(QNĐT)- Ngày 31/8, UBND tỉnh đã chủ trì buổi họp bàn thống nhất biện pháp quản lý hoạt động thu mua nguyên liệu mì, gỗ keo của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua, diện tích cây mì ở tỉnh ta liên tục tăng. Riêng dịch tích vụ 2011-2012 là 19.674 ha, năng suất mì bình quân đạt 176 tạ/ha, sản lượng đạt 346.197 tấn. Ước diện tích thu hoạch đến ngày 20/8 khoảng 14.221 ha. Dự kiến đến năm 2020, tổng diện tích qui hoạch vùng mì nguyên liệu đạt 24.554 ha.
Với cây nguyên liệu keo, đến nay diện tích rừng sản xuất đạt 92.558 ha, trong đó có 63.558 ha rừng cây nguyên liệu giấy. Hằng năm cung cấp cho các nhà máy dăm khoảng 600 nghìn tấn.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa triển khai ký kết các hình thức hợp đồng cho cây nguyên liệu mì, keo. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất không chặt chẽ, giá thu mua nguyên liệu chưa được áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp nên dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán.
Quang cảnh buổi họp |
Tại cuộc họp, đại diện Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi cho rằng, việc quy hoạch vùng nguyên liệu mì cho 2 nhà máy Tịnh Phong và Sơn Hải của doanh nghiệp chưa hợp lý. Hiện nay, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chủ yếu được nhà máy ký kết với các đại lý thu mua. Mức giá hiện nay được nhà máy thu mua 1.700-1.800 đồng/kg, mức giá bảo hiểm là 1.400 đồng/kg.
Tuy nhiên, theo doanh nghiệp thì hiện nay việc thu mua nguyên liệu mì chưa được tỉnh quy định mức giá. Ngoài ra, doanh nghiệp chưa ký hợp đồng với nông dân nên không điều tiết được thu hoạch, dẫn đến việc ứ đọng nguyên liệu thường xảy ra tại các nhà máy.
Liên quan đến việc thu mua gỗ keo nguyên liệu, ông Nguyễn Nị- Giám đốc Nhà máy chế biến dăm gỗ Dung Quất, đại diện Hiệp hội trồng và chế biến gỗ rừng trồng Quảng Ngãi cho biết: Tỉnh ta vẫn chưa có sự quản lý chặt chẽ về giá trong việc thu mua nguyên liệu nên dẫn đến việc tranh mua, tranh bán. Do vậy, đề nghị tỉnh cần ban hành giá sàn chung trong việc thu mua gỗ keo nguyên liệu.
Đại diện các địa phương cũng kiến nghị, giá thu mua nguyên liệu mì và keo chưa có sự cam kết thu mua của nhà máy, chưa có chính sách đầu tư cho nông dân; việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chưa được quan tâm nên dẫn đến việc tranh mua, tranh bán giữa các doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận tại buổi họp, đồng chí Lê Viết Chữ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, chính quyền các cấp chưa thực hiện nghiêm túc đúng theo Nghị quyết 80 của Chính phủ. Việc phát triển nguyên liệu mía, mì, keo chưa bền vững. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở NN&PTNT tham mưu cho tỉnh làm dự án quy hoạch và thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu. Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nông dân về việc phối hợp, gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp để tìm đầu ra và giá cả mua bán ổn định.
Sở NN&PTNT rà soát đưa ra giá sàn hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi trong việc mua bán nguyên liệu, nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho người nông dân. Đồng thời yêu cầu các sở, ban, ngành chức năng phối hợp, góp phần quy hoạch vùng nguyên liệu và đưa ra giá sàn cũng như sự gắn bó mật thiết giữa người nông dân và doanh nghiệp.
Chính quyền các địa phương cần chú tâm lập đầu mối tập trung tuyên truyền đến từng người nông dân, sản xuất phải theo quy hoạch, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và tiêu thụ phải theo hợp đồng. Thực hiện nghiêm túc việc quy hoạch và tổ chức sản xuất theo quy hoạch…
Thanh Phương