(QNg)- Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng Nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn ở nhiều địa phương của huyện Tư Nghĩa đã có những đổi thay. Tuy nhiên, để các xã đạt được 19 tiêu chí công nhận NTM theo đúng lộ trình thì thách thức đặt ra cho toàn huyện là không nhỏ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Khởi sắc ở các xã điểm
Nghĩa Thương- một trong 5 xã điểm xây dựng NTM của huyện Tư Nghĩa. Con đường dẫn vào xã hôm nay đẹp hơn, khang trang hơn. Hệ thống điện- đường-trường- trạm được xây dựng kiên cố, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn ở đây. Đến nay, Nghĩa Thương đạt 9/19 tiêu chí, như: Điện, trường học, nhà ở, thu nhập, hoạt động của HTX…Ông Tô Văn Hùng- Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, người dân trong xã cũng đã phát huy nội lực, chung tay góp sức xây dựng NTM.
Mô hình chăn nuôi của anh Võ Văn Tuấn ở thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hoà. |
Đến nay xã đã bê tông được 17 tuyến đường nông thôn với tổng kinh phí 7,6 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 2 tỷ đồng. Không chỉ tham gia đóng góp, hiến đất làm đường, người dân thôn Điện An 3 còn góp hơn 120 triệu đồng để xây dựng Nhà sinh hoạt văn hoá thôn; người dân thôn Điện An 2 tự nguyện góp hơn 70 triệu đồng để xây dựng cổng văn hoá thôn. Tổng số tiền nhân dân trong xã đóng góp xây dựng NTM hơn 3,8 tỷ đồng.
Còn ở xã Nghĩa Hoà, công cuộc xây dựng NTM ở địa phương được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng bằng những việc làm tích cực. Xã được hỗ trợ thực hiện 24 mô hình lúa thuần chất lượng 3 giảm, 3 tăng; 8 mô hình nuôi bò lai sind sinh sản, góp phần nâng cao đời sống kinh tế, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương. Để phát huy tính dân chủ trong nhân dân, xã đã tổ chức nhiều cuộc họp để người dân tham gia đóng góp ý kiến, cùng nhau bàn bạc, việc nào nên làm và không nên làm; việc nào cần làm trước, việc nào làm sau... Người dân trong xã đã tự nguyện hiến đất, đóng góp hàng trăm công lao động, phá dỡ tường rào cổng ngõ để mở đường. Tổng số tiền huy động trong dân và đóng góp của các tổ chức, cá nhân trị giá hơn 3,5 tỷ đồng.
Thách thức
Trong 2 năm qua, tổng nguồn vốn được huy động thực hiện xây dựng NTM ở huyện Tư Nghĩa trên 178 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương, tỉnh hơn 93 tỷ đồng, vốn từ ngân sách huyện hơn 21 tỷ đồng, còn lại là nhân dân và các tổ chức, cá nhân đóng góp. Đến nay, toàn huyện có 13 xã đạt từ 5-10 tiêu chí, 2 xã đạt 5 tiêu chí. Riêng xã Nghĩa Hoà đạt 10 tiêu chí
Theo kế hoạch, giai đoạn 2011 - 2015, Tư Nghĩa chọn 5 xã là Nghĩa Lâm, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Phương, Nghĩa Hòa và Nghĩa Thương thực hiện chương trình NTM. Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2013 có 1 xã được công nhận NTM; năm 2014 có 4 xã được công nhận NTM. Song, thực tế sau 2 năm triển khai đã đặt ra nhiều thách thức trong quá trình thực hiện mục tiêu trên, như vấn đề an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân…Nói về một trong những cái khó trong xây dựng NTM hiện nay, ông Trần Văn An- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp khẳng định: “Vấn đề chuyển dịch cơ cấu lao động đang là một thách thức lớn. Nghĩa Hiệp là xã thuần nông, hướng phát triển kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, tỷ lệ lao động nông thôn chiếm tới trên 80%. Trong khi đó, theo quy định mức đạt chuẩn của NTM về nông nghiệp là dưới 35%”.
Ông Phạm Cao Trận- Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết thêm: Khó khăn hiện nay là đa số các xã đều có điểm xuất phát thấp, cơ cấu nông-lâm nghiệp chiếm tỷ trọng cao; trình độ dân trí còn hạn chế, nên việc huy động sức dân rất khó. Kết cấu hạ tầng nông thôn còn nhiều bất cập, chưa được đầu tư đồng bộ nên khó thu hút vốn đầu tư và chuyển đổi ngành nghề dịch vụ mới. Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước còn thấp, ngân sách địa phương hạn hẹp nên nếu không làm tốt khâu tuyên truyền và huy động sức dân thì khó có thể hoàn thành chỉ tiêu đề ra".
Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu trước mắt, huyện Tư Nghĩa đang tập trung chia nhỏ các tiêu chí để huy động được nhiều nguồn lực. Ưu tiên thực hiện các tiêu chí dễ trước, đồng thời huy đông sự vào cuộc, chung tay của cộng đồng tham gia xây dựng NTM.
Bài, ảnh: KN