(Báo Quảng Ngãi)- Ruộng đã cày. Đất đã tơi. Nhưng hiện giờ, nông dân một số địa phương trong tỉnh lại khốn khổ vì thiếu giống chất lượng. Thậm chí, có nơi tỷ lệ giống nảy mầm thấp khiến nông dân chẳng biết đâu mà lần.
Mặc mưa phùn, gió lạnh nhưng cả tuần nay, nông dân huyện Bình Sơn vẫn ở ngoài đồng để tranh thủ dọn ruộng, làm đất, đắp bờ những mong việc xuống giống đúng lịch thời vụ. Thế nhưng, tại một số xứ đồng, dù đất đã tơi, mặt ruộng đã bằng phẳng nhưng bà con chỉ biết đứng nhìn chứ không thể sạ giống. Lý giải nghịch lý này, bà Trần Thị Lộc ở tổ 1, thôn Phú Lễ 1, xã Bình Trung nói buồn: “Giống không ra rễ lấy gì sạ”. Hóa ra, 6 kg giống OM6976 mà bà Lộc dùng để sạ 1 sào ruộng ở xứ đồng Gieo nảy mầm được 1/3, số còn lại chỉ nứt vỏ.
Giống OM6976 ngủ đông như thế này khiến nhiều nông dân Bình Sơn khốn đốn. |
Cạnh đó, ông Phạm Minh cũng thẫn thờ nhìn mặt ruộng đang khô se vì gió. Ông Minh bảo rằng 400 m2 ruộng này được chọn sạ giống OM6976 - loại giống thuần mà HTX NN 2 Bình Trung bán trợ giá cho nông dân với 9.000 đồng/kg (thấp hơn thị trường 50%). Tuy nhiên, sau 3 ngày đêm ngâm ủ, 4 kg giống OM6976 chỉ mới nứt vỏ nên dù nôn nóng, ông Minh cũng không dám gieo sạ. Lý do, vụ hè thu 2013, chỗ ruộng này đã bị mất trắng vì thiếu nước. Nếu giờ sạ giống kiểu này, nhỡ lúa không lớn để trổ hoa kết hạt thì lại khổ.
Không chỉ bà Lộc, ông Minh mà rất nhiều nông dân ở xã Bình Trung phản ánh rằng, loại giống OM6976 có tỷ lệ nảy mầm chỉ từ 20 - 50% khiến họ không thể gieo sạ. Và để tiết kiệm, nhiều hộ đã gom giống cho một người sàng lọc rồi lấy những hạt có rễ đủ dài để sạ. Các hộ còn lại thì tìm mua giống khác hoặc dùng lúa thịt ngâm ủ. “Đây, 18 kg giống của 3 người mà sàng ra có 5 kg là dùng được. Còn lại để cho gà vịt ăn chứ sạ gì giống này”, vừa nói bà Lộc vừa chỉ vào số giống cụt rễ.
Khi được hỏi về nguyên nhân xảy ra tình trạng này, ông Phạm Đào - Chủ nhiệm HTX NN 2 Bình Trung cho rằng: “Có thể do bà con ngâm ủ chưa đúng quy trình”. Cụ thể, giống OM6976 có thời gian ngâm từ 36 - 48 giờ, rồi phải rửa chua trước khi ủ. Tuy nhiên, do thời tiết lạnh nên phải ngâm bằng nước ấm, ủ bằng bao tải có rơm hoặc lá mì.
Tuy nhiên, nông dân không đồng tình với câu trả lời này. Lý do là, “tôi cũng ngâm trong nước 1 nóng 3 lạnh, rồi chà rửa kỹ trước khi ủ trong rơm, bên ngoài phủ bao tải nhưng giống vẫn…tịt rễ đó thôi”, ông Phan Văn Chí ở tổ 5, thôn Phú Lễ 1 bức xúc. Nói đoạn, ông Chí trưng chỗ giống bị “ngủ đông” để mọi người xem. Thật bất ngờ vì trong ấy có rất nhiều hạt vỏ còn xanh, là những hạt không chịu nứt vỏ nảy mầm. Chẳng thế mà hiện giờ, nhiều hộ có giống OM6976 không hoặc ít nảy mầm đã chữa cháy bằng cách dùng lúa thịt để gieo sạ cốt kịp lịch thời vụ. Dẫu biết động thái này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lúa nhưng họ bảo: “Thôi kệ, chứ giờ biết tìm đâu ra giống tốt”?
Trong khi nông dân gieo sạ giống OM6976 ở huyện Bình Sơn khốn đốn vì ruộng chờ giống thì ở rốn lũ Nghĩa Hành, bà con cũng đang lao đao vì “khát” giống chất lượng. Lý do, trận lũ vừa rồi đã khiến hơn 2.000 tấn lúa và thóc giống trong dân bị ngập chìm trong nước. Thế nên dù đã được Trung ương và tỉnh hỗ trợ 120 tấn giống, nhưng hiện nông dân địa phương này vẫn trong tình trạng “thiếu trước hụt sau”.
Đơn cử như ông Nguyễn Lên ở xã Hành Thiện, mặc dù không bị lũ làm cho trắng tay nhưng với 3 tạ lúa bị ướt, gia đình ông cũng rơi vào thảm cảnh “cháy” giống tốt gạo ngon. “Lúa ướt, gạo đắng. Ăn không được mà sạ cũng chẳng xong. Phải đợi nhà nước quan tâm cho giống”, ông Lên bày tỏ. Tuy nhiên, đợi hoài nhưng rốt cuộc không nằm trong diện được hỗ trợ nên ông Lên đành mua 18 kg giống, kịp sạ 3 sào ruộng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng mua được giống như ông Lên. Bởi nhiều hộ vì lý do kẹt tiền đã trao đổi lúa ăn với anh em, họ hàng để gieo sạ dù biết như thế sẽ khó có được một vụ mùa bội thu. Chẳng thế mà ông Đàm Bàng mới cho rằng: “Giá như huyện được hỗ trợ thêm 100 tấn giống nữa thì việc gieo sạ 3.100 ha lúa (tương ứng hơn 310 tấn giống) của bà con sẽ không phải vật vã như hiện nay”.
Bài, ảnh: MỸ HOA