(QNĐT)- Qua bao mùa khai thác, cây keo đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng rừng ở các huyện miền núi trong tỉnh. Người dân và chính quyền các huyện miền núi đã hiểu lợi ích từ việc trồng, quản lý và bảo vệ rừng là hướng đi đúng để phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương.
TIN LIÊN QUAN |
---|
*Áp dụng kỹ thuật trồng rừng
Mùa trồng rừng năm nay, lượng mưa đổ xuống các huyện miền núi trong tỉnh giảm hơn nhiều so với các năm trước. Tranh thủ đất còn ướt, trong những ngày này bà con tất bật đào lỗ, khuân cây giống lên các sườn đồi, núi cao để trồng rừng nhằm thực hiện đạt kế hoạch vào cuối tháng 11 năm nay theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.
Nhờ đầu tư kỹ thuật ươm giống mà các vườn ươm cây ở huyện Ba Tơ luôn cung ứng được cây giống đủ tiêu chuẩn. |
Tại huyện miền núi Ba Tơ, mỗi năm để đáp ứng nhu cầu cây giống cho các tổ chức, cá nhân trồng rừng, các vườn ươm phải chuẩn bị từ 2,5- 3 triệu cây con giống có chất lượng, chủ yếu là giống keo lai giâm hom. Ngay từ đầu tháng 4, các nhà ươm cây đã chuẩn bị đầu tư thiết bị, kỹ thuật để gieo ươm.
Trong vườn ươm rộng khoảng 4 sào của anh Tín thôn Dốc Mốc xã Ba Cung nhờ đầu tư hệ thống phun nước tự động mà cây phát triển tươi tốt, đảm bảo chất lượng xuất vườn. Anh tiết lộ: "Thấy bà con trồng keo tận dụng đất vườn này để ươm cây bán. Để cây phát triển tốt thì phải nhờ đến thiết bị, kỹ thuật trồng, chăm sóc...".
Vì lợi ích của việc trồng rừng quá lớn nên không chỉ các hộ kinh doanh lập vườn ươm để bán cây giống, mà nhiều hộ trồng rừng ở Ba Tơ đã biết tự ươm cây giống cho chính mình để trồng rừng nhằm giảm chi phí. Nhờ áp dụng kỹ thuật ươm cây giống chất lượng để trồng rừng mà rừng keo ở Ba Tơ đến kỳ khai thác thường đạt sản lượng gỗ cao. Nhờ đó, bà con đã có nguồn thu nhập khá, vươn lên thoát nghèo, có nhiều hộ đã làm giàu từ rừng. Đến nay, toàn huyện có gần 1.700 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (đa số là nhờ trồng rừng) góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới xuống dưới 40%, riêng thị trấn Ba Tơ giảm còn 20%.
Ở huyện Sơn Hà phong trào trồng keo phát triển kinh tế đã lan rộng ra các địa phương. Đã có nhiều hộ chuyển đổi từ trồng các loại cây truyền thống kém chất lượng sang trồng keo lai, đem lại nguồn thu nhập khá. Như hộ anh Đinh Văn Trung ở thôn Hà Thành xã Sơn Thành.
Trước đây, anh thuộc diện hộ nghèo của xã. Mặc dù, trên diện tích 3,5 ha đất đồi, vợ chồng anh "tối mặt" canh tác hết khoai lang, mì đến tỉa lúa, bắp quanh năm nhưng cuộc sống vô cùng vất vả. Năm 2006, anh thấy bà con trong vùng, lâm trường trồng keo cho thu nhập khá. Anh vay được 20 triệu đồng bắt đầu học hỏi kỹ thuật gieo ươm giống để trồng cây.
Bây giờ, rừng keo của anh đã đến tuổi khai thác. Anh thu về được 270 tấn gỗ nguyên liệu. Trị giá hàng trăm triệu đồng. Đây là khoản tiền mà cả đời anh cũng không dám mơ.
