Tàu lớn vươn... khơi

10:07, 18/07/2012
.

(QNg)- Từ một tỉnh có số lượng tàu thuyền công suất nhỏ, đến nay, đội tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi không ngừng lớn mạnh, đáp ứng được các điều kiện cần thiết để khai thác ở những ngư trường khơi xa như Hoàng Sa, Trường Sa. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước thì ngư dân Quảng Ngãi đã chủ động hiện đại hoá đội tàu của mình để phục vụ vào việc phát triển kinh tế từ biển.

TIN LIÊN QUAN


Hai chiếc tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Cư, xã Nghĩa An (Tư Nghĩa), được đóng mới với số tiền khoảng 5 tỷ đồng sắp sửa được hạ thủy. Để có thể đánh bắt dài ngày trên biển ở các vùng biển xa, Cư không chọn đóng tàu có công suất nhỏ như trước mà chuyển hướng bằng việc bỏ ra số tiền lớn để đóng tàu có công suất lên đến 430 CV. Theo ông Cư, đóng tàu công suất lớn sẽ làm ăn hiệu quả và giúp đảm bảo an toàn hơn khi hành nghề trên biển trong điều kiện thời tiết thất thường như hiện nay. "Tàu to máy lớn hoạt động quanh năm, đồng thời có thể vươn khơi được. Nói chung là đi ra Trường Sa, Hoàng Sa và những vùng biển khơi của đất nước Việt Nam mình để bắt được những luồng cá to, nhiều và hiệu quả kinh tế hơn. Nói chung đóng tàu lớn làm ăn trên biển mới ăn nên làm ra được" - ngư dân Cư nói.

 

Đôi tàu công suất trên 430 CV/chiếc của ông Cư.
Đôi tàu công suất trên 430 CV/chiếc của ông Cư.


Sau năm 2002, từ việc tập trung khai thác nguồn lợi thuỷ sản ven bờ, ngư dân Quảng Ngãi đã chủ động bỏ vốn đóng tàu công suất lớn, trang thiết bị đánh bắt hiện đại để tiến ra biển - ở những ngư trường khơi xa. Các cơ sở đóng tàu thường xuyên nhận được những đơn đặt hàng đóng mới tàu công suất lớn từ 90CV trở