(QNg)- Tại xã Bình Hải (Bình Sơn), có hai ngôi chợ với số vốn đầu tư hàng tỷ đồng, dù chỉ cách nhau chưa đầy... một cây số. Điều lạ là cả hai chợ đều vắng bóng tiểu thương. Đó là chợ Vạn Tường và chợ Bình Hải.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Năm 2010, chính quyền xã Bình Hải đã vận động Công ty Hùng Thịnh xây dựng chợ tạm Vạn Tường (thời gian hoạt động ít nhất là 5 năm) với lời hứa sẽ hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành thủ tục, hồ sơ và đưa các tiểu thương vào buôn bán sau khi xây xong chợ. Theo “lời vận động”, tháng 2/2010, Công ty Hùng Thịnh đã đầu tư gần 5 tỷ đồng để xây dựng chợ. Đến tháng 6/2010, chợ tạm Vạn Tường hoàn thành, đáp ứng cho khoảng 200 hộ tiểu thương vào buôn bán. Thế nhưng, gần 3 năm qua, vẫn chưa có tiểu thương nào vào chợ buôn bán.
Chợ Bình Hải được xây dựng khang trang nhưng vắng bóng tiểu thương. |
Bà Lê Thị Cúc- Giám đốc Công ty Hùng Thịnh, cho biết: Lúc đầu, công ty định thuê đất mở cây xăng, nhưng chính quyền địa phương tha thiết đề nghị công ty xây dựng chợ để người dân có chỗ buôn bán. Do đó công ty đã bỏ vốn xây chợ. Nhưng khi chợ hoàn thành thì lãnh đạo xã... nuốt lời. “Vì giúp cho địa phương mà chúng tôi lâm vào cảnh “đi chẳng được, ở chẳng xong”, bởi vốn của doanh nghiệp chôn tại chỗ. Sở dĩ tiểu thương không vào chợ tạm Vạn Tường vì xã không làm đến nơi đến chốn nên không thể dẹp được chợ tự phát và chợ Vạn Tường (cũ) đã xuống cấp, cũ nát gần đó”- bà Cúc bức xúc nói.
Trong khi chợ tạm Vạn Tường phải bỏ hoang, thì tháng 10/2012, UBND xã Bình Hải lại nhận vốn tài trợ an sinh xã hội khoảng 7 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí để xây dựng chợ Bình Hải. Đến cuối tháng 12/2012, chợ Bình Hải hoàn thành với 114 kiốt sẵn sàng “đợi” tiểu thương. Lúc này, lãnh đạo xã lại bắt đầu lập danh sách người dân có nhu cầu vào chợ Bình Hải buôn bán. Nhưng đã 4 tháng trôi qua, chợ Bình Hải vẫn cửa đóng then cài. Trong khi đó, người dân vẫn buôn bán ở chợ tự phát và chợ cũ đã xuống cấp. Theo các tiểu thương ở đây cho biết, việc họ chưa muốn vào chợ tạm Vạn Tường hay chợ Bình Hải buôn bán vì để xem chợ nào cho thuê mặt bằng rẻ hơn. Với lại buôn bán ở chợ tự phát khỏi phải đóng nhiều tiền như vào hai chợ trên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Trạng- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải, cho rằng: Giá thuê kiốt, sạp của chợ tạm Vạn Tường cao nên không thể vận động người dân vào chợ. Còn khoảng tài trợ 7 tỷ đồng để xây chợ Bình Hải là cơ hội của địa phương nên không thể từ chối nguồn vốn này. Sắp đến chúng tôi sẽ tích cực vận động người dân vào chợ buôn bán. Chúng tôi cũng đã giải thích với người dân chợ Bình Hải là chợ “của Nhà nước”, nên giá thuê rất rẻ, lại kinh doanh ổn định. Sau ngày 20/3, nếu tiểu thương nào đã cam kết sẽ vào chợ Bình Hải mà không thực hiện, xã sẽ cho người khác thuê”- ông Trạng nói.
Nếu tất cả tiểu thương vào chợ Bình Hải theo như lời của ông Trạng, thì chắc rằng, chợ tạm Vạn Tường sẽ phải đóng cửa. Và số vốn mà Công ty Hưng Thịnh đã đầu tư xem như mất trắng. Bình Hải là xã bãi ngang ven biển, đa số người dân còn khó khăn. Nhưng việc xã có đến 2 chợ được xây dựng “hoành tráng”, với số vốn hàng tỷ đồng đã gây lãng phí rất lớn.
Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU