Mừng và lo trong vụ lúa mới

09:05, 12/05/2013
.

(QNg)- Theo kế hoạch, vụ sản xuất hè thu năm 2013, toàn tỉnh gieo sạ 33.174 ha lúa. Các giống lúa chủ lực được cơ cấu trong vụ này có thời gian sinh trưởng trung, ngắn ngày nhằm đảm bảo nguồn nước tưới như ĐV108, Khang dân đột biến, ĐH815-6, ĐT34, OM6976, TH6, HT1, ML201…  

TIN LIÊN QUAN


Ráo riết  “tẩy trang” đồng ruộng

Dù đến ngày 15/5 mới chính thức xuống giống vụ mới nhưng cả tuần qua, ngày nào ông Huỳnh Ngọc Luyn ở thôn 2, xã Đức Nhuận (Mộ Đức) cũng ở ngoài đồng để phát dọn bờ, đốt gốc rạ, tìm phá hang chuột hay nạo vét đoạn mương nhỏ chạy ngang ruộng. Cạnh bên, lão nông Nguyễn Dụng cũng đang “tẩy trang” thật kỹ 3 sào ruộng của mình. Lý giải cho sự chăm sóc đặc biệt này, ông Dụng chỉ nói gọn: “Để lúa vụ mới không phát triển theo kiểu… nhiều tầng”. Hóa ra, vừa rồi ông bội thu với SH2 nhưng rất tiếc là loại giống này không phù hợp với điều kiện sản xuất vụ hè thu. Hơn nữa, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp là vụ này, cần thiết phải sử dụng giống ngắn ngày nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất nên ông Dụng đành “gác” lại SH2, tính chuyển sang ĐV108.

 

Nhiều công trình đập dâng trong tỉnh không đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất vụ hè thu năm nay. (Ảnh:  Đập Nước Lác - Sơn Hà).                                                                                                                                       Ảnh: T.L
Nhiều công trình đập dâng trong tỉnh không đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất vụ hè thu năm nay. (Ảnh: Đập Nước Lác - Sơn Hà). Ảnh: T.L


Tại cánh đồng Vạn Xuân 2, xã Hành Thiện, một trong những khu vực được huyện Nghĩa Hành chọn triển khai thí điểm cánh đồng mẫu lớn cũng đang chứng kiến sự khẩn trương, hối hả của nông dân khi bước vào vụ lúa mới. Từ việc ra quân diệt chuột, nạo vét kênh mương đến tu sửa các trạm bơm để sẵn sàng phục vụ nước tưới. Có được khí thế này, ngoài sự “ra mắt” của cánh đồng mẫu lớn còn bởi hiện giờ, dòng sông Vệ vẫn đầy ắp nước. “Điều này giúp chúng tôi vơi đi nỗi lo thiếu nước lúc gieo sạ”, bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Vạn Xuân 2 cho hay.

Cùng với xã Đức Nhuận, Hành Thiện, nông dân trong tỉnh đang rốt ráo thực hiện phương châm “nước đến đâu, làm đất gieo sạ đến đó”. Vì vậy, ngay khi các hồ chứa nước (HCN), đập dâng và kênh chính Nam - Bắc Thạch Nham được mở nước, nông dân khẩn trương vệ sinh đồng ruộng để máy băm làm đất, kịp gieo sạ.
   
Giống, phân bón: Dồi dào nguồn cung


Đến thời điểm này, Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh đã tiến hành nhập kho, chế biến và đóng gói 1.000 tấn lúa giống, trong đó 2/3 là các loại giống chủ lực. Hiện tại, hơn 50% lượng giống đã được Trung tâm cung ứng ra thị trường thông qua 100 điểm bán lẻ của mình. Đặc biệt, ngoài các loại giống trung, ngắn ngày nằm trong cơ cấu của Sở NN&PTNT, đơn vị này còn dự phòng một số loại giống cực ngắn ngày như ML202, OM4568, ĐV… để phục vụ cho các vùng bị hạn chế nước tưới.

Theo nhận định của Phòng NN&PTNT các địa phương thì nguồn giống vụ hè thu này khá dồi dào. Vì ngoài sự cung ứng của các doanh nghiệp, một lượng giống còn được trao đổi trong dân, nên sẽ không xảy ra tình trạng thiếu giống.

Cùng với giống, các loại phân bón, vật tư nông nghiệp cũng đã sẵn sàng ra đồng cùng nông dân. Ông Trần Đức Dũng - Giám đốc Công ty CP Hữu cơ Humic Quảng Ngãi cho biết: Hè thu này, DN đã chuẩn bị 3.000 tấn phân các loại để phục vụ nhu cầu sản xuất cho nông dân với các sản phẩm chủ yếu là NPK cao cấp, phân vi sinh, hữu cơ khoáng… Còn Công ty Phân bón Bình Điền Quảng Trị cũng góp mặt với các loại phân Đầu Trâu chuyên dùng, NPK Đầu Trâu với giá bán được cho là vẫn ổn định.

Còn đó những nỗi lo

Dù các DN cam kết không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hay đại lý tự ý nâng giá bán quá cao nhưng điều này vẫn không giúp nông dân bớt lo. Bởi, theo lão nông Đỗ Văn Try ở xã Đức Hiệp (Mộ Đức) thì, do trải qua quá nhiều khâu trung gian nên khi đến tay người dân, hầu như các sản phẩm đều bị “đội” lên vài giá. “Đã thế, chúng tôi còn phải đối mặt với tình trạng phân bón chất lượng thấp, giá cao nên dễ bị thiệt hại kép”, ông Try cho hay. Tình trạng này không phải hiếm, nhất là với những hộ mua lẻ. Khi phát hiện mình bị lừa, nông dân cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn” vì không có chứng cứ!

 

 Nông dân ra quân nạo vét kênh mương chuẩn bị gieo sạ.
Nông dân ra quân nạo vét kênh mương chuẩn bị gieo sạ.


Theo ông Trần Đức Dũng, Giám đốc Công ty CP Hữu cơ Humic Quảng Ngãi thì, phân bón “nhái” rất khó phát hiện, đặc biệt là loại phân hỗn hợp vì thoạt nhìn, màu sắc na ná nhau. Hơn nữa, giá hàng “dỏm” thường thấp hơn sản phẩm thật từ 40 - 60% nên vì lợi nhuận, một số cơ sở bán lẻ vẫn lừa bán cho nông dân, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi.

Một vấn đề khiến nông dân “mất ăn mất ngủ” nữa là tình hình khan hiếm nguồn nước tưới. Bởi, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi (Công ty) thì vụ hè thu này, đơn vị dự kiến tưới cho hơn 21 nghìn ha diện tích cây trồng các loại.

Tuy nhiên hiện nay, mực nước tại các HCN, đập dâng chỉ đạt 40% dung tích thiết kế. Đã thế, công trình đầu mối Thạch Nham, HCN, đập dâng do Công ty quản lý có khả năng hạn nặng từ tháng 5 - 7/2013 nên việc cung cấp nước đang gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí một số diện tích mà Công ty hợp đồng tưới trong vụ hè thu có khả năng bị cắt giảm do nguồn nước không đảm bảo (dự kiến 5 - 10 nghìn ha sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngay từ đầu vụ). Điều này đồng nghĩa với việc nông dân sẽ phải “gồng mình" gánh thêm chi phí “tìm nước” bằng cách đào giếng, rồi mua sắm dây dẫn, mô tơ để bơm nước từ giếng hay các sông, suối.     
         

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.