Phát triển đô thị theo Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy: Khởi đầu chậm

09:04, 24/04/2013
.

(QNg)- Là một trong ba khâu đột phá của tỉnh Quảng Ngãi trong nhiệm kỳ 2011-2015, phát triển đô thị được triển khai thực hiện nhằm đáp ứng cho yêu cầu phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, khâu đột phá này khởi động khá chậm.
 

TIN LIÊN QUAN


Quy hoạch, đầu tư các đô thị trọng điểm

Qua hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 02, công tác quy hoạch (QH), điều chỉnh, bổ sung QH đô thị được các ngành, địa phương chú trọng thực hiện. Đến nay, QH tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 và QH chung xây dựng Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất đã được Chính phủ phê duyệt, 14/14 đô thị, trung tâm huyện lỵ đã được lập, phê duyệt QH phân khu trung tâm tỷ lệ 1/2000… Đây là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nói chung, phát triển đô thị nói riêng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

 

Thành phố Quảng Ngãi hôm nay.                   Ảnh: Tấn Phát
Thành phố Quảng Ngãi hôm nay. Ảnh: Tấn Phát


Là "trọng điểm" trong phát triển đô thị theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, trong 2 năm qua thành phố (TP) Quảng Ngãi vừa chỉnh trang, vừa phát triển những công trình mới. Để xứng tầm là đô thị cấp vùng và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội của tỉnh, trong năm 2012, TP đã phối hợp với Sở Nội vụ (cơ quan chủ trì) xây dựng đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng không gian thành phố (diện tích trên 16 nghìn ha, gấp 5 lần so với hiện tại) về phía đông và phía bắc, kết nối với KKT Dung Quất, tạo động lực mới phát triển đô thị theo hướng hiện đại (đang được Bộ Nội vụ thẩm định để trình Chính phủ). Ông Nguyễn Tăng Bính-Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi cho biết, xác định nhiệm vụ trọng tâm của TP là đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nên công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị được chú trọng. Trong 2 năm (2011 – 2012), có trên 35 dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị được triển khai thực hiện với tổng kinh phí khoảng 2.486 tỷ đồng. Đến nay, thành phố Quảng Ngãi có 32/49 tiêu chí đạt chuẩn đô thị loại II.

Được QH là đô thị trung tâm cấp vùng, KKT Dung Quất sẽ xây dựng trở thành TP trực thuộc tỉnh, là điểm nhấn cho phía Bắc tỉnh. Đến nay, đô thị Vạn Tường, “trái tim” của Dung Quất đã hoàn thành việc lập, phê duyệt QH chung, với diện tích lên đến 3.828 ha, đồng thời thực hiện QH chi tiết phân khu chức năng tỷ lệ 1/2000.    

Ở cực Nam của tỉnh, thị trấn Đức Phổ là đô thị có nhiều chuyển biến tích cực trong đầu tư, chỉnh trang đô thị. Trong 2 năm có 20 dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị được triển khai thực hiện với tổng kinh phí trên 623 tỷ đồng. Đến nay, thị trấn Đức Phổ có 32/49 tiêu chí đạt chuẩn đô thị loại IV. Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Lê Văn Mùi cho hay, huyện đã tập trung huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, đồng thời đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, thương mại và dịch vụ nhằm đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phấn đấu đưa Đức Phổ đạt các tiêu chí của đô thị loại IV và được công nhận là thị xã trực thuộc tỉnh vào năm 2015.

Trong khi đó, đô thị trung tâm phía Tây Quảng Ngãi, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) cũng được triển khai 10 dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, với tổng kinh phí gần 124 tỷ đồng (vốn ngân sách), đưa thị trấn Di Lăng có 30/49 tiêu chí đạt chuẩn đô thị loại V.

Với nguồn vốn ngân sách đầu tư hạn hẹp, một số địa phương, nhất là TP. Quảng Ngãi, huyện Đức Phổ đã đẩy mạnh huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, vốn vay, khai thác quỹ đất… để xây dựng và phát triển đô thị. Bên cạnh đó, một số dự án, công trình trọng điểm của địa phương đã được lồng ghép đưa vào các chương trình mục tiêu, dự án chuyên ngành của các bộ ngành, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ Trung ương để xây dựng và phát triển đô thị. Chính vì thế, mặc dù chịu ảnh hưởng bất lợi của suy thoái kinh tế, nhưng các đô thị của tỉnh vẫn duy trì được mức tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng giá trị sản xuất khu vực đô thị bình quân hằng năm đạt 5,65%. Trong đó, TP.Quảng Ngãi đạt 18,55%, KKT Dung Quất đạt 4,35%. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đến cuối năm 2012 đạt 14,74%.

Vẫn còn ngổn ngang…

Ngoài những điểm nhấn vừa nêu, kết quả phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt thấp so với Nghị quyết đề ra. Tiến độ triển khai lập, phê duyệt một số đồ án còn chậm, một số đồ án QH chất lượng chưa cao, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị của một tỉnh thuần nông mới phát triển công nghiệp, dẫn đến tính khả thi không cao.

 

Khu đô thị Vạn Tường được quy hoạch rất hiện đại, nhưng vẫn chỉ là mô hình.
Khu đô thị Vạn Tường được quy hoạch rất hiện đại, nhưng vẫn chỉ là mô hình.


