(QNg)- Sau nhiều năm lao động vất vả, vợ chồng anh Nguyễn Văn Trung ở thôn Long Thạnh 1, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) đã biến vùng đất "cát trắng, đá và cây gai lưỡi hùm" thành trang trại với khoản lãi mỗi năm trên 150 triệu đồng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Năm 2000, anh Trung bàn với vợ lên vùng đồi gần nhà khai khẩn đất hoang mở trang trại nuôi trồng. Đây là khu đất do ông nội cùng với bố anh đã khai phá và canh tác trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Bố anh là liệt sĩ Nguyễn Chi đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này vào năm 1973, khi đang làm nhiệm vụ đội.
Sáng tinh mơ, vợ chồng anh Trung vội vã lên đồi để vỡ đất mặc cho nhiều người can ngăn vì "cây không thể mọc trên cát trắng và đá tảng, vật nuôi không thể sống khi xung quanh chỉ toàn cây gai lưỡi hùm". Tuy nhiên, anh chị vẫn không nản lòng vì bên cạnh việc mưu sinh là sự "trân trọng thành quả lao động" của ông nội và người cha đã khuất. Suốt ngày, anh cần mẫn chẻ từng viên đá để bán kiếm tiền đong gạo và san lấp mặt bằng canh tác.
Anh Trung đang chăm sóc đàn dê. |
Chị Trần Thị Kim Loan (vợ anh) thì ra sức phát dọn trồng bạch đàn và nhiều loại cây ăn quả và rau màu để tăng nguồn thu nhập. "Khổ nhất là việc tưới nước cho cây vào mùa khô vì điện quá yếu, đường dây dẫn quá xa nên phải thức dậy lúc 3 giờ sáng. Nhưng dù sao thì vẫn sướng hơn ảnh đi biển cả năm mới về nhà, tôi cũng không phải oằn lưng gánh muối đi bán rong" chị Loan cho biết.
Năm 2006, anh vay mượn 25 chỉ vàng cùng với khoản tiền dành dụm vào tận tỉnh Ninh Thuận mua 5 con dê giống. Tuy vợ chồng anh chăm sóc như chăm con mọn, nhưng do chưa nắm vững kỹ thuật nên đàn dê bị bệnh rồi 1 con ngã lăn ra chết, mất đứt gần 10 chỉ vàng. "Lúc ấy, lòng dạ tôi rối bời, nhưng vẫn cố an ủi vợ tiếp tục nuôi trồng. Tôi bỏ công đến nhiều trang trại để học hỏi kinh nghiệm và tham khảo trên báo, đài, đăng ký tham dự nhiều lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật để áp dụng vào nuôi trồng nên năng suất dần đạt cao" - anh Trung nói.
Địa bàn xã Phổ Thạnh hầu hết dân sống bằng nghề biển, ít đất canh tác nên sản phẩm của anh chị làm ra tiêu thụ khá thuận lợi. Vì vậy, anh quyết định mở rộng quy mô trang trại. Năm 2010, anh mua 4 con heo rừng lai và 500 gốc quýt Thái Lan. Nhờ được chăm sóc chu đáo nên đàn heo và dê của anh phát triển khá tốt. Mỗi năm, anh bán từ 45 - 55 con dê và heo rừng lai cùng với các loại hoa màu thu lãi trên 150 triệu đồng.
Sau nhiều năm lao động vất vả, khu cát trắng cùng với đá tảng và cây gai lưỡi hùm ngày nào giờ đã được anh chị biến thành trang trại với diện tích hơn 2,5ha. Hiện trang trại của anh có trên 160 con dê và heo rừng lai, hàng chục con gà H'mông, 500 gốc quýt sắp cho quả với khoản thu mỗi năm hàng chục triệu đồng cùng nhiều loại rau màu và 5.000 cây bạch đàn sắp khai thác. Sự vất vả của anh chị đã được đền đáp bằng căn nhà khang trang cùng những vật dụng đắt tiền, cả 4 người con được cắp sách đến trường.
"Chỉ với 1 sào đất rừng cùng với núi đá lởm chởm, nhưng vợ chồng anh Trung đã gây dựng trang trại thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Anh chị là một điển hình về người nông dân vượt khó làm giàu. Hội Nông dân xã sẽ tổ chức cho hội viên tham quan để học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng mô hình này ở địa phương" - ông Nguyễn Văn Trị - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phổ Thạnh, cho biết.
Bài, ảnh: Trang Thy