(QNĐT)- Không chỉ thiếu nước vì hạn hán, nhiều diện tích lúa ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đang bị chuột cắn phá và sâu bệnh hoành hành, đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ khiến bà con nông dân lo lắng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vụ hè thu này, gia đình ông Lê Quốc Tín ở thôn Tự Do, xã Tịnh Ấn Đông (Sơn Tịnh) gieo sạ 5 sào lúa với các loại giống có thời gian sinh trưởng trung và ngắn ngày như: ĐV108, HT1. Hiện lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh và chuẩn bị bước vào giai đoạn làm đòng thì đối mặt với nạn chuột hoành hành.
Chỉ tay về thửa ruộng dày đặc đủ các loại cờ, bù nhìn, áo mưa nhằm răn đe lũ chuột, ông Tín phàn nàn: “Không biết từ đâu mà chúng xuất hiện ngày càng đông. Chúng tôi đã tìm đủ mọi cách nhưng bà con nông dân không sao diệt nổi chúng”.
Cũng như ông Tín, nạn chuột đang hoành hành trên khắp cánh đồng hơn 10 ha của thôn Tự Do khiến bà con phải đau đầu.
Chân thấp chân cao trên thửa ruộng bị chuột phá xơ xác, anh Nguyễn Tấn Tư ở thôn La Châu, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) thở dài: “Vụ trước chúng đã cắn phá nát vụ này lại tiếp diễn. Giờ đã thế này rồi thì đến kỳ lúa làm đòng, chúng còn phá dữ dội. Nếu không tiêu diệt khẩn trương thì chúng sẽ phá nát hết lúa”.
Nhiều thửa ruộng bị chuột cắn phá. |
Khắp các cánh đồng trong tỉnh, hiện chuột đang phát sinh, phát triển và cắn phá phổ biến. Không chỉ ở những thửa ruộng không giữ được nước thường xuyên mà ở những chân ruộng đầy đủ nước vẫn bị chuột phá hại nặng nề. Nhiều gia đình đã tổ chức đào hang, đặt bẫy, cắm cờ, đánh bã, nhưng cũng không mấy hiệu quả, đuổi thửa ruộng này chúng lại kéo sang thửa ruộng bên cạnh.
Theo thống kê của Chi cục BVTV tỉnh, hiện chuột gây hại trên diện tích gần 450 ha. Vùng ruộng đang bị “giặc” chuột tàn phá nhiều nhất là những thửa ruộng ít tích trữ nước, nằm ở sát kênh mương, khu vực dân cư, gần nghĩa trang. Đây là nơi lưu trú lí tưởng cho đối tượng gây hại nguy hiểm này.
Những năm qua không có lụt lớn, thời tiết nắng nóng kéo dài, ruộng đồng khô hạn là điều kiện thuận lợi để chuột sinh sôi nẩy nở. Diện tích lúa bị thiệt hại do chuột gây ra liên tục tăng, nhất là giai đoạn lúa trổ, chín.
Cùng với nạn chuột, tại một số cánh đồng ở các xã của huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn, Ba Tơ và Minh Long cũng đang xơ xác, bạc trắng do sâu cuốn lá nhỏ.
Huyện Bình Sơn hiện có gần 400 ha lúa, trong đó các xã Bình Nguyên, Bình Thới, Bình Phước bị ảnh hưởng nặng bởi loại sâu bệnh này. Bệnh phát triển khá mạnh trên nhiều trà lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh- đứng cái với mật số phổ biến từ 10-30 con/m2; cá biệt lên đến 60-70 con/m2.
Bà con cần chủ động, thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện phòng trừ sâu bệnh, hạn chế thiệt hại về năng suất, tránh lây lan ra diện rộng. |
Đây là loại sâu bệnh gây hại nặng trên diện rộng vào giai đoạn lúa đẻ nhánh đến ngậm sữa và giai đoạn đòng đến trổ. Sâu sẽ kí sinh trên lá và ăn mô lá, làm giảm khả năng quang hợp và làm cho cây lúa sinh trưởng kém, hạt bị lép sẽ ảnh hưởng đến năng suất.
Trước tình hình trên, Chi cục BVTV đề nghị các địa phương tiếp tục vận động bà con nông dân đồng loạt ra quân diệt chuột bằng nhiều biện pháp, trong đó chú ý biện pháp dùng bã sinh học, biện pháp thủ công, hạn chế đến mức thấp nhất chuột tích lũy nguồn gây hại làm ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây lúa và năng suất lúa ở giai đoạn cuối vụ.
Bà con cần tích cực kiểm tra, giám sát đồng ruộng, theo dõi sát diễn biến phát sinh, phát triển của sâu cuốn lá. Trong giai đoạn này chỉ nên phun thuốc khi mật độ sâu non xuất hiện cao từ 20 con/m2 và dùng một trong các loại thuốc như: Ammate 150SC, Proclaim 1,9EC, Prevathon 5EC…
Trong trường hợp sâu gây hại ở mật độ thấp, sự thiệt hại không đáng kể nếu phun thuốc thường xuyên có thể sẽ làm sâu dễ kháng thuốc hoặc dẫn đến mất cân bằng sinh thái đồng ruộng làm cho rầy nâu dễ bộc phát. Bởi vì trong điều kiện nắng nóng có xen kẽ mưa rào, dông như hiện nay là điều kiện thuận lợi để rầy nâu, rầu lưng trắng phát sinh, tăng nhanh mật độ trên diện rộng và gây hại trên lúa.
Bà con cũng cần thường xuyên kiểm tra, nếu mật độ rầy từ 2-3 con/dảnh lúa trở nên thì dùng thuốc Oncol 20ND hoặc Imitox 700WG, hoặc Vicondor 50EC… phun trừ, đồng thời kết hợp bón phân kịp thời để lúa nhanh phục hồi.
Ngoài ra, tùy từng đối tượng sâu bệnh hại đặc thù, nếu mật độ sâu, tỷ lệ hại cao, bà con dùng thuốc đặc trị phun trừ để hạn chế thiệt hại về năng suất, tránh lây lan ra diện rộng.
Bài, ảnh: Ái Kiều