng. Với nông dân, con số này quả là mơ ước. Bởi vậy, hầu hết các hộ trong Dự án đều đưa vào trồng cả hai loại nấm này để lấy ngắn nuôi dài. 
 
Với những thành công bước đầu, mô hình hứa hẹn giúp người dân có nguồn thu nhập khá mà không phải tốn nhiều công sức. Hơn thế nữa, nó đã góp phần chuyển đổi nghề cho 100 hộ với 500 lao động là công nhân các lò gạch thủ công. 
 
Trong khi nông dân ở Mộ Đức phấn khởi vì mô hình trồng nấm hứa hẹn mang lại thu nhập khá thì người trồng mía trên đồi ở Ba Tơ cũng vui không kém.  Anh Phạm Văn Son,  thôn làng Măng, xã Ba Dinh (Ba Tơ)  khoe: “Nhà tôi làm được 1ha. Mía tôi là mía gốc, năm nay thu tái sinh lần 2 nên cây nhỏ hơn vụ trước, vậy mà năng suất của 5 sào đã thu hoạch cũng được gần 17 tấn”.
 
Theo bà con, ở đây vùng nào gò đồi là có mía. Nhờ Nhà máy Đường Phổ Phong đưa về nhiều giống mía mới, hỗ trợ kỹ thuật, cơ giới hóa nên năng suất và chữ đường tăng cao. Vụ ép năm nay, trung bình mỗi ha mía ở đây cho năng suất 76 tạ/ha, cao nhất tỉnh từ trước tới nay. Với mức thu mua 850.000 đồng/tấn loại 10 CCS, trừ chi phí đầu tư, bà con cũng thu về từ 30 đến 35 triệu đồng/ha. So với bạch đàn, keo thì mía cho thu nhập cao hơn.
 
Nấm linh chi- loại dược liệu quý được trồng thành công, giúp người dân có nguồn thu đáng kể.
Nấm linh chi- loại dược liệu quý được trồng thành công.
 
Ngoài trồng nấm, mía, 3 năm qua, các ứng dụng KHCN đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn hộ nông dân thông qua các mô hình như: Tăng năng suất, chất lượng tỏi ở huyện Lý Sơn; phát triển cây ăn quả hàng hóa tại huyện Nghĩa Hành; HTX dịch vụ nông nghiệp, nông thôn Tịnh Trà; nâng cao hiệu quả sản xuất lúa trên đất dồn điền-đổi thửa tại HTX nông nghiệp Bình Dương; cải tạo giống và cải tiến kỹ thuật chăn nuôi trâu cho đồng bào dân tộc H’rê ở huyện Ba Tơ và Sơn Hà; phát triển chăn nuôi dê lai trên địa bàn vùng núi huyện Ba Tơ.
 
Cần “tiếp sức” dài hơi
 
“Rõ ràng, các Dự án triển khai thành công có ý nghĩa rất thiết thực, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững ở các địa phương”- ông Trần Chấn Diệp- Giám đốc Sở KH&CN khẳng định. 
 
Dẫu vậy, điều mà người dân hưởng lợi băn khoăn lúc này là liệu Dự án có “chết yểu” như nhiều mô hình, dự án đã triển khai?
 
Hiện giờ, nấm sò được ưa chuộng và tiêu thụ mạnh. Nấm linh chi cũng không kém vì có tác dụng chữa bệnh. Không chỉ có đơn đặt hàng trong tỉnh, ngoại tỉnh mà cả ở nước ngoài, chủ yếu là các công ty, doanh nghiệp chuyên sản xuất thực phẩm chức năng, nhưng sản lượng thì có hạn HTX chưa mạnh dạn ký hợp đồng cung ứng.
 
Điều mà xã viên HTX thấy tiếc bởi theo thiết bị sản xuất nấm của Sở KH&CN cung cấp thì năng suất thiết kế một ngày phải có khoảng 5 tấn nguyên liệu, để sản xuất thành 5.000 phôi nấm. 
 
Tuy nhiên hiện nay, máy chưa chạy đến 1/5 công suất, khó khăn nhất là mặt bằng sản xuất. Do vậy, HTX mong muốn sớm được cấp thêm mặt bằng sản xuất để HTX đi vào hoạt động ổn định. Các hộ trồng nấm cũng tha thiết được nhà nước hỗ trợ về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để họ vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
 
Kỹ thuật am tường, máy móc đầy đủ, người trồng nấm cần mặt bằng, vốn để mở rộng sản xuất, còn người trồng mía trên đồi phân vân hậu dự án, khi mà Nhà máy không còn hỗ trợ cơ giới hóa, người dân sẽ duy trì chúng ra sao?

 

Trồng mía trên đồi,
Trồng mía trên đồi đã mang lại thu nhập cao cho người dân.
 
Các huyện miền núi như Ba Tơ, Sơn Hà… thuộc tiểu vùng khí hậu giao thoa giữa khí hậu Nam Trung bộ và Tây Nguyên nên lượng mưa phân bố tương đối đều trong năm rất thuận lợi cho cây mía sinh trưởng và phát huy năng suất. 
 
Một lợi thế nữa đất đai ở những vùng này có độ dày tầng đất canh tác trên 60 cm, phù hợp với yêu cầu sinh trưởng của cây mía. Do đó, việc chuyển đổi vùng sản xuất mía từ đồng bằng lên vùng gò đồi sẽ phát huy được các lợi thế về điều kiện tự nhiên. 
 
Hơn nữa, việc trồng mía trên đồi bây giờ thuận buồm xuôi gió bởi mọi việc từ phân, vôi, giống, đào lổ đều được Nhà máy Đường hỗ trợ. Nhất là việc đưa máy đào Komatsu 95Hp có gàu múc 0,3-0,4m3 để đào rảnh tạo thành các đường tiểu bậc thang theo trình tự giựt cấp từ cao xuống thấp đã góp phần hạn chế xói mòn, rửa trôi chất dinh dưỡng của đất, hạn chế suy thoái môi trường đất.
 
Sự sống còn của dự án phụ thuộc vào việc duy trì sự hỗ trợ của Nhà máy hậu dự án. Nếu dự án kết thúc, không được tiếp sức, khả năng người dân quay lại trồng keo như trước kia là rất cao. “Đất đồi trùng trùng điệp điệp thế này, trồng mía trên đồi sức người khó kham! Đó là chưa kể đất bị xói mòn rửa trôi, mía giảm năng suất vì canh tác không đúng kỹ thuật. Điều quan trọng nhất là “tiếp sức” dài hơi  ”- ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT bày tỏ.
 
Trước những nỗi lo ấy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ yêu cầu Sở KH&CN tiếp tục theo dõi và đánh giá chính xác hiệu quả của các dự án. Tránh trường hợp dự án kết thúc, nông dân cũng bỏ, tỉnh sẽ có những biện pháp hỗ trợ phù hợp cho nông dân trong việc duy trì, mở rộng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều

.