Dồn điền đổi thửa ở Mộ Đức: Giải pháp để ổn định vùng nguyên liệu mía

03:06, 18/06/2009
.
Sau một năm thực hiện dồn điền đổi thửa ở Đồng Châu, xã Đức Lân (Mộ Đức) cho thấy  năng suất, sản lượng mía và chữ đường tăng cao.

 

Đây là giải pháp để ổn định vùng nguyên liệu mía và là điều kiện để Mộ Đức tiếp tục thực hiện dồn điền đổi thửa ở những vùng mía khác trong huyện.

 

Để thực hiện kế hoạch dồn điền đổi thửa xã Đức Lân đã thành lập Ban chỉ đạo để vận động nhân dân  tham gia, đồng thời giải thích rõ những chính sách mà nông dân được hưởng khi "dồn điền đổi thửa". Niên vụ mía  2008 -2009 nông dân xã Đức Lân thực hiện dồn điền đổi thửa được 30 ha đất ở Đồng Châu,  tiến hành trồng mía. Tuy nhiên do công tác san ủi mặt bằng và chia đất còn chậm, nên đến thời điểm trồng mía thì gặp lũ tiểu mãn. Bà con chỉ khắc phục được 15 ha, diện tích mía còn lại bị hư hỏng hoàn toàn phải chuyển sang trồng các loại hoa màu khác.

 

Thu hoạch mía (ảnh minh hoạ)
Thu hoạch mía (ảnh minh hoạ).
Mặc dù diện tích mía đứng ở vùng dồn điền chỉ còn một nửa, nhưng nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và khâu chăm sóc, nên mía phát triển tốt, năng suất đạt 80 tấn/ha (cá biệt có hộ đạt 120 tấn mía/ha). Bà Nguyễn Thị Lý (ở thôn Tú Sơn 2), trước đây có 10 sào đất trồng mía nhưng lại nằm rải rác tại 3 thửa nhỏ lẻ. Năm ngoái gia đình bà Lý được tham gia dồn điền đổi thửa thành một thửa lớn có diện tích 10 sào, nên không phải tốn công chăm sóc nhiều, nhưng   mía vẫn phát triển tốt. Đến nay gia đình bà Lý thu hoạch   xong, năng suất 6 tấn/sào, chữ đường 10,2 CCS .

 

Vụ mía năm nay bà Lý thu gần 30 triệu đồng, gấp đôi so với  vụ mía năm ngoái. Hay như ruộng mía của ông Nguyễn Ngọc Lên trong vùng dồn điền đổi thửa đồng Châu vụ này thu hoạch cũng đạt năng suất cao, với 5 tấn/sào (tương đương 100 tấn/ha). Ngoài ra khi tham gia dồn điền đổi thửa, nông dân còn bán được ngọn mía giống  với giá 630.000 đồng/tấn.

 

Ông Nguyễn Mậu Lịch - Chủ nhiệm HTX chuyên canh mía kết hợp chăn nuôi Tú Sơn cho biết: Dồn điền đổi thửa đem lại nhiều lợi ích cho bà con trồng mía. Đó là người dân được hưởng lợi từ các chương trình giao thông, thuỷ lợi vùng mía. Diện tích đất trồng mía tập trung, thuận lợi trong chăm sóc, tưới tiêu, vận chuyển sau thu hoạch. Mặt khác nông dân trong vùng dồn điền đổi thửa được Nhà máy đường bao tiêu chữ đường và giá mía, nên an tâm đầu tư, sản xuất.

 

Có thể  so sánh năng suất mía của các hộ trồng mía trong và ngoài vùng dồn điền đổi thửa, để thấy rõ hiệu quả của chương trình. Một nông dân trồng mía ngoài vùng cho biết: "Mỗi năm gia đình trồng 5 sào mía, diện tích này lại phân bố ở 4 địa điểm cách xa nhau trên cánh đồng, nên rất khó khăn cho việc chăm sóc.

 

Vì thế mà cây mía còi cọc, năng suất thấp". Những năm vừa qua năng suất mía ở HTX kết hợp chăn nuôi Đức Lân luôn đạt dưới 45 tấn/ha (bình quân mỗi 1 sào mía chỉ thu được 2 triệu đồng/năm). Nhiều hộ thấy trồng mía không hiệu quả đã chuyển sang trồng các loại cây trồng khác như trồng rừng, trồng dưa hấu… Vì vậy hiện nay diện tích mía ở HTX mía kết hợp chăn nuôi Tú Sơn, Đức Lân cũng giảm  còn 75 ha/120 ha.

 

Khác với người dân ngoài vùng dồn điền đổi thửa, sau khi tham gia người trồng mía được Nhà máy Đường Phổ Phong (thuộc Công ty Đường Quảng Ngãi)  bao tiêu mua mía với giá 500 nghìn đồng/tấn. HTX chuyên canh mía kết hợp chăn nuôi Tú Sơn có trách nhiệm ký hợp đồng nhân công đốn mía cho bà con theo hướng, mỗi sào mía có năng suất 3 tấn trở lên sẽ ưu tiên đốn chặt với giá 80 nghìn đồng/tấn; ngược lại, mỗi sào mía có năng suất từ 2 tấn trở xuống thì công đốn chặt 90 nghìn đồng/tấn, và dưới 1 tấn/sào  thì phải tốn công đốn chặt 120 nghìn.

 

Niên vụ mía 2009-2010 HTX chuyên canh mía kết hợp chăn nuôi Tú Sơn có kế hoạch trồng 123 ha mía (trong đó trồng mới  68 ha và chăm sóc 55 ha mía gốc). HTX tiếp tục phối hợp với địa phương vận động nhân dân thực hiện dồn điền đổi thửa trên diện tích 11 ha nhằm từng bước ổn định vùng nguyên liệu mía.

Huyện Mộ Đức đã phê duyệt dự án  dồn điền đổi thửa tại 4 xã: Đức Phú, Đức Hòa, Đức Lân và Đức Tân giai đoạn 2008-2010.

 

Theo đó trong năm 2009, huyện sẽ thực hiện dồn điền đổi thửa trên diện tích 166 ha (tổng kinh phí hỗ trợ 1,5 tỷ đồng).  Nông dân tham gia dự án được tỉnh hỗ trợ 2 triệu đồng/ha chi phí làm đất và 100% chi phí giống mía mới. Dự án này thực hiện thành công sẽ giúp huyện Mộ Đức xây dựng vùng nguyên liệu mía tập trung,  được đầu tư đồng bộ về xây dựng kết cấu hạ tầng vùng mía nguyên liệu, tạo điều kiện thực hiện cơ giới hóa, đưa tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nhắm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong  sản xuất theo hướng thâm canh ổn định và bền vững.        

                     Diễm Trang  


.