Miền núi Quảng Ngãi: Diện mạo đổi mới, nông dân đổi đời

02:03, 24/03/2013
.

(QNg)- Miền núi Quảng Ngãi bây giờ đã đổi thay nhiều! Nhà cửa, điện, đường, trường trạm khang trang; đời sống người dân từng bước được cải thiện; diện mạo nông thôn cũng đang từng ngày đổi mới. Nhiều trung tâm huyện lỵ “sáng – xanh – sạch – đẹp” chẳng khác gì phố thị ở đồng bằng. Đó là kết quả sau 38 năm trời dày công phấn đấu của đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh ta...

TIN LIÊN QUAN

*Hết đói, vượt nghèo, vươn tới giàu có


Con đường thoát đói, vượt nghèo, hướng đến làm giàu của người dân miền núi Quảng Ngãi đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. “Đi lên” từ một điểm xuất phát thấp do chiến tranh tàn phá. Ấy vậy mà hôm nay, no đủ, sung túc đang hiển hiện trong từng nếp nhà ở miền sơn cước Quảng Ngãi.

 

Một góc thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) hôm nay. Ảnh: Ngọc Đức
Một góc thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) hôm nay. Ảnh: Ngọc Đức


Sự đổi thay trong cuộc sống của người dân miền núi rõ nét nhất kể từ khi triển khai thực hiện Chương trình 135 và Chương trình 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững. Chỉ tính riêng Chương trình 30a, sau 4 năm triển khai thực hiện, 6 huyện miền núi Quảng Ngãi đã được “rót” thêm hơn 1.200 tỷ đồng. Từ khoản đầu tư này, Quảng Ngãi đã xây dựng được hơn 12 nghìn nhà “167” cho hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Chương trình hỗ trợ cây, con giống, hỗ trợ khoanh nuôi bảo vệ rừng, rồi khoa học kỹ thuật, giúp đồng bào Hre, Ca Dong, Cor mở hướng thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất từng là căn cứ cách mạng một thời.

Chúng tôi lên huyện miền núi Sơn Tây thăm gia đình già làng Đinh Văn Vố, ở thôn Huy Măng, xã Sơn Bua. Già Vố có 5 người con đã trưởng thành, có gia đình riêng. Già Vố khoe: “Đứa nào cũng làm được nhà ngói to lắm. Con mình chỉ bỏ cái công thôi, Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà. Người làng mình còn được hỗ trợ keo giống, trâu, bò để chăn nuôi. Ở làng này, chỉ có lười lao động thì mới nghèo thôi. Ai chịu làm đều hết nghèo, được ăn no, mặc ấm cả rồi”.

Gắn bó công tác tại các huyện miền núi, nhiều cán bộ đều thừa nhận rằng: Đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi bây giờ đời sống, nhận thức khá hơn nhiều so với những năm trước. Hầu như hộ nào cũng có xe gắn máy, con em trong độ tuổi được đến trường; hầu như nhà nào cũng trồng được keo, mì – cây hàng hóa chủ lực đã “vực” dậy kinh tế, giúp người nghèo miền núi đổi đời trong thời gian qua. Già làng Đinh Văn Mỹ - người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Ngãi và cũng là người đã “chinh chiến” qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và cuộc chiến “chống đói nghèo, lạc hậu” nơi miền núi Quảng Ngãi khẳng định: “Miền núi bây giờ chẳng còn lạc hậu, nghèo, thiếu thốn như trước nữa. Đói không còn, giàu cũng nhiều rồi đấy. Ai đã từng trải qua chặng đường ấy mới thấy hết đổi thay của miền núi quê mình. Vui và tự hào lắm!”.

 *Bừng sáng đại ngàn

Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi chiếm khoảng 52%, trong đó có một số huyện như Tây Trà, Minh Long, Sơn Tây có tỷ lệ nghèo cao hơn nhưng các huyện này đang đặt ra quyết tâm mỗi năm giảm thêm hàng trăm hộ nghèo bằng những giải pháp căn cơ, có tính khả thi cao. Đối với huyện Sơn Tây, Bí thư Huyện ủy Đinh Kà Để cho biết: “Huyện sẽ đầu tư hỗ trợ bò, heo, trâu cho hộ nghèo; xây dựng nhà ở, đào tạo nghề để dân mình có việc làm, thu nhập. Còn về đầu tư xây dựng cơ bản, điện, đường, trường, trạm vẫn là ưu tiên số 1. Năm nay, huyện sẽ đầu tư hơn 30 tỷ đồng cho các công trình phúc lợi”.

 

“Nhà 167” của đồng bào Cadong Sơn Tây.
“Nhà 167” của đồng bào Cadong Sơn Tây.



Mới đây UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các huyện nghèo rà soát số hộ gia đình cần phải tiếp tục hỗ trợ xây dựng nhà ở để có giải pháp giúp đỡ. Theo con số thống kê sơ bộ, sẽ có khoảng 8 nghìn hộ nghèo được đề nghị hỗ trợ tiền để làm nhà mới. Song song đó, năm 2013, UBND tỉnh thực hiện hỗ trợ tiền ăn cho học sinh 6 huyện nghèo, để các em có điều kiện đến trường học tập, phát triển giáo dục miền núi.

Năm 2013 này, 6 huyện miền núi của tỉnh hầu như đều đã xây dựng được trung tâm huyện lỵ khang trang. Trong đó, điển hình là “phố núi” Di Lăng – Sơn Hà; Trà Xuân-Trà Bồng; thị trấn Ba Tơ. Các “phố” này được xác định là trung tâm động lực để “kéo” vùng lân cận phát triển. Năm 2012, các tuyến xe buýt đã “thông”, tạo điều kiện để người dân miền núi “xuôi” về phố thị dễ dàng, thuận lợi cho học hành, giao thương buôn bán.

Nông thôn mới ở miền núi Quảng Ngãi gần đây đã được quan tâm triển khai thực hiện. Tổng hợp đề án phát triển kinh tế - xã hội 6 huyện miền núi, trong đó có Đề án 30a, 135 mới thấy hết được quyết tâm đưa đại ngàn bừng sáng. Và thực tế, nhìn vào con số tỷ trọng đầu tư cho miền núi của tỉnh trong nhiều năm nay luôn ở mức hơn 50%, có năm là 57%  mới hiểu hết được sự quan tâm, ưu tiên cho miền núi luôn là “số 1”, để hy vọng rằng miền núi Quảng Ngãi sẽ đổi đời thật sự trong thời gian không xa nữa…


    Bài, ảnh: THANH NHỊ 

 


.