Điểm nhấn tam nông

09:10, 09/10/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Nền nông nghiệp ngày càng hiện đại, vị thế người nông dân được nâng cao, diện mạo nông thôn khởi sắc. Đó là những kết quả to lớn mà Quảng Ngãi đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 (Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về “Tam nông”).

TIN LIÊN QUAN


Từ những chuyển biến tích cực

Thực hiện Nghị quyết “Tam nông” về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng các chương trình, kế hoạch, việc làm cụ thể để thực hiện các mục tiêu về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Mục đích của Nghị quyết Trung ương 7, khoá X là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, hiện đại, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao.

Vì vậy, trong quá trình triển khai nghị quyết, KHCN được xác định có vai trò hết sức quan trọng, quyết định sự phát triển nông nghiệp tỉnh nhà. Phương thức chuyển giao KHCN đến nông dân được áp dụng phổ biến là tổ chức nghiên cứu, trình diễn, học tập các mô hình sản xuất có hiệu quả trên địa bàn tỉnh để nhân rộng những mô hình này. Đây được xem là con đường ngắn nhất đưa kết quả nghiên cứu từ các cơ sở nghiên cứu đến đồng ruộng.

Nhờ hiệu quả kinh tế của những mô hình sản xuất lúa lai chất lượng cao trước đó mà ông vụ hè thu 2013 vừa qua, ông Lê Có ở đội 6, HTX La Hà (Tư Nghĩa) mạnh đưa giống lúa Hoa Khôi 4 về sạ thử nghiệm trên 4 sào ruộng của gia đình.

Trước đây mỗi lần đến thời điểm xuống giống, gia đình ông phải chạy đôn, chạy đáo khắp các đại lý để hỏi mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu. Khi tham gia mô hình sản xuất hợp tác với Công ty Giống lúa TBT, Hoa Khôi 4 không chỉ mang lại niềm vui được mùa, mà ông còn được Công ty TNHH Giống lúa TBT hướng dẫn các kỹ thuật tiến bộ về giống, kỹ thuật chăm sóc và bảo vệ cây trồng… Trong đó, chương trình "3 giảm, 3 tăng" đã giúp ông thay đổi tập quán sản xuất lúa: Giảm lượng giống gieo sạ, phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; sản xuất lúa theo hướng bền vững, ổn định và khoa học.

 

Những năm qua, nhiều mô hình giống lúa chất lượng cao được đưa vào sản xuất đại trà đã sản lượng, năng suất lúa tăng đáng kể.
Những năm qua, nhiều mô hình giống lúa chất lượng cao được đưa vào sản xuất đại trà đã cho sản lượng, năng suất lúa tăng đáng kể.



Quảng Ngãi đã triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở 40 đề án, dự án, chương trình, mô hình kỹ thuật tiến bộ như: phát triển giống cây trồng, vật nuôi; cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất… Trong đó, mô hình nhân giống lúa chất lượng cao được thực hiện liên tục qua các năm, góp phần cung cấp giống lúa chất lượng cao cho sản xuất đại trà.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết, giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2008-2013 đạt 4,1% (chỉ tiêu Nghị quyết đến năm 2020 đạt từ 3,5-4%), trong đó nông nghiệp tăng 3,3%, lâm nghiệp tăng 2,7%, thủy sản tăng 5,9%. Cơ cấu ngành nông, lâm, thủy sản chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành thủy sản, tỷ trọng ngành nông nghiệp từ 63,8% giảm còn 61,8%, tỷ trọng ngành thủy sản tăng từ 31,4% lên 33,2% và ngành lâm nghiệp từ 4,8% lên 5%.

Sản xuất nông nghiệp ngày càng gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến và nhu cầu thị trường. Năm 2013, sản lượng lương thực ước đạt 462.836 tấn, tăng 54.542 tấn so với năm 2008; lương thực  bình quân đầu người ước đạt 376 tấn, tăng 66 tấn so với năm 2008.

Vùng nguyên liệu keo, mì, mía giữ ổn định. Diện tích cây mì giao động từ 19.300-21.500 ha, năng suất bình quân đạt 181 tạ/ha, sản lượng đạt gần 391.000 tấn/năm, đủ cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột mì trên địa bàn tình.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, chương trình lai hóa đàn bò là một trong những chương trình tiêu biểu. Chương trình ngày càng phát triển, giúp người chăn nuôi cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. So với năm 2008, đàn trâu hiện tại ước khoảng 64.000 con, tăng hơn 11.800 con, đàn bò khoảng 280.000 con, tăng hơn 2.600 con.

