(Báo Quảng Ngãi)- Gần 10 năm trước, khi chia ruộng theo Nghị định 64, “vựa lúa” Mộ Đức đã đi trước đón đầu bằng giải pháp mang tính đột phá “giảm số lượng, tăng diện tích mỗi lô, thửa”. Ấy thế nhưng cách làm năng động ngày nào giờ lại khiến địa phương này đau đầu khi tiến hành thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) theo chuẩn mới…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tuy không được xếp vào hàng “thẳng cánh cò bay” nhưng ruộng ở Mộ Đức tương đối bằng phẳng, chân đất tốt; còn các lô, thửa thì vuông vức với diện tích bình quân 360-600m2. Điều đáng nói là đất ruộng ở huyện này có hai vùng gò-trũng riêng biệt. Thế nên khi chia theo NĐ 64, chính quyền nơi đây thực hiện theo phương án “cắt” đôi cái lợi lẫn khó khăn. Tức là mỗi hộ được sở hữu 2-3 thửa ruộng có đều tốt-xấu, xa-gần và gò-trũng. Ngoài ra, chính quyền cơ sở cũng quy ước rằng, diện tích ruộng đã được chia cho chủ hộ là bất di bất dịch, tức không thu hồi (của người mất) cũng không cấp mới (nếu tách hộ). Với cách làm này, Mộ Đức đã giải quyết được vấn đề lô, thửa nhiều mà diện tích chẳng bao nhiêu.
Nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa chất lượng cao ở xã Đức Thắng. |
Nhưng đó là chuyện của gần 10 năm trước, còn hiện giờ cách chia ruộng được xem là lý tưởng ngày ấy đã bộc lộ những khiếm khuyết rất khó khắc phục. Trước hết là sự trở lại của hàng loạt lô, thửa. Mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc diện tích đất ruộng bất biến sau khi cấp cho mỗi hộ dân. Dẫu biết chủ trương này đã từng mang lại nhiều cái lợi. Đó là ruộng ít bị biến động về quyền sử dụng cũng như diện tích nên địa phương dễ quản lý, còn nông dân yên tâm gắn bó với mảnh ruộng của mình. Thế nhưng giờ đây, chính nó lại khiến nhiều thửa ruộng vuông vức, rộng rãi có nguy cơ bị… chia năm xẻ bảy. Nguyên nhân là khi con cái tách hộ, chính quyền cơ sở không cấp đất sản xuất lúa nên buộc cha mẹ phải xé lẻ “bờ xôi ruộng mật” của mình.
Ông Phạm Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Tân cho biết, địa phương đã và đang xảy ra tình trạng nông dân “xé” ruộng. Thế nên hiện giờ, chưa nói đến chuyện DĐĐT mà ngay cả việc chỉnh trang đồng ruộng cũng sẽ vô cùng gian nan.
Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt khiến công tác DĐĐT của “vựa lúa” hiện giờ vẫn giậm chân tại chỗ là vì vướng ý dân. Mà cái vướng này thì cũng chỉ mỗi đồng ruộng Mộ Đức mắc phải.
Đó là chuyện ruộng gò-trũng khiến quyền lợi của nông dân rất khó, thậm chí không thể dung hòa. Bởi ở các địa phương khác, người dân băn khoăn với DĐĐT vì lo bốc phải thửa ruộng xấu lại xa đường giao thông, thì với Mộ Đức, bà con sợ “nồi cơm” của mình bị ảnh hưởng. Bởi, vấn đề ruộng tốt-xấu hay xa-gần sẽ được tháo gỡ bằng cách đầu tư, xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi cũng như áp dụng các biện pháp cải tạo, tăng độ phì cho đất. Ấy vậy nhưng với ruộng gò-trũng thì khác. Muốn gỡ được nó, phải thực hiện việc đồng hóa độ cao. Mà để làm được điều này, ngoài sự đồng thuận của người dân, còn đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và tốn nhiều thời gian.
Thế nên dù biết DĐĐT sẽ giúp đồng ruộng liên vùng liên thửa, tưới tiêu thuận lợi, giảm thời gian đi lại cũng như công chăm sóc (vì từ 2-3 thửa còn một thửa) nhưng nông dân vẫn kiên quyết lắc đầu. Lý giải điều này, ông Nguyễn Đình Dũng (Đức Thắng) bảo rằng: “Về lâu dài thì DĐĐT là có lợi. Nhưng trước mắt, nông dân phải đảm bảo cái ăn”. Ông Dũng cũng phân tích, hiện giờ mỗi hộ được hai đến ba thửa ruộng thuận lẫn khó, nên quá trình sản xuất được bù trừ chi phí và năng suất theo kiểu “mất tôm còn tép”. Nhưng nếu dồn còn một thửa, mà vô tình nó lại nằm ở chỗ trũng thì nông dân chỉ có… khóc vì thu không đủ chi, lấy gì ăn?
Lo lắng của ông Dũng không phải không có cơ sở. Vì lâu nay, sản xuất lúa ở vùng trũng Mộ Đức được nông dân ví là “đánh bạc” với trời. Bởi chỉ cần một trận mưa nhỏ là mạ thối, lúa hư do ngập úng, phải gieo đi gieo lại ít nhất 2 lần. Lẽ tất nhiên, chi phí bị đội mà chưa hẳn lúa được nhiều. Ấy vậy nên không ít hộ bảo rằng, cứ để nguyên ruộng như hiện nay mà làm, cần gì phải DĐĐT.
Ngay Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Vũ Nhân cũng thừa nhận: “Nếu đồng ruộng không khắc phục được tình trạng gò-trũng thì Mộ Đức sẽ rất khó thực hiện DĐĐT theo chuẩn mới”. Nhưng khắc phục bằng cách nào? Chỉnh trang rồi phân phối như cũ hay đồng hóa, thay đổi toàn bộ? Đây quả là vấn đề nan giải mà chính quyền và nhân dân Mộ Đức đang phải đối mặt trong tiến trình hiện đại hóa ngành sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây lúa.
Bài, ảnh: MỸ HOA