(QNg)- Là xã miền núi nên đời sống người dân xã Long Sơn (Minh Long) còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Người dân sống chủ yếu nhờ trồng cây nguyên liệu, cây lúa, cây mì và dịch vụ buôn bán nhỏ lẻ. Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư nhiều nên trở thành rào cản trong quá trình xây dựng NTM.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Long Sơn cần nhiều nguồn lực để phát triển giao thông. |
Ông Võ Văn Cư- Chủ tịch UBND xã Long Sơn, cho biết: Mục tiêu nâng cao thu nhập, giảm hộ nghèo là một trong những nhiệm vụ then chốt trước mắt và lâu dài của chính quyền. Đó là, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi; phát triển kinh tế trang trại, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả để nhân rộng ra địa phương. Tuy nhiên, với hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ thấp nên việc áp dụng các tiến bộ trong sản xuất, chăn nuôi hiệu quả chưa cao.
Anh Đinh Văn Gút, thôn Gò Chè cho biết, gia đình anh vừa mới tách hộ, hiện có 4 nhân khẩu nhưng lao động chính chỉ có 1 người là anh nên cơ hội thoát nghèo không nhiều. Anh Gút lắc đầu bảo: “Sau những ngày mùa, tôi rất muốn tìm việc gì đó làm để có thêm thu nhập cho gia đình nhưng tìm không ra”. Đây cũng chính là cái khó của người dân Long Sơn trong quá trình đi tìm lời giải cho bài toán xoá đói, giảm nghèo. Hiện mức thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 7 triệu đồng/năm. “Việc đào tạo nghề cũng chưa phát huy hiệu quả, bởi trình độ dân trí còn thấp…Do đó, mục tiêu bình quân thu nhập đạt 16-17 triệu/ người/năm đến năm 2015 theo tiêu chí đặt ra là khó thành hiện thực”- Ông Cư lo lắng.
Theo Đề án xây dựng NTM, để đạt 19 tiêu chí vào năm 2015, Long Sơn cần hơn 150 tỷ đồng. Nguồn vốn kinh phí này là không nhỏ đối với một xã miền núi còn gần một nửa dân số là hộ nghèo.
Bài, ảnh: KN