Việc huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển đô thị còn hạn chế; chưa triển khai thực hiện việc phát hành các loại trái phiếu đô thị, trái phiếu nhà ở để huy động vốn phát triển đô thị. Trong khi đó, phân bổ các nguồn lực cho phát triển đô thị chưa tương xứng với nhiệm vụ đột phá. Trong 2 năm, vốn ngân sách chỉ bố trí được trên 1.300 tỷ đồng cho 95 dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị nhưng chủ yếu tập trung tại TP Quảng Ngãi và đô thị Đức Phổ. Do đó, hạ tầng đô thị, đầu tư chưa đồng bộ. Đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị Vạn Tường (chỉ được bố trí vốn ngân sách khoảng 2,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, nguồn vốn ngoài ngân sách gần như không có) không có gì thay đổi so với trước khi có Nghị quyết 02. Đô thị Vạn Tường đã lập, phân loại đô thị nhưng chưa có phương án triển khai thực hiện để phát triển đô thị. Các đô thị mới như Sa Huỳnh, Phổ Phong, Phổ Văn chưa có sự chuyển biến, phát triển so với trước.

Một hạn chế nữa là, một số địa phương chưa xác định được các “dự án chiến lược” của đô thị nên đầu tư chưa trọng tâm; tiến độ triển khai nhiều dự án hạ tầng đô thị còn chậm, thiếu bền vững chủ yếu tập trung vào hạ tầng kỹ thuật, ít quan tâm đến hạ tầng xã hội. Công tác quản lý, bảo vệ cảnh quan môi trường và xây dựng nếp sống văn minh còn một số hạn chế; quản lý Nhà nước về đô thị còn bất cập, quy chế quản lý kiến trúc QH đô thị chưa được ban hành. Ngoài ra, công tác quản lý đầu tư xây dựng cắm mốc, quản lý cao trình xây dựng theo QH chưa được chú trọng đúng mức, nhiều nơi còn buông lỏng; việc xử lý các trường hợp xây dựng không phép, trái phép chưa nghiêm. Nhiều cơ chế, chính sách phát triển đô thị chưa được ban hành…

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, do kinh tế thế giới trong những năm qua chưa thoát ra khỏi suy thoái đã tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, các tỉnh nói chung, đô thị nói riêng. Thị trường bất động sản đóng băng, nhiều dự án đầu tư kinh doanh bất động sản phải tạm dừng hoặc giãn tiến độ, thu hút đầu tư gặp rất nhiều khó khăn… Bên cạnh đó, chính sách ưu tiên kiềm chế lạm phát, thắt chặt đầu tư công, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ dẫn đến vốn đầu tư từ ngân sách cho đầu tư phát triển cũng rất hạn chế… đã ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh. Đồng thời không ít địa phương có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào cấp trên dẫn đến thiếu quyết tâm, không phát huy triệt để tiềm năng, lợi thế của địa phương để thực hiện nhiệm vụ phát triển đô thị.
 

Điều chỉnh một số chỉ tiêu


Tốc độ tăng giá trị sản xuất khu vực đô thị hằng năm đạt 10-12% (chỉ tiêu Nghị quyết 15-17%). Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đến cuối năm đạt 17,5% (chỉ tiêu Nghị quyết 20%). Ngoài việc giữ nguyên mục tiêu xây dựng TP Quảng Ngãi đạt tiêu chuẩn đô thị loại II, đô thị Đức Phổ đạt đô thị loại IV vào năm 2015 thì nhiệm vụ xây dựng KKT Dung Quất trở thành TP trực thuộc tỉnh được điều chỉnh sang giai đoạn sau năm 2015, tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2015 đạt 16,5% (chỉ tiêu Nghị quyết là 40-43%)…

Cần tăng tốc về đích

Để đạt các chỉ tiêu đã đề ra, nhiệm vụ phát triển đô thị từ nay đến năm 2015 còn rất nặng nề. Do đó, cần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập, phê duyệt các đồ án QH, kịp thời rà soát các đồ án QH đã phê duyệt để bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Có cơ chế thích hợp cho nhân dân tham gia vào quá trình lập các đồ án QH chi tiết cải tạo, chỉnh trang đô thị. Khẩn trương xây dựng và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc QH cho tất cả các đô thị làm cơ sở để triển khai thực hiện.

Bên đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư, xây dựng trong đô thị theo hướng công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút đầu tư phát triển đô thị. Đẩy mạnh việc phân cấp cho chính quyền địa phương về công tác quản lý phát triển đô thị. Bố trí ngân sách phát triển đô thị tương xứng với nhiệm vụ đột phá để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, ưu tiên các “dự án chiến lược” để làm động lực phát triển đô thị; qua đó thu hút các nguồn lực khác tham gia đầu tư phát triển đô thị. Nhất là sớm xây dựng các cơ chế, chính sách đã đề ra trong Nghị quyết 02 như: Cơ chế để nhà đầu tư bố trí một tỷ lệ hợp lý đất trong khu đô thị, khu dân cư để phục vụ tái định cư, cơ chế bố trí vốn đáp ứng yêu cầu bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch sau khi QH chi tiết được phê duyệt; thu hút nhà đầu tư để đầu tư phát triển đô thị.


Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU


 


.