Thoát nghèo nhờ trồng cây keo phải kể đến hộ anh Nguyễn Lam Sơn thôn Hóc Đèo, xã Sơn Hạ (Sơn Hà); hộ anh Đinh Văn Bình thôn Dư Hữu xã Long Mai (Minh Long); hộ anh Phạm Văn Khải xã Ba Cung, huyện Ba Tơ... và hàng ngàn hộ khác trên các huyện miền núi. Họ đã biết áp dụng kỹ thuật vào việc ươm, trồng rừng. Nhờ đó mà rừng xanh tốt, đến kỳ khai thác cây đạt sản lượng cao, đem lại nguồn thu lớn.
*Tập trung bảo vệ, quản lý rừng
Đi đôi với việc trồng rừng phát triển kinh tế, các lâm trường, tổ chức, cá nhân còn tích cực trong việc quản lý và bảo vệ rừng. Tại huyện Ba Tơ, kể từ ngày thực hiện Nghị quyết số 03 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện giai đoạn 2006 - 2010", diện tích rừng được bảo vệ, quản lý chặt chẽ hơn.
Toàn huyện hiện có 97.278 ha đất rừng, chiếm gần 86% diện tích tự nhiên. Trong đó, rừng phòng hộ có hơn 37.400 ha, rừng sản xuất gần 60.000 ha. Huyện Ba Tơ đang tập trung chăm sóc, bảo vệ rừng, khoanh nuôi, quản lý và khai thác tốt tiềm năng của rừng. Ra sức bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, phát triển rừng sản xuất.
Tại xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành), bà con ở thôn Khánh Giang và Trường Lệ có cuộc sống ổn định trong nhiều năm qua cũng là nhờ bảo vệ và quản lý tốt rừng tự nhiên. Với tổng diện tích hơn 1.010 ha, rừng nơi đây có nhiều gỗ quý như lim, sến, ngát, chò, giẻ, trám, dầu rái…có trữ lượng gỗ 124.000m3 thuộc khu vực Suối Chí, Núi Lớn và Đá Chát, có nhiều động thực vật đa dạng.
Huyện Nghĩa Hành đã giao cho 350 hộ dân ở hai thôn tham gia quản lý, bảo vệ diện tích rừng này. Nhờ quản lý và bảo vệ tốt tài nguyên rừng, nên rừng đã tạo ra nguồn thu nhập thường xuyên và ổn định cho các thành viên tham gia. Rừng tự nhiên ở đây còn bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn nước đảm bảo tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, phục vụ cho sinh hoạt đời sống của cộng đồng dân cư địa phương.
Từ thực tế, việc trồng, quản lý và bảo vệ rừng là hướng đi đúng phù hợp với các huyện miền núi, đem lại lợi ích đáng kể cho các địa phương trong tỉnh. Tuy vậy, không phải nơi nào các cá nhân, tổ chức, chính quyền cũng chú trọng trong việc bảo vệ và quản lý tốt rừng trồng, rừng tự nhiên. Từ mô hình bảo vệ, quản lý rừng ở xã Hành Tín Đông và một số nơi trong tỉnh làm tốt công tác này, ngành chức năng nên nhân rộng và phát huy để bà con vừa làm giàu từ rừng, vừa góp phần bảo vệ rừng.
Trồng, bảo vệ và quản lý rừng là điều kiện thuận lợi để bà con sống được nhờ rừng (Cánh rừng ở Khánh Giang, Trường Lệ được bà con bảo vệ xanh tốt) |
Vụ trồng rừng năm nay, Quảng Ngãi sẽ trồng mới 5.500 ha rừng; trong đó, Dự án Phát triển Ngành lâm nghiệp (WB3) có kế hoạch trồng mới 2.000 ha rừng; Dự án Khôi phục rừng và quản lý rừng bền vững (Kfw6) trồng mới 160 ha, còn lại do các công ty lâm nghiệp, các tổ chức, hộ gia đình trồng rừng.
Đến nay, các đơn vị sản xuất cây giống lâm nghiệp đã đáp ứng khoảng 14,2 triệu cây giống để cung ứng cho các đơn vị, dự án trồng rừng. Hiện nay, các khu vực trồng rừng, đã được các tổ chức, cá nhân ra quân phát dọn thực bì, đào hố, lấp hố, bón phân để trồng. Dự kiến, vụ trồng rừng năm nay kết thúc vào cuối tháng 11.
Bài, ảnh: MAI HẠ