Nỗi lo từ giống rau màu ngoại lai trôi nổi-Kỳ 1: Nông dân “sốt” giống ngoại

04:04, 10/04/2013
.

(QNg)-Cùng với lúa thì các loại giống rau màu xuất xứ từ nước ngoài đã và đang tràn ngập các cánh đồng trên địa bàn tỉnh. Nhưng điều đáng lo  ngại là thay vì đến tay nông dân bằng đường “chính ngạch”- nghĩa là được các ngành chuyên môn khảo kiểm nghiệm, cho phép và khuyến cáo sử dụng thì một số giống lai lại đi “tắt”-có mặt trên đồng ruộng… nhờ thương lái hoặc công ty giống!
 

TIN LIÊN QUAN

 Kỳ 1:  Nông dân “sốt” giống ngoại



Dù không quảng bá rầm rộ, bày bán công khai nhưng các loại giống ớt, bắp lai ngoại nhập vẫn được nông dân truyền tay và rỉ tai nhau bởi đặc tính “siêu quả, siêu hạt”. Vì thế, các loại giống này đã thẳng tiến ra đồng ruộng mà không phải trải qua kỳ “sát hạch” đánh giá tiềm năng lẫn tiềm ẩn rủi ro.



Hầu như những loại giống ngoại lai “đang được lòng dân” có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ hay Thái Lan. Theo những người đã và đang sử dụng thì điểm chung của chúng là dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, năng suất cao, chi phí thấp. Có điều do “trắng” thông tin hướng dẫn nên muốn được quả, nông dân phải “tự thân vận động”!   

TỪ MÓN QUÀ CỦA THƯƠNG LÁI...


Cùng niềm vui ớt được mùa, được giá với nông dân trong tỉnh (18.000-20.000 đồng/kg), một số hộ đang sản xuất giống ớt lai có xuất xứ từ Trung Quốc cũng hối hả vào vụ thu hoạch. Mặc dù giá bán chỉ dừng ở mức 6.000 đồng/kg nhưng bù lại, loại ớt này cho năng suất... khủng nên sau khi trừ chi phí, người trồng lãi to. “Tuy mới nhưng chúng cũng dễ tính, lượng trái ước đạt 1,5-2 tấn/sào, cao gấp 5-6 lần các giống truyền thống, lại được bạn hàng bao tiêu nên mình cũng yên tâm”, ông H.V.K ngụ xã Đức Hiệp (Mộ Đức), người tiên phong trồng giống ớt này cho hay. Còn ông T.V.T ở thôn An Thổ, xã Phổ An (Đức Phổ) cũng phấn khởi không kém khi mỗi ngày, một sào ớt lai này mang về cho gia đình vài trăm nghìn đồng. “Đất xấu mà, thế là đạt lắm rồi, chứ trước chỉ trồng mì hoặc bỏ hoang nên thu nhập chẳng đáng là bao”, ông T. chia sẻ.

Giống ớt lai có xuất xứ từ Trung Quốc được nông dân thôn An Thổ, xã Phổ An trồng cho năng suất cao.
Giống ớt lai có xuất xứ từ Trung Quốc được nông dân thôn An Thổ, xã Phổ An trồng cho năng suất cao.



Theo nhận xét của nông dân thì giống ớt lai này có nhiều ưu điểm như: Thời gian sinh trưởng và phát triển ngắn (60-65 ngày), chưa biểu hiện bệnh, quả to, màu đẹp, chi phí sản xuất thấp nên lợi nhuận cao. Mỗi sào ớt lãi gần chục triệu đồng, nên không ít nông dân ở các huyện Mộ Đức, Đức Phổ “hít” giống ớt này.  

Nói về sự có mặt của loại ớt lai này, ông K. bảo rằng đó là “quà” của một bạn hàng ruột gửi tặng kèm lời nhắn nhủ “đây là giống ớt cay, được nhiều nước xứ lạnh ưa chuộng nên rất có tiềm năng xuất khẩu”. Và sau nhiều tháng kỳ công thử nghiệm, ông mạnh dạn giới thiệu, chia sẻ giống mới với những hộ xung quanh và… cả các cán bộ của Trung tâm Khuyến nông phát triển miền Trung!

… ĐẾN VIỆC CHUỘNG GIỐNG LAI

Trong khi chuyện cây ớt chưa lắng xuống thì mới đây, ông K. cũng khiến nhiều nông dân “sốt” khi trình làng nhiều ruộng bắp lai “siêu hạt” có nguồn gốc từ Ấn Độ. Trong khi các giống bắp nội cho năng suất cao nhất cũng chỉ 3,5-4 tạ/sào thì giống bắp này cho xấp xỉ 6 tạ/sào.  

Ngoài việc đạt “siêu hạt”, loại bắp này còn ghi điểm với nông dân bởi đặc tính “chịu” đất xấu, cây lại khỏe nên vẫn sống tốt ngay cả trên vùng đất pha cát ven biển mà chẳng tốn nhiều phân bón như các giống bắp truyền thống. Nguyên nhân được ông K. “dự đoán” là chúng không thuộc tuýp “phân nhiều tốt cây” mà ngược lại, càng ít phân (đạm) quả lại cho nhiều hạt. Đặc tính này giúp nhiều người giải tỏa gánh nặng chi phí. Ấy vậy nên hiện giờ, bà con nông dân ở các xã Đức Hiệp, Đức Phú (Mộ Đức), Phổ An (Đức Phổ) chỉ hướng sự chú ý vào giống bắp lắm hạt ấy.

Tuy vui vì tìm kiếm được giống mới năng suất cao nhưng khi đề cập đến chuyện gốc tích của nó, ông K. lại không giấu được vẻ lo lắng. Bởi cả hai loại giống trên đều đến tay ông cùng nhiều người bằng đường “tiểu ngạch”-chưa được sự cho phép của ngành chức năng, cụ thể là Sở NN&PTNT. Điều này đồng nghĩa với việc chúng chưa được bán rộng rãi trên thị trường vì nhiều lý do.

Thế nên khi ai ngỏ ý muốn sản xuất, ông K. phải nhờ… thương lái hoặc người của công ty giống độc quyền bán. Nhưng điều băn khoăn là không biết sau “quả ngọt” đầu mùa, liệu những loại giống như thế này có tiếp tục “ngọt” ở các vụ sau? Đã thế mọi thông tin liên quan đến nó đều hiển thị bằng tiếng Trung Quốc hay Ấn Độ (theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP là phải kèm nhãn tiếng Việt) trong khi người bán cũng… quên hướng dẫn nông dân. “Điều này rất nguy hiểm bởi bất kỳ loại giống nào cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh. Chỉ chưa biết là nó biểu hiện ở giai đoạn, thời điểm nào mà thôi. Do đó, với những giống ngoại lai trôi nổi và chưa được khảo kiểm nghiệm thì khi trở chứng, chúng dễ gây thiệt hại nặng vì ta không chủ động biện pháp diệt trừ”, ông Phạm Văn Tuân - Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở NN&PTNT khẳng định.  
   

Bài, ảnh: MỸ HOA
 

* Kỳ 2:  ĐỪNG ĐỂ GIỐNG NGOẠI LAI DỎM TUNG HOÀNH

 


.