Xây dựng nông thôn mới: Dân chủ động gỡ khó

04:06, 20/06/2013
.

(QNg)- Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang mang lại sức sống mới trong đời sống nông dân cũng như bộ mặt nông thôn của nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, để sức sống ấy lan tỏa nhanh và rộng, cần tháo dỡ nhiều “lá chắn” ở trước nó…

TIN LIÊN QUAN


* Từ kết quả ban đầu…

Xã Long Hiệp (Minh Long), là một xã miền núi bộn bề khó khăn nhưng từ khi có NTM, diện mạo nơi đây đã đổi thay đáng kể. Những con đường đất nhỏ nắng bụi, mưa bùn được thay thế bằng lớp bê tông rộng rãi, vững chắc; còn người dân thì nắm được thông tin cũng như cách sử dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi đang có tiếng trên thị trường. Nhưng có lẽ, cái được lớn nhất chính là sự đồng thuận của bà con đồng bào dân tộc khi hiến đất vô điều kiện và góp công sức làm mới hàng loạt tuyến đường.

 

Các địa phương tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn.                                                             Ảnh: MỸ HOA
Các địa phương tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn. Ảnh: MỸ HOA


Việc họ đồng lòng cắt một phần đất, chặt bỏ cây cối hay đóng góp những ngày công mà không có bất kỳ đòi hỏi nào được xem là thắng lợi bước đầu trong nhận thức về công cuộc xây dựng NTM. “Điều đó cho thấy người dân - chủ thể quyết định xây dựng NTM thành công đã quan tâm và nắm bắt được ý nghĩa, lợi ích mà NTM mang lại cho mình”, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Long Hiệp chia sẻ.

Còn tại xã Đức Tân (Mộ Đức), một trong bốn xã điểm của tỉnh cũng gặt hái nhiều “quả ngọt” nhờ NTM. Hiện giờ, người dân nơi đây không chỉ hài lòng vì đường làng ngõ xóm sạch sẽ, khang trang; thu nhập được cải thiện khi vùng sản xuất chuyên canh đang nên hình nên dáng mà trên hết, NTM đã khơi gợi và thắt chặt tinh thần đoàn kết trong từng KDC. Điều này thể hiện rất rõ trong phong trào “Thắp sáng đường quê”.Chỉ trong thời gian ngắn, khắp các con đường từ làng trên xóm dưới đã sáng lên, tạo thuận lợi cho nhân dân sinh hoạt và đi lại vào ban đêm.

*…đến tháo dỡ rào cản

Tuy đạt được những kết quả nổi bật nhưng thực tế, các địa phương chỉ tập trung vào việc xây dựng hạ tầng cơ sở mà chưa có biện pháp tháo gỡ những “nút thắt” về văn hóa - xã hội, giáo dục và môi trường. Thậm chí nhiều xã cho rằng, chỉ cần có nhiều công trình hoành tráng, giao thông đi lại thuận lợi, tỷ lệ hộ nghèo thấp là cơ bản đạt chuẩn NTM. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Bởi, một khi môi trường ô nhiễm thì liệu kinh tế có phát triển bền vững? Hoặc vì để hoàn thành bộ tiêu chí NTM mà các địa phương đổ tiền xây cái này, dựng cái nọ mà không quan tâm nó có phát huy hiệu quả hay không! Rồi thì cũng vì tiêu chí, các trường học cũng vào cuộc đua đạt chuẩn quốc gia mà bỏ quên chất lượng.

 

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã cứng hóa, nhựa hóa 315 km đường huyện, 907 km đường xã và 196 km đường thôn, xóm; đầu tư, nâng cấp 44 chợ nông thôn; xây mới, sửa chữa 6 trung tâm y tế và bệnh viện tuyến huyện cùng 18 trạm y tế xã; 238/657 trường học đạt chuẩn quốc gia; 78,34% người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,64%...

Mặt khác, một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả bền vững của NTM là chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân thì hầu như các địa phương đều…bí giải pháp!. Đơn cử như Ba Chùa (Ba Tơ) - xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, nhưng hiện giờ cuộc sống của bà con nơi đây cũng chỉ tạm đủ ăn, thậm chí thiếu đói khi mà cây keo, cây mì không đủ sức đẩy lùi cái nghèo; còn lúa nước, chăn nuôi thì trầy trật vì bị thiên tai dịch bệnh. Thế nên dù lộ trình NTM sẽ cán đích vào năm 2015 nhưng hiện nay, địa phương này mới đạt 4 tiêu chí, số còn lại phải đợi…vốn trợ giúp!.

Một vấn đề nữa là, hiện nay, hầu như 33 xã điểm NTM đều chưa xử lý được vấn đề rác thải sinh hoạt (RTSH). Nhiều địa phương cũng tổ chức thu gom RTSH tập trung. Song, vì xử lý thủ công nên không giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường. Thậm chí có nơi RTSH sau khi được thu gom bị đốt nham nhở, nước thải chảy tràn lan và “lấn” vào cả nghĩa trang liệt sĩ khiến dư luận bức xúc.

Mới đây, trong buổi làm việc với các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa về tình hình xây dựng NTM, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cho rằng, tiến độ xây dựng NTM ở các địa phương này quá chậm. Lý do một phần vì thiếu vốn nhưng đó không hẳn là lý do chính. Bởi lẽ, xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, mà yếu tố quyết định chính là nhân dân. “Đây chính là động lực để các địa phương tự gỡ khó cho mình bằng cách “khoan sức dân”. Mà muốn “khoan” được, chính quyền cơ sở phải năng động, xây dựng phương án và giải pháp thực hiện rõ ràng, cụ thể để tạo niềm tin, khơi gợi tình yêu quê hương, lòng tự tôn của mỗi người dân; đồng thời tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước”, Phó Chủ tịch Phạm Trường Thọ nhấn mạnh.  

Mỹ HOA
 


.