(Baoquangngai.vn)- Sau lũ, không chỉ có nỗi đau mất mát về nhà cửa, người thân... mà hàng trăm người dân ở vùng “rốn lũ” Nghĩa Hành đang đối mặt với cái nghèo và nợ nần bởi những con vật nuôi bao năm vất vả gầy dựng đã cuốn trôi theo dòng nước.
TIN LIÊN QUAN
Nông dân sản xuất giỏi cũng... lao đao
Nước đã rút, mọi sinh hoạt của người dân ở vùng "rốn lũ" Nghĩa Hành đang từng bước trở lại bình thường, song những người nông dân vẫn còn đau đáu nỗi lo.
Hơn 10 ngày sau khi cơn lũ lịch sử qua đi, nhưng với ông Lê Văn Hữu (1958) ở thôn Kim Thành, xã Hành Dũng ký ức kinh hoàng vẫn còn hằn rõ. Chỉ sau một đêm nước lên, 20 con nhím giống trị giá trên 200 triệu đồng của gia đình ông đã bị nước lũ nhấn chìm.
Nhìn những chuồng nuôi nhím trống trơn, 29 con nhím giống trị giá cả trăm triệu đồng giờ chỉ còn lại 9 con, ông Hữu buồn rầu: Cơn lũ vừa qua khiến gia đình tôi thiệt hại nặng quá. Bao nhiêu vốn liếng, công sức gầy dựng bao năm giờ mất sạch.
Ông Hữu bên những chuồng nuôi nhím trống trơn |
Hỏi về việc tái đàn, ông Hữu lắc đầu: Việc tái đàn thì chưa dám nghĩ tới vì không biết xoay đâu ra vốn để mua giống. Hiện, nhà tôi đang cố gắng chăm sóc những con nhím giống còn lại, hy vọng gầy dựng lại đàn nhím.
Trước ngày lũ về, ông Hữu là một điển hình trong phong trào nông dân sản xuất giỏi, nhiều năm liền được tuyên dương là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Mô hình nuôi nhím của ông được nhiều người dân trong tỉnh đến học hỏi kinh nghiệm và là nơi cung cấp nguồn nhím giống, nhím thịt, mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình.
Cùng với mô hình nuôi nhím, ông Hữu còn mạnh dạn đưa cây sầu riêng về trồng. Thế nhưng cơn lũ vừa qua đã khiến hơn 70 cây sầu riêng 6 năm tuổi, đang chuẩn bị ra hoa ngã đổ. Gần 200 triệu đồng đầu tư giống, phân bón, công chăm sóc trong 6 năm qua cũng đã trôi theo dòng nước.
Sớm hỗ trợ người dân tái đàn
Trở lại xã Hành Tín Đông, sau hơn 10 ngày cơn lũ đi qua. Màu nước bạc vẫn hằn in trên những vách nhà, bờ cây và đâu đâu cũng có dấu ấn của bùn non xốc lên mùi tanh khó chịu.
Tranh thủ quét dọn khu chuồng nuôi heo trống trơn, bà Bùi Thị Búp ở thôn Nguyên Hòa vẫn chưa hết buồn rầu kể từ sau trận lũ. Con nước lớn vừa rút thì gia đình bà cũng vừa mất trắng 4 con heo nái và 72 con heo con. Nhìn ánh mắt thất thần của bà, chúng tôi biết bà đang vô cùng hoang mang, lo lắng.
“Tui còn nợ ngân hàng, rồi nợ đại lý bán thức ăn chăn nuôi tới hơn 40 chục triệu. Nuôi bầy heo nái với đàn heo con này, tui tính đem bán bớt trả nợ. Mà giờ chẳng còn heo nữa, nợ thì vẫn còn một đống”- bà Búp lo lắng.
Bà Búp chăm sóc những con heo may mắn còn sống sót sau cơn lũ lịch sử |
Chung cảnh mất vật nuôi với bà Búp còn có nhiều gia đình khác. Chỉ vì lũ, bao công sức của bà con tạo dựng bấy lâu nay đều trở thành con số không. Khi lũ tràn về, hầu hết ở xã Hành Tín Đông này, nhà nào cũng phải “hiến” cho lũ, nặng thì vài con bò, nhẹ thì vài con gà, vịt. Gia đình ông Trương Chánh ở thôn Nhơn Hội 1 sau khi nước lũ rút đã hớt hải đi tìm 6 con bò mất tích. Tuy nhiên, sau nhiều ngày tìm kiếm, gia đình ông chỉ tìm được 2 con.
Nhọc nhằn gầy dựng lại cơ nghiệp, gia đình ông Chánh vội vàng vay hơn 50 triệu từ ngân hàng và thế chấp sổ đỏ để nhanh chóng sửa lại chuồng trại và mua bò giống về nuôi tiếp. “Mất bốn con bò là kể như mất hơn 130 triệu đồng. Giờ nhà tui là dân gốc rạ, không bám vào con heo, con bò thì lấy gì ăn. Nên đành bấm bụng vay mượn để làm tiếp thôi”- ông Chánh chia sẻ
Đợt lũ vừa qua, cùng với nhiều địa phương khác trong huyện Nghĩa Hành, tại xã Hành Tín Đông, trận lũ lịch sử cũng đã làm trôi, chết 17 con bò, 180 con heo và 6.310 con gia cầm. Đây là thiệt hại lớn nhất của người nông dân từ trước đến nay. Trận lũ đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần. Bởi với họ, đàn gia súc, gia cầm là tài sản quý nhất nay đã bị thất thoát phần lớn.
Ông Đào Thanh Công- Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông cho biết: Sau khi khắc phục hậu quả của lũ, khó khăn của chúng tôi chính là việc khôi phục lại đàn heo, bò, gia cầm như lúc trước. Người dân rất cần được hỗ trợ vốn, con giống để ổn định lại cuộc sống.
Bảo Ngọc