(Báo Quảng Ngãi)- “Không cam chịu nghèo khó, nhiều chị em hội viên đã biết vươn lên làm kinh tế giỏi. Chính những mô hình thoát nghèo này, đã trở thành những điển hình để các chị em phụ nữ học hỏi, ứng dụng”, chị Nguyễn Thị Hồng Thu - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa), cho biết.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hai trong số những điển hình ấy, đó là mô hình chăn nuôi tổng hợp của chị Nguyễn Thị Liên, thôn An Nhơn và mô hình kinh tế trang trại VAC của chị Nguyễn Thị Mỹ, ở thôn An Tây, xã Nghĩa Thắng. Đây là những điển hình làm kinh tế giỏi, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Làm giàu từ chăn nuôi
Men theo con đường nhỏ, quanh co, chúng tôi đến thăm trại chăn nuôi của chị Nguyễn Thị Liên (57 tuổi). Dẫn chúng tôi tham quan một lượt hai dãy chuồng nuôi quy mô, trị giá hơn 500 triệu đồng. Chị Liên bảo: “Đây là mồ hôi và cả nước mắt gầy dựng từ hai bàn tay trắng đấy em!”. Cuộc sống trước đây của chị rất khó khăn. Để lo cho 4 đứa con ăn học, vợ chồng chị tích cực tăng gia sản xuất và chăn nuôi. Nhưng với phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, không những không có lãi mà khó thoát nghèo được.
Thế rồi, chị bàn với chồng vay mượn một số vốn để đầu tư chăn nuôi bò lai vỗ béo và heo thịt. Đến nay, chị phát triển đàn bò lên gần 20 con. Mỗi năm, chị Liên xuất bán 6- 10 con bò, trị giá gần 300 triệu đồng. Không những thành công với mô hình nuôi bò vỗ béo, chị còn khá “mát tay” với mô hình nuôi heo thịt. Với trại heo hơn 150 con, mỗi năm gia đình chị xuất bán 3 lứa, cho thu nhập trên 300 triệu đồng.
Chị Mỹ đang chăm sóc hồ tiêu. |
Chị Liên còn mạnh dạn đứng ra mở đại lý chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với sự nhạy bén trong cách nghĩ, cách làm, mô hình chăn nuôi của chị Nguyễn Thị Liên là địa chỉ quen thuộc cho chị em xung quanh đến tham quan, học hỏi.
“Hai giỏi” nhờ chịu khó
Đang lúi húi vớt cá bán cho khách, chị Mỹ cười hiền nói: “Vùng đất đồi này trước đây âm u toàn keo, nhưng giờ ra hình ra dáng thế này cũng cay đắng lắm đó. Nhìn vậy thôi, chứ thứ gì cũng có đấy nhé”. Quả như lời chị nói, chúng tôi dạo xung quanh một lượt ở đây, thấy cái gì cũng có thiệt. Một vườn hồ tiêu quy mô hơn 100 gốc, vài vạt rau xanh mơn mởn. Bên trên vườn tiêu chị xây 3 ao cá quy mô.
Nói về những ngày đầu quyết chí với bài toán thoát nghèo, chị Mỹ không khỏi bùi ngùi. Hồi đó, ai cũng bảo vợ chồng chị quá liều. Vùng đất đồi đầy sỏi đá như thế thì làm ăn được gì. Không cam chịu nghèo khó, vợ chồng chị quyết tâm biến “sỏi đá thành cơm”. Năm 2011, được Hội LHPN xã tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng làm vốn, cộng với số tiền tích cóp có được, vợ chồng chị đào ao nuôi cá. Mấy tháng trời vợ chồng chị cật lực đào đắp gầy dựng 3 hồ cá. Hiện nay, với quy mô 3 hồ cá mỗi năm chị xuất bán hai đợt, mỗi đợt thu về hơn 50 triệu đồng.
Cũng nhờ nguồn thu từ chăn nuôi, chị đầu tư mở rộng quy mô trang trại với mô hình trồng rau sạch và cây ăn quả. Ngoài ra, chị còn nuôi bò, trâu và hàng trăm con gà thả vườn. Hiện nay, cơ ngơi trị giá hàng trăm triệu đồng của chị là địa chỉ quen thuộc để chị em trong vùng đến để được chia sẻ bí quyết làm ăn.
Không chỉ nỗ lực làm kinh tế giỏi, chị Mỹ còn là một cộng tác viên dân số đầy nhiệt tình, một Chi hội trưởng phụ nữ đầy trách nhiệm và là một thành viên tích cực của tổ vay vốn. “Ở vai trò nào chị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, chị Nguyễn Thị Hồng Thu- Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Thắng nhận xét.
Bài, ảnh: K.NGÂN