Xây dựng nông thôn mới ở huyện Nghĩa Hành: Nguy cơ chậm tiến độ

07:01, 12/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo lộ trình đến năm 2015, Nghĩa Hành đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, trận lũ hồi giữa tháng 11 năm 2013 đã khiến người dân nơi đây khánh kiệt cả sức lẫn của. Việc xây dựng NTM vì thế cũng bị chững lại, nhiều tiêu chí NTM vốn đã khó gỡ giờ càng rối hơn…

TIN LIÊN QUAN

Tính đến cuối năm 2013, huyện Nghĩa Hành có 9 xã đạt 10 - 13 tiêu chí và 2 xã đạt 8 tiêu chí NTM, thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo còn 9,38% (tương ứng với 2.240 hộ). Năm 2014, huyện Nghĩa Hành phấn đấu đạt thêm 3 - 4 tiêu chí/xã, nâng số tiêu chí mỗi xã đạt được vào cuối năm từ 15 - 17 tiêu chí. Tuy nhiên, hai tiêu chí được xem là “cửa ải” để đạt chuẩn NTM là thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo thì hiện các địa phương vẫn loay hoay, nhất là sau khi bị lũ càn quét.

* "Đã nghèo lại gặp eo”!

Sau gần 2 tháng bị trận lũ lịch sử nhấn chìm, Hành Thịnh - xã điểm NTM của huyện Nghĩa Hành đã nhanh chóng khắc phục để nhà cửa khang trang, đường sá sạch sẽ, ruộng đồng xanh tươi. Thế nhưng ít ai biết rằng, phía sau những mảng sáng trên, người dân nơi đây lại đang đối mặt với biết bao cái khó, cái khổ. Nào nhà sập, heo bò mất. Nào kênh vỡ, ruộng bồi. Cuộc sống lẫn hoạt động sản xuất của bà con vì thế cũng bị đảo lộn, đình trệ.

 

Khắc phục kênh mương, tái thiết sản xuất.                                                                                                                      Ảnh: MỸ HOA
Khắc phục kênh mương, tái thiết sản xuất. Ảnh: MỸ HOA


Nhiều hộ thậm chí phải trở lại vạch xuất phát ban đầu sau khi bị lũ cuốn trôi nhà và tài sản. Chẳng thế mà dù đã nhận được nhiều sự chia sẻ, hỗ trợ của Nhà nước lẫn cộng đồng, nhưng bà con nơi đây nói rằng, quá trình tái thiết sản xuất và ổn định cuộc sống không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Lý do là lũ lớn gây thiệt hại quá nặng, nên để có được nhịp sống bình thường, cần không ít thời gian, công sức lẫn tiền của để khôi phục.

Điều đó đã và đang khiến địa phương trên thấp thỏm, nhất là trong công cuộc xây dựng NTM, dù năm 2014, Hành Thịnh được huyện tập trung đầu tư xây dựng trường học và chợ. Lý giải sự lo lắng này, Chủ tịch UBND xã Hành Thịnh Huỳnh Xuân Tạo nói rằng: “Lũ qua, sức dân cũng cạn, kéo theo nguồn lực đóng góp xây dựng NTM sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.  


Đồng cảnh ngộ với Hành Thịnh, xã Hành Thiện - một trong ba xã của huyện Nghĩa Hành bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra cũng đau đáu với câu hỏi: Làm sao để cán đích NTM đúng lộ trình? Bởi sau lũ, người dân chẳng còn sức để nghĩ đến chuyện NTM; rồi đường sá, kênh mương - những công trình được xây dựng theo kiểu Nhà nước và nhân dân cùng làm bị hư hỏng, nhưng vì dân đã cạn tiền, đành phải đợi Nhà nước hỗ trợ sửa chữa.

* Chung sức gầy dựng

Không chỉ Hành Thịnh, Hành Thiện mà hiện nay, các xã điểm của huyện Nghĩa Hành cũng đang loay hoay tìm lối ra cho bài toán tổ chức sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Bởi sau lũ, 253 ha đất sản xuất nông nghiệp bị sa bồi thủy phá; 20 công trình thủy lợi, 10 trạm bơm và nhiều tuyến kênh mương bị lũ phá hỏng, gần 150 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, hàng trăm tấn thóc bị ướt, hư hại…Tổng giá trị thiệt hại lên đến 322 tỷ đồng.

Nhắc lại những con số trên để thấy hậu quả mà lũ để lại cho Nghĩa Hành. Đó là thu nhập bình quân đầu người của huyện giảm từ 12,5 triệu đồng còn 12 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo có nguy cơ tăng 2%. Rồi hàng loạt tiêu chí như giao thông, thủy lợi, nước sạch vệ sinh môi trường... đã gần đạt, thì bất ngờ bị lũ phá, giờ phải bắt đầu xây dựng lại.

Nhưng điều khiến Nghĩa Hành lo nhất chính là nguy cơ hụt vốn đầu tư cho NTM. Bởi hiện giờ, toàn bộ nguồn vốn dự phòng 2 năm 2013 - 2014 và 50% vốn vượt thu năm 2013 của huyện đã dùng để khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra; vốn từ ngân sách được phân bổ trong giai đoạn 2011 - 2013 quá ít so với nhu cầu; còn việc huy động vốn trong dân xem ra khó triển khai thực hiện khi mà hầu hết người dân đang phải sống nhờ gạo của nhà nước hỗ trợ. Vì thế mà Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Phan Bình lo lắng: “Tiến độ xây dựng NTM của huyện chắc chắn sẽ bị chững lại”.

Khó khăn là thế, nhưng theo ông Phan Bình, huyện vẫn gắng sức cán đích NTM đúng lộ trình. Để làm được điều này, song song với việc tập trung tái thiết và tổ chức sản xuất, huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông thôn các xã điểm, nhất là hai xã đã đạt 13 tiêu chí là Hành Thịnh và Hành Minh, thì Nghĩa Hành còn phát động phong trào thi đua để xốc lại khí thế xây dựng NTM trong toàn huyện. “Nhưng bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân Nghĩa Hành, chúng tôi cũng rất mong sự giúp sức của cấp trên để bù chỗ “sức đã bị mất" do lũ, cũng là để tiếp sức chặng đường xây dựng NTM của huyện” ông Bình cho biết.


MỸ HOA
 


.