"Vua rừng" đổi hướng làm ăn

03:11, 13/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cơn bão số 9 năm 2009 ập vào, hơn 500ha keo đến tuổi thu hoạch ngã rạp. Nhìn tài sản “cuốn theo chiều gió”, ông như người mất hồn. Nhưng rồi 4 năm sau, thay vào đống đổ nát đó giờ là những rẫy keo xanh tốt, là những trang trại nuôi heo, gà, những hồ cá, ba ba... mọc lên giữa rừng.

TIN LIÊN QUAN

Người đàn ông đã sắp bước sang tuổi thất tuần vẫn vững một niềm tin sẽ biến rừng thành vàng… Đấy là ông Phạm Trung Trường - Chủ nhân trang trại VACR ở xã Bình An (Bình Sơn).

Vực dậy từ hoang tàn

Đưa chúng tôi dạo quanh trang trại rộng lớn với những cánh rừng keo xanh mượt đang trong giai đoạn phát triển. Đứng trên ngọn đồi cao lộng gió vừa được phát dọn sạch sẽ chuẩn bị xuống keo giống, ông Trường chỉ tay hướng về ánh bình minh bảo: “Tài sản của tôi đó!”.

 

Ông Trường chặt bỏ cây cao su để tìm hướng đi khác.
Ông Trường chặt bỏ cây cao su để tìm hướng đi khác.


Rồi ông kể về những tháng năm “ăn rừng ngủ núi” với giấc mơ biến rừng thành vàng của mình. Năm 1992, khi đất nước bắt đầu hội nhập, Chính phủ khuyến khích người dân phủ xanh đất trống đồi trọc, ông tìm hiểu thông tin và đăng ký trồng rừng. Những quả đồi trọc khô cằn dưới bàn tay của ông đã biến thành những rừng keo lai xanh mượt. “Thời hoàng kim của tôi là vào những năm 2007-2009, khi đó cây keo đã lớn sắp cho thu hoạch, với giá trị khoảng 49 tỷ đồng từ 600ha keo. Ai cũng mừng cho tôi vì đất không phụ lòng người. Nhưng đùng một cái cơn bão số 9 đã đẩy tôi đến bờ vực thẳm”, ông Trường nhớ lại.

Tưởng chừng cú vấp ngã đó ông sẽ không thể nào gượng dậy được bởi ngoài món nợ khổng lồ từ ngân hàng, bản thân ông cũng chẳng biết lấy gì để khôi phục lại bởi tài sản bao năm tích cóp đã “bay” theo gió.

Thế nhưng, 4 năm sau chúng tôi trở lại Bình An, gặp người quen, ông Trường vui mừng cho biết cơ bản heo đã lấy lại vốn, gà đã có lãi và 30 hồ cá, ba ba đã có thu. Bên ấm trà nóng, ông bảo ngày bão đi qua có lúc ông nghĩ đời ông đến đây là hết. Những đêm thức trắng, hết đi ra rừng ông lại trèo lên “đài canh lửa” nhìn quang cảnh xung quanh. “Không lẽ bó tay. Phải làm lại”. Nghĩ là làm, ông bán số keo gãy được hơn 4 tỷ đồng, dùng số tiền này ông đầu tư trồng lại lứa keo mới, đào ao nuôi cá, ba ba; xây dựng nhà lồng nuôi heo, gà công nghiệp…

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, sau 4 năm ông đã dần gây dựng lại cơ nghiệp. Hơn 300ha keo đã vươn lên xanh tốt sắp đến kỳ cho thu hoạch. “Thiệt tình, nếu sau bão số 9 các ngân hàng cho tôi vay tiền thì giờ tôi có thể bán keo để trả đủ cả nợ cũ lẫn nợ mới rồi. Hiện tôi còn nợ tiền vay của hai Ngân hàng NN&PTNT và Ngân hàng Phát triển Việt Nam với số tiền gần 20 tỷ đồng. Tôi biết, đó là một khoản nợ rất lớn, nhưng với tài sản đang có, tôi tin sẽ sớm trả được nợ cho ngân hàng và tiếp tục làm rừng vì đó là tâm huyết cả đời của mình”, ông Trường tâm sự.

Từ bỏ cây cao su

Trong khuôn viên trang trại tổng hợp VACR rộng 650ha, ông dành hơn 5 ha trồng cây cao su từ nhiều năm trước và sắp cho thu hoạch. Nhiều người dân sống gần trang trại ông ai cũng bảo cây cao su sẽ là nguồn thu cho ông trong năm tới. Thế rồi người ta bất ngờ khi biết ông đang thuê người đốn hạ 5ha rừng cao su. Nhiều người nghe thế bảo ông này khùng, trồng cao su sắp đến thời thu hoạch lại đi chặt bỏ. Còn ông thì bảo: Sai lầm. Sai lầm vì “thấy người ta ăn khoai mình cũng vác mai đi đào”.

 

Ông Trường đang kiểm tra trứng gà trước khi xuất bán.
Ông Trường đang kiểm tra trứng gà trước khi xuất bán.


Rồi ông giải thích, ngày đó thấy phong trào trồng cây cao su phát triển nên ông cũng trồng 5 ha. “Cây cao su trồng lớn rất nhanh, nhưng giờ thì tôi không thể để số cao su ấy lại được. Ban đầu do không tính toán kỹ lưỡng cũng như tham khảo ý kiến nên tôi trồng, giờ qua các kênh cũng như bản thân tự mày mò tìm hiểu và thực tế từ các rừng cao su ở địa phương đang cho thu hoạch mới biết đặc tính đất của vùng này không thể trồng được cây cao su. Đất rất nghèo dinh dưỡng nên dù chăm sóc thế nào thì cây cao su cũng không phát triển khỏe và cho mủ nhiều. Với lại vùng đất miền Trung quanh năm gió bão ập vào, cứ theo chu kỳ thì thường từ 3 đến 5 năm là bão lớn đổ bộ vào một lần nên thiệt hại là rất lớn. Còn cây cao su phải mất trên 7 năm mới cho mủ được”, ông Trường nói.

Ông Trường cho biết, với diện tích 5ha đất từ rừng cao su ông chuyển sang đào thêm ao nuôi ba ba, mở thêm trại nuôi heo, gà cũng như trồng mì và một số cây ngắn ngày khác để phục vụ chăn nuôi. “Nhiều lúc anh em bà con bảo tôi nghỉ cho khỏe, tuổi già rồi, nhưng tôi biết sức mình còn làm được, với lại tôi phải làm để trả nợ ngân hàng chứ và cũng để chứng minh cho người ta thấy cách tôi làm không phải là nói suông”, ông Trường tâm sự.

Dù đang gặp nhiều khó khăn, nhưng ở trang trại giữa núi vẫn có hàng chục lao động dài hạn và hơn 100 lao động thời vụ đang được ông tạo công ăn việc làm. Theo tính toán của chủ nhân trang trại, thì hiện nay nếu thuận lợi số rẫy keo đang lớn cộng với lợi nhuận từ các vật nuôi, hai năm sau ông sẽ đủ tiền trả nợ cho ngân hàng. “Làm kinh tế phải chấp nhận rủi ro, thất bại. Nhưng tôi tin mình làm được”, ông Trường nói.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.