(Báo Quảng Ngãi)- Khi mùa gặt hè thu khép lại cũng chính là lúc những người nông dân ở làng hoa Nghĩa Hà, Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) bắt tay vào vụ hoa Tết, với không khí tất bật, khẩn trương để kịp bán Tết.
TIN LIÊN QUAN
Những trận mưa lớn kéo dài khiến mọi công việc đồng áng bị đình trệ, nhưng riêng việc trồng hoa thì vẫn diễn ra bình thường ở làng hoa Nghĩa Hiệp. “Chậm một ngày là có thể hoa sẽ trễ hẹn. Cái nghề trồng hoa này quan trọng nhất là thời khắc ra hoa, vậy nên không thể chậm trễ, mưa cũng phải xuống giống cho kịp” – lão nông Huỳnh Tấn Bổ, ở thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) cho biết.
Cúc đại đóa của làng hoa Nghĩa Hiệp đã bén rễ, xanh lá. |
Hiện nay, khoảng 1.000 hộ dân xã Nghĩa Hiệp đã hoàn tất công tác xuống giống vụ hoa Tết Giáp Ngọ với hàng trăm nghìn ảng cúc và các loại hoa khác. Giá cây giống năm nay không tăng so với năm trước, bình quân từ 200 – 300 đồng/cây cúc giống. Một số hộ tự sản xuất giống để trồng và cung cấp cho các hộ dân trồng hoa trong tỉnh, với giá thành thấp hơn nhập giống về từ Đà Lạt.
Ngoài tuyển chọn giống chất lượng, người trồng hoa ở Nghĩa Hiệp còn nắm bắt tâm lý, thị hiếu tiêu dùng hoa Tết, đã thay đổi ảng hoa sang loại kích thước tương đối lớn, hạn chế trồng trong ảng nhỏ như mọi năm. “Gia đình tự đúc ảng, làm đất, sản xuất giống, chỉ tốn tiền mua phân, dưỡng chất chăm sóc hoa. Vì thế, dù giá bán hoa Tết có thấp thì ít nhất cũng huề vốn, khó mà thua lỗ” – lão nông Nguyễn Tấn Bình, thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp cho biết.
Tại làng hoa Nghĩa Hà, chưa đến thời điểm xuống giống hoa lay ơn nhưng nhiều gia đình đã hoàn tất việc mua giống, làm đất. Theo thông lệ khoảng tháng 10 sẽ bắt đầu trồng hoa lay ơn. Loại hoa này địa phương chỉ tự sản xuất được giống hoa màu hồng truyền thống, còn lay ơn đỏ, tím, xanh thiên lý, vàng, trắng đều phải mua giống từ Đà Lạt. Một số gia đình trồng cúc đất, cúc đại đóa… hiện tại đã xuống giống, chong đèn sưởi ấm kích thích hoa sinh trưởng, phát triển.
Lo đầu ra từ lúc bắt đầu trồng
Vụ hoa xuân 2013 vào ngày cận Tết khá trầm lắng. Tình trạng cung vượt xa cầu đã khiến nhiều người trồng hoa và kinh doanh hoa Tết rơi vào cảnh thất thu. Tuy nhiên, đó là thị trường hoa trong tỉnh, còn số hoa đưa ra ngoài tỉnh lên Đắc Lắc, Gia Lai hay vào Phú Yên, Bình Định, ra Quảng Nam thì hoa lại được giá hơn, bán chạy hơn và người trồng hoa dĩ nhiên là kiếm thu nhập nhiều hơn. Rút kinh nghiệm từ vụ hoa năm ngoái, năm nay dù mới xuống giống nhưng không ít hộ trồng hoa đã đi tìm “đối tác” đầu ra…
Ông Nguyễn Văn Tâm, thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp, cho biết: “Gia đình tôi giữ mối liên hệ với những người kinh doanh hoa Tết ở các tỉnh bạn. Qua điện thoại, chúng tôi có thể trao đổi với bạn hàng về loại hoa, số lượng, thời điểm cung ứng để chủ động kế hoạch trồng của gia đình”. Là bạn hàng lâu năm rồi, câu chuyện “đôi bên cùng có lợi” được ông Tâm và đối tác trao đổi rất cởi mở, thậm chí còn chia sẻ với nhau những rủi ro trong quá trình làm ăn. Do đó, hoa của gia đình ông Tâm đến vụ thu hoạch là “thương lái” tỉnh bạn về mua và chở đi hết, chứ không bán ở thị trường trong tỉnh. Năm nào nhu cầu hoa ở ngoài tỉnh tăng, ông Tâm còn là người “mách nước” cho các hộ trồng hoa ở Nghĩa Hiệp bắt mối đưa hoa đi tiêu thụ.
Riêng đối với các loại hoa như lay ơn, hoa hồng, thược dược, hướng dương… do khó đảm bảo chất lượng trong quá trình vận chuyển nên người trồng các loại hoa này khi trồng đã xác định tiêu thụ trong tỉnh. Vì thế, đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh, rủi ro cao. Do đó, những hộ dân khi trồng thường cùng nhau bàn tính để tránh tình trạng nhiều hộ cùng trồng một loại hoa. “Nhà nào cũng trồng hoa lay ơn hồng thì giá bán sẽ rất thấp. Chúng tôi đã bàn với nhau ai có điều kiện đầu tư hơn thì trồng hoa lay ơn đỏ, tím, vàng Đà Lạt, tạo ra sự phong phú cho thị trường hoa Tết” – ông Nguyễn Văn Làng, thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà (Tư Nghĩa) cho biết.
Bài, ảnh: THANH NHỊ