Quảng Ngãi với mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp

08:03, 30/03/2013
.

(QNĐT)- Phát triển công nghiệp được xác định là một trong ba khâu đột phá của tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015, với định hướng phấn đấu đến năm 2020, Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Chính vì vậy, trong những năm qua, Quảng Ngãi đã “trải thảm” kêu gọi các dự án đầu tư vào Quảng Ngãi và bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

TIN LIÊN QUAN


Theo Quyết định của UBND tỉnh về phát triển công nghiệp của Quảng Ngãi đến năm 2020 thì mục tiêu đề ra là tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 14%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 là 12,5%/năm. Trong đó, tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng là 16,5%/năm. Tỷ trọng giá trị công nghiệp trong GDP toàn tỉnh đến năm 2015 là 58,1% và đến năm 2020 ở mức 60,1%.

Hiệu quả trong thu hút đầu tư

Nếu nói về phát triển công nghiệp thì Quảng Ngãi có lợi thế khá lớn với Khu kinh tế Dung Quất cùng với 3 khu công nghiệp tập trung là Tịnh Phong, Quảng Phú và Phổ Phong, đó là chưa kể 16 cụm công nghiệp làng nghề. Trong đó, Khu kinh tế Dung Quất đã được Chính phủ cho phép mở rộng từ 10.300ha lên 45.332ha và được quy hoạch trở thành một khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực.


Khu kinh tế Dung Quất đang được Quy hoạch xây dựng để trở thành một thành phố công nghiệp mở, trung tâm lọc hóa dầu quốc gia, trung tâm đô thị, công nghiệp và dịch vụ cảng biển của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, là đầu mối về giao thông vận tải, trao đổi hàng hóa và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Năm 2012, Quảng Ngãi đã có những khởi sắc trong thu hút đầu tư các dự án công nghiệp, trong đó phải kể đến Dự án Khu Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị VSIP Quảng Ngãi của Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam – Singapore (VSIP) – Tổng vốn đầu tư 337,82 triệu USD và thoả thuận đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Dung Quất với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD của Tập đoàn Sembcorp (Singapore). Chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy Bột giấy (công suất khoảng 200 nghìn tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD) của Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) và Tập đoàn JK (Ấn Độ).

Cũng trong năm 2012, Quảng Ngãi cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 20 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng  4.916 tỷ đồng (trong đó, cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 135 triệu USD, vươn lên đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng của 13 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

 

Doosan vina biểu tượng
Doosan vina là Công ty công nghiệp nặng 100% vốn nước ngoài đang làm ăn hiệu quả tại KKT Dung Quất..


Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 22 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 3,9 tỷ USD. Trong năm 2012, doanh thu của các dự án FDI đạt 179,07 triệu USD (gấp 2,4 lần so với năm 2011), giải quyết việc làm cho 5.852 lao động (gấp 2,4 lần năm 2011).

Hiện nay, các ngành công nghiệp lọc hoá dầu và sau hoá dầu, cơ khí chế tạo, luyện kim, công nghiệp phục vụ kinh tế biển đã trở thành một trong những thế mạnh của Quảng Ngãi. Những ngành công nghiệp này không những tạo ra giá trị kinh tế lớn, tăng nguồn thu cho ngân sách mà giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động tại địa phương, trong đó phải kể đến Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy nhựa PP, Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-ethanol Dung Quất; Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Công ty Công nghiệp nặng Doosan vina…

Phát huy tối đa lợi thế sẵn có

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay thì công tác phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên với những chuyển biến tích cực trong việc thu hút các dự án công nghiệp vào đầu tư trong thời gian qua, nhất là năm 2012 thì Quảng Ngãi đang có những lợi thế đáng kể để ngành công nghiệp phát triển.

Tại hội nghị kêu gọi, xúc tiến đầu tư vừa tổ chức mới đây tại Quảng Ngãi và Đà Nẵng, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa khẳng định với các nhà đầu tư, Quảng Ngãi đã và đang tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Ưu tiên đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, sẽ tăng cường công tác quản lý, theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện dự án, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, đặc biệt trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.

Quảng Ngãi cũng sẽ thúc đẩy và hỗ trợ triển khai nhanh các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp để tăng cường thu hút các dự án công nghiệp sạch, công nghiệp nhẹ… Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, để tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư.

 

Công nghiệp lọc hóa dầu là một trong những
Công nghiệp lọc hóa dầu là một trong những thế mạnh và "động lực"  thu hút các dự án đầu tư vào Quảng Ngãi. (Trong ảnh: Tàu nhập dầu thô từ Cảng xuất sản phẩm Nhà máy lọc dầu Dung Quất)


Với những lợi thế của mình, đặc biệt là lợi thế về KKT Dung Quất, trong những năm đến Quảng Ngãi sẽ tiếp tục xúc tiến đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực theo quy hoạch được phê duyệt mà KKT Dung Quất có lợi thế cạnh tranh, như hoá dầu, cơ khí, công nghiệp nặng, các ngành công nghiệp nhẹ… Tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp lọc hoá dầu và sau hoá dầu, cơ khí chế tạo, luyện kim, công nghiệp phục vụ kinh tế biển... cùng với công nghiệp hạ tầng như cung cấp điện, nước, gas, dịch vụ xây dựng và một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm, đồ uống, may mặc, dày da... Xây dựng và phát triển một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có sức cạnh tranh và có khả năng phát triển ổn định trong thị trường khu vực.

Quảng Ngãi sẽ tập trung mở rộng phát triển Khu kinh tế Dung Quất tạo vùng động lực phát triển công nghiệp với các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp quy mô lớn, hình thành các vùng kinh tế công nghiệp khác để tạo dựng mối liên kết giữa vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến. Tập trung ưu tiên đầu tư vào nơi có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, nguồn nguyên liệu và dịch vụ.

Ngoài ra, các khu công nghiệp sẽ vẫn là địa bàn thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, phụ trợ, Quảng Ngãi sẽ tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch, tạo điều kiện phát triển tiểu thủ công nghiệp làng nghề, thúc đẩy phát triển các khu vực khó khăn.

Hiện nay, Quảng Ngãi đang tập trung thu hút những dự án công nghiệp có trọng điểm, đặc biệt là những dự án có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó tập trung vào những quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Đây là những quốc gia có thế mạnh về ngành công nghiệp nặng, công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp phụ trợ phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của Quảng Ngãi, khi lấy Nhà máy Lọc dầu Dung Quất làm tâm điểm thu hút đầu tư.

Có thể nói, với những lợi thế về điều kiện sẵn có, cùng với những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, Quảng Ngãi đã và đang là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Quyết tâm trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 là điều mà Quảng Ngãi có thể thực hiện được.

 

Bài, ảnh: M.Toàn

 

 


.