Xây dựng nông thôn mới: Tăng tốc về đích

02:03, 13/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Được xem là luồng gió mới trong tiến trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Vì vậy, sau 3 năm (2011 - 2013) triển khai thực hiện, NTM đã gặt hái nhiều kết quả nổi bật, tạo động lực tăng tốc cán đích đúng lộ trình…

TIN LIÊN QUAN

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Ban chỉ đạo NTM tỉnh, tính đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 1 xã là Bình Dương (Bình Sơn) đạt 16 tiêu chí, 31 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí và 9 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí. Ba năm qua, các địa phương đã huy động gần 2.850 tỷ đồng (cộng đồng dân cư đóng góp hơn 165 tỷ đồng) để đầu tư xây dựng hạ tầng điện - đường - trường - trạm và phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho người dân.

Kết quả bước đầu

Mặc dù không nằm trong tốp 4 xã điểm của tỉnh, nhưng đến thời điểm này, Nghĩa Lâm là một trong hai xã đạt được nhiều tiêu chí NTM nhất của huyện Tư Nghĩa. Tuy nhiên, điều khiến chính quyền và người dân nơi đây phấn khởi không phải con số 12 tiêu chí đã được họ chinh phục, mà là những cái mới trong chính cuộc sống của mình. Nói như ông Nguyễn Sự ở thôn 2 thì, từ khi có NTM, bà con chòm xóm ai cũng hào hứng. Nhất là khi họ nghe đường sá được mở rộng hơn; đất sạ lúa trồng rau sẽ được quy về một mối để dễ làm dễ bán; rồi đường rộng nên rau, mía theo chân nông dân bon bon về nhà ra chợ…thì, bà con càng phấn khởi. Vì “ai cũng bảo nếu được thế thì việc nhường vài mét đất, đốn ít cái cây cũng chẳng là gì”, ông Sự quả quyết.

 

Nhờ có chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đường làng ngõ xóm ở khắp nơi nay sạch đẹp hơn.
Nhờ có chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đường làng ngõ xóm ở khắp nơi nay sạch đẹp hơn.


Có điều, sự đóng góp ấy không dừng lại ở hàng nghìn mét vuông đất, ngày công lẫn tiền của… để cho ra đời những tuyến đường mới, ngôi nhà mới mà còn ở tinh thần đoàn kết và tự nguyện. Điều này thể hiện qua hai tiêu chí được các địa phương xem là “cửa ải” lớn nhất, gồm thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo mà Nghĩa Lâm đã an toàn vượt qua. Bởi, “người dân có chung sức đồng lòng, giúp đỡ lẫn nhau thì mới giảm nghèo, tăng giàu được nhanh như thế”, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm Trương Văn Lệ khẳng định.

Còn tại xã Đức Tân (Mộ Đức), một trong 4 xã điểm của tỉnh cũng đã chạm đích 13 tiêu chí. Với một xã thuần nông như Đức Tân, con số trên quả là kỳ tích. Theo nhiều người dân Đức Tân, “sướng nhất của NTM là nông dân có lúa…để bán!”. Lý giải điều này, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Tân Phạm Thanh Sơn nói rằng, nhờ nguồn vốn NTM, địa phương đầu tư thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, rồi bắt tay với doanh nghiệp hỗ trợ nông dân kỹ thuật sản xuất và đảm nhận đầu ra. Có lẽ nhờ vậy nên người làm lúa bớt lỗ, thêm vui. Diện tích sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm chất lượng vì thế cũng liên tục tăng sau mỗi vụ. Từ vài hecta ban đầu đến gần 130ha như trong vụ đông xuân này.  

Nỗ lực cán đích

Dù NTM đang có những kết quả khả quan nhưng để cuối năm 2015 có 1 huyện và 33 xã đạt chuẩn NTM thì, các địa phương trên sẽ đối mặt với không ít gian nan, nhất là khi những tiêu chí đạt được chỉ tập trung vào lĩnh vực có sẵn như: An ninh trật tự xã hội, hệ thống chính trị, bưu điện, điện, văn hóa, nhà ở dân cư và hình thức tổ chức sản xuất. Còn những tiêu chí có nhiệm vụ tạo đột phá trong bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân như: Thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, giao thông thủy lợi… thì rất ít địa phương đạt được. Lý do, hầu hết các tiêu chí trên đều cần vốn. Trong khi nguồn vốn Nhà nước bố trí cho NTM eo hẹp, nhỏ giọt; còn sức đóng góp của dân và doanh nghiệp lại hạn chế nên quá trình thực hiện cũng thiếu đồng bộ.

Mặt khác, những nút thắt về phương thức thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) - đòn bẩy tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho nông dân hiện vẫn chưa được tháo gỡ. Nhất là khi phương án DĐĐT mẫu đến giờ cũng chưa được Sở NN&PTNT ban hành. Điều này khiến nhiều địa phương loay hoay, không biết bắt đầu DĐĐT từ đâu và cách tiến hành như thế nào. Thế nên, dù tỷ lệ hộ nghèo thấp, thu nhập người dân tăng cao, nhưng Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm Trương Văn Lệ vẫn lo: “Không DĐĐT sớm, túi tiền của nông dân rất dễ vơi”.

Cùng với DĐĐT, nhiều địa phương cũng lúng túng trong việc xác định phát triển trọng tâm cây gì, con gì phù hợp với điều kiện canh tác của người dân từng vùng, miền và phù hợp với nhu cầu thị trường. Bởi nói như Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Huỳnh Chánh thì: “Làm dễ, bán sản phẩm mới khó”. Hẳn thế nên dù rất muốn phát triển đàn bò sữa ở các xã khu Tây của huyện, nhưng ông Chánh bảo rằng: “Không thể vội. Vì phải đợi cái gật đầu bao tiêu đầu ra của Công ty sữa Vinamilk. Tránh tình trạng làm ra rồi… bỏ như lâu nay đã xảy ra ở một số mặt hàng”.    

Có lẽ đây cũng chính là điều mà người dân và các xã nằm trong tốp đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2015 mong muốn được Nhà nước hỗ trợ nhằm thúc đẩy sản xuất, góp phần đưa NTM về đích đúng hẹn.               

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.