Xóa lò gạch thủ công: Chủ lò, thợ đóng gạch âu lo

01:01, 24/01/2013
.

(QNg)- Theo Chỉ thị số 10/CT - TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sử dụng gạch đất sét nung, năm 2013 phải chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công và đến năm 2015 chấm dứt hoạt động của lò gạch liên tục kiểu đứng. Điều này khiến gần 1.200 lao động ở các lò gạch huyện Tư Nghĩa lo lắng vì chưa biết sẽ làm gì.

TIN LIÊN QUAN


Đã bước sang năm 2013, nhưng các lò gạch thủ công ở huyện Tư Nghĩa vẫn hoạt động. Dọc ven sông Vệ thuộc thị trấn Sông Vệ, từ xa đã thấy khói bay lên từ hàng chục lò gạch thủ công. Dạo quanh mỗi lò gạch, đều thấy chung một hình ảnh là người người vẫn cố gắng đóng gạch, chuyển gạch vào lò nung, khói lò bay mịt mù. Chúng tôi hỏi chuyện, nhiều người không giấu được lo lắng. Chị Nguyễn Thị Ánh - Chủ lò gạch giãi bày: "Nghe Chính phủ cấm hoạt động nghề làm gạch thủ công, vợ chồng tôi lo lắm. Bởi sinh sống bằng nghề này đã 15 năm rồi. Cái ăn, cái mặc, con cái học hành cũng từ những viên gạch này. Giờ xóa bỏ thì lấy gì sinh sống. Chuyển sang nghề khác thì cũng không có vốn, không có nghề".

 

Lao động ở các lò gạch thủ công đang cần có việc làm ổn định.
Lao động ở các lò gạch thủ công đang cần có việc làm ổn định.



Các lò gạch cạnh bên cũng đều có chung hoàn cảnh như chủ lò gạch thủ công của chị Ánh. Theo thống kê của Phòng kinh tế hạ tầng huyện Tư Nghĩa thì, toàn huyện có 117 lò gạch thủ công tập trung ở các xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa Phương, Nghĩa Hà. Mỗi năm sản xuất trên 45,7 triệu viên gạch, tạo công ăn việc làm cho 1.170 lao động. Nếu thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg mà không có biện pháp chuyển đổi nghề nghiệp hoặc giúp đỡ để xây dựng lò gạch tuynel thì cả lao động làm gạch thủ công và cả chủ lò gạch sẽ không có việc làm.

Ở huyện Tư Nghĩa còn có 2 lò gạch liên tục kiểu đứng được xây dựng từ năm 2008 cũng đang lâm vào cảnh khó khăn, kéo theo khoảng 20 lao động lo lắng mất việc làm. Vì theo quy định đến năm 2015 là các lò gạch này phải ngưng hoạt động. Ông Nguyễn Xuân Hùng, ở thôn Kim Thạch, xã Nghĩa Hòa là một trong 2 chủ lò gạch liên tục kiểu đứng ở huyện Tư Nghĩa, cho biết: "Xây dựng lò gạch này, tuy được Chương trình khuyến công của tỉnh hỗ trợ, nhưng để hoạt động hiệu quả, tôi đã bỏ vào gần cả tỷ đồng để xây nhà xưởng, mua dây chuyền sản xuất. Đến nay, vẫn chưa thu hồi lại vốn. Giờ mà xóa bỏ thì vừa mất vốn và mất cả việc làm".

 Việc xóa bỏ các lò gạch thủ công nhằm để hiện đại nghề làm gạch, hạn chế sự ô nhiễm môi trường là một chủ trương đúng đắn. Tuy vậy, với một huyện có số lượng lò gạch thủ công lớn nhất tỉnh thì có nhiều vấn đề được đặt ra. Bởi xóa nghề làm gạch thủ công, những chủ lò khó có thể xây dựng lò gạch tuynel vì vốn đầu tư một cơ sở gạch tuynel tốn hàng chục tỷ đồng, gấp nhiều lần lò gạch thủ công. Như thế cũng đồng nghĩa với việc trên 1.200 lao động ở lò gạch thủ công và kiểu đứng sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Đây là nỗi lo không chỉ của người lao động mà cả chính quyền huyện Tư Nghĩa.


        Bài, ảnh: MAI HẠ  
 


.