Sản lượng khai thác thủy sản năm 2013 ước đạt 136.000 tấn, tăng hơn 39.000 tấn so với năm 2008. Tỉnh đã chú trọng phát triển lực lượng khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, khuyến khích ngư dân phát triển đánh bắt thủy- hải sản, cải hoán, đóng mới tàu thuyền vươn khơi khai thác ở Trường Sa, Hoàng Sa, thành lập các tổ hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá, các tổ đội hợp tác sản xuất, giúp nhau khi khai thác trên biển…

Cùng với việc đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản tỉnh cũng đã tập trung chú trọng phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo cho nông dân ở khu vực nông thôn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 22 làng nghề truyền thống, 17 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 7.808 cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 33.000 lao động.

Song 17 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giá trị sản xuất ước đạt 1.008 tỷ đồng, tăng 58,64%, thu ngân sách 37,3 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 2.024 lao động, với thu nhập bình quân từ 1,7-3,5 triệu đồng/tháng.

Để nông nghiệp, nông thôn phát triển một cách bền vững, tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp- nông thôn. Hệ thống thủy lợi toàn tỉnh đã được tập trung cải tạo, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt dân sinh. Tỉnh cũng đã tăng cường nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông, giao thông nội đồng, thủy lợi, dồn đổi diện tích đất gắn với phát triển thủy sản.

Toàn tỉnh đã cứng hóa, nhựa hóa được hơn 1.265km đường huyện, xã, liên thôn, xóm; đầu tư xây dựng 24 hồ chứa nước, 49 đập dâng, 3 trạm bơm và kiên cố hóa 971km đê, kè đáp ứng nguồn tưới chủ động cho hơn 71% diện tích cây trồng hàng năm.

 

Sản phẩm của nông dân được triển lãm tại Hội chợ Hàng nông nghiệp và làng nghề miền Trung và Tây Nguyên năm 2013.
Sản phẩm của nông dân được triển lãm tại Hội chợ Hàng nông nghiệp và làng nghề miền Trung và Tây Nguyên năm 2013.


Có thể nói, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết “Tam nông”, đời sống của nông dân không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn năm 2012 đạt 14,7 triệu đồng, tăng gấp đôi so với năm 2008 và số hộ nghèo ở khu vực nông thôn chỉ còn 19,23%. Điều này cho thấy nghị quyết “Tam nông” đã thực sự đi vào cuộc sống của bà con nông dân.

Ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Bám sát mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể của nghị quyết, chúng tôi đã triển khai thực hiện khá đồng bộ các nhiệm vụ về đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn. Kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khoá X đó là, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được nâng lên. Thành quả đạt được là điều kiện, tiền đề để xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, văn minh hơn.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, Quảng Ngãi còn quan tâm xây dựng hệ thống điện, thông tin truyền thông, vệ sinh môi trường, nếp sống văn hóa, xây dựng lối sống văn minh, lịch sự, xây dựng các câu lạc bộ văn hóa, gia đình hiếu học, tổ hợp tác sản xuất...

Từ đó từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc xây dựng nông thôn mới, góp phần làm cho vị thế người dân nông thôn luôn được nâng cao, làm cho bộ mặt nông thôn không ngừng khởi sắc.

…đến thách thức

Tuy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng nền nông nghiệp phát triển chưa toàn diện. Vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến phát triển chưa ổn định.

Quy mô sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, phân tán chưa đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa. Sạt lở bờ sông, bờ biển, tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là xâm nhập mặn đã hạn chế phát huy thế mạnh về nuôi trồng thủy sản. Dịch bệnh gia súc, gia cầm dẫn đến thiệt hại và giảm thu nhập của người dân. Việc liên kết giữa 4 nhà phục vụ nghiên cứu sản xuất chưa đồng bộ và hiệu quả chưa cao...

Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là hệ thống thủy lợi, giao thông phục vụ cho phát triển vùng nguyên liệu chưa được quan tâm đúng mức.

Chính sách dồn điền, đổi thửa, cánh đồng mẫu lớn chậm xây dựng, tầm nhìn của nông dân còn hạn hẹp, còn trông chờ vào sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước… cũng là những nguyên nhân khiến việc triển khai Nghị quyết 26 còn gặp nhiều khó khăn.

Trong giai đoạn phát triển mới, Quảng Ngãi tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Tăng cường nguồn vốn đầu tư cho các chương trình khuyến nông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn nông thôn.  Đồng thời lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, các dự án hỗ trợ có mục tiêu từ các nguồn vốn của Trung ương.



Bài, ảnh: Ái Kiều


.