Quảng Ngãi: Thấp thỏm với hồ chứa nước trong mùa mưa bão

08:08, 12/08/2013
.

(QNĐT)- Trên 75% hồ chứa nước ở Quảng Ngãi được xây dựng từ năm 1989, trong đó nhiều hồ đã bị xuống cấp và có thể bị vỡ bất cứ lúc nào. Mùa mưa lũ đang đến, hàng ngàn người dân sống gần khu vực hồ chứa nước đang thấp thỏm lo sợ từng ngày.

TIN LIÊN QUAN

Nguy hiểm rình rập

Quảng Ngãi hiện có 117 hồ chứa nước, với năng lực thiết kế là 12.352 ha, năng lực tưới thực tế đạt 6.898 ha. Trong số 117 hồ thì có 2 hồ chứa nước lớn có dung tích trên 10 triệu m3, đó là hồ Núi Ngang và hồ Liệt Sơn. Hồ chứa nước khoảng 10 triệu m3 có 10 hồ, đó là hồ Di Lăng, Diên Trường, An Thọ, Sở Hầu, Huân Phong, Mạch Điều, Ông Tới, Hóc Sầm, Biều Qua, Hố Cả. Số hồ còn lại đều có dung tích dưới 10 triệu m3.

Điều đáng nói là trong số đó có tới 89 hồ chứa nước quá “già cỗi” được xây dựng từ trước năm 1989 và phần lớn được xây dựng thủ công, đắp đất. Nhiều hồ chưa được nâng cấp, sửa chữa nên nguy cơ sạt lở và vỡ hồ trong mùa mưa lũ là điều khó khánh khỏi.

 

Hồ Hóc Mít, Mộ Đức đang được đơn vị gia cố để tránh vỡ đập khi nước trong hồ gần vượt tràn.
Hồ Hóc Mít, Mộ Đức đang được gia cố để tránh vỡ đập khi nước trong hồ gần vượt tràn.


Ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho biết, các hồ chứa nước ngoài nhiệm vụ tích nước chống hạn còn có nhiệm vụ chống lũ. Tuy nhiên, qua khảo sát nhiều đập đất đã xây dựng từ những năm 1989 có mái thượng và hạ lưu chưa được gia cố đảm bảo kỹ thuật nên mặt cắt ngang bị thu hẹp dần. Tràn xả lũ chưa đủ mặt cắt ngang để xả lũ theo tần suất thiết kế… nên khả năng chống lũ chưa đảm bảo yêu cầu.

Một thực trạng nữa là do hầu hết các hồ chứa nước được xây dựng cách đây hơn 30 năm, thi công dầm nén đất thủ công, xử lý móng nền chưa triệt để nên nhiều hồ thấm qua nền, thân và vai đập vượt mức giới hạn cho phép.

Không dừng lại ở đó, tràn xả lũ phần lớn tràn tự nhiên trên nền đất hoặc đá phong hóa nên bị xói lở. Năng lực thoát lũ chưa đảm bảo, gây ảnh hưởng đến toàn đập. Các cống lấy nước dưới đập cửa van đóng mở làm bằng ống bi bê tông đúc sẵn, đóng mở điều tiết bằng kiểu nút chai, hiện đang bị hư hỏng các khớp nối, rò rỉ qua thân cống, gây thất thoát nước và rất khó khăn trong công tác quản lý, vận hành. Điển hình như hồ Đá Bàn, xã Đức Tân, huyện Mộ Đức; hồ An Phong, xã Bình Mỹ, Bình Sơn …

Thiếu kinh phí sửa chữa

Hồ chứa nước xuống cấp, thiếu an toàn, đây không là vấn đề mới mà thực trạng này đã được đề cập đến từ nhiều năm qua, thế nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Vậy nguyên nhân tại sao?

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Ngãi thì nguyên nhân gây mất an toàn các hồ chứa nước đã rõ, đó là những hồ này được làm quá lâu, với phương pháp thi công thủ công. Trong số các hồ chứa nước “già cỗi” trên có 60 hồ chứa nước quy mô nhỏ đang bị hư hỏng, hoặc xuống cấp nặng các hạng mục đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước… Những hồ này đều có khả năng khắc phục được. Thế nhưng do thiếu kinh phí nên xuống cấp ngày càng nặng hơn.


Cũng theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, hiện các hồ chứa nước xuống cấp, hư hỏng này đang cần nguồn kinh phí rất lớn để nâng cấp, duy tu, sửa chữa, thế nhưng nguồn kinh phí được bố trí hàng năm rất hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu.

Thậm chí có nhiều dự án nâng cấp, sửa chữa đã được phê duyệt những không bố trí vốn. Trong khi đó, mưa bão, lũ lụt xảy ra liên tục, diễn biến phức tạp với tần suất xuất hiện và cường độ ngày càng cao, làm cho các hồ chứa nước bị tác động, xuống cấp nhanh chóng.

Ngoài những yếu tố khách quan, thì yếu tố chủ quan cũng là một trong những nguyên nhân gây mất an tòan cho các hồ chứa nước. Thời gian qua, công tác bảo vệ và ý thức tham gia cộng đồng đối với công trình hồ chứa nước chưa được quan tâm. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ quản lý khai thác ở các địa phương cũng chưa được quan tâm, chưa được đào tạo, nâng cao tay nghề…

Sẵn sàng đối phó với mọi tình huống

Ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho biết, việc nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa nước trong tỉnh rất cần nguồn kinh phí lớn và lâu dài. Trước mắt để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ các cấp, các ngành cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt có sự tham gia của cộng đồng dân cư.

Theo đó, cần tiến hành theo dõi, kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình, nhất là phát hiện sớm hiện tượng thấm, rò rỉ qua thân, vai đập, chuyển vị, nứt gãy của đập, cống lấy nước, sạt trượt mái đập để khẩn trương khắc phục.

 

Những hồ chứa nước có dung tích lớn đều phải được xây dựng phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn và phải túc trực 24/24 giờ tromùa mưa bão.
Những hồ chứa nước có dung tích lớn đều phải xây dựng phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn và phải túc trực 24/24 giờ trong mùa mưa bão. (Trong ảnh: Hồ chứa nước Huân Phong, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ).


Với những hồ có dung tích lớn trên 1 triệu m3 thì cần phải xây dựng phương án phòng chống lụt bão riêng cho từng công trình Trong đó hết sức chú trọng đến việc đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng hạ lưu hồ, đồng thời kiểm tra và chuẩn bị khối lượng vật tư dự phòng theo phương châm “4 tại chỗ”

Đối với những hồ có dung tích trên 10 triệu m3 như hồ Núi Ngang và hồ Liệt Sơn, phải rà soát lại quy trình vận hành, điều tiết để phù hợp với điều kiện thực tế nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và hạn chế ngập úng vùng hạ lưu khi gặp mưa lớn, mưa vượt tần suất thiết kế.

Trong trường hợp khẩn cấp, phải xả nước hồ để tránh xảy ra sự cố. Tuy nhiên, trước khi xả hồ phải thông báo cho các tổ chức, nhân dân sống ở vùng hạ lưu biết trước và có phương án di dời kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Ngoài ra, khi có mưa bão, lũ xảy ra, các đơn vị được giao nhiệm vụ phải trực 24/24 giờ tại đầu mối công trình và các điểm xung yếu nhằm kịp thời ứng phó và xử lý những tình huống khẩn cấp khi xảy ra…

 

Bài, ảnh: M.Toàn

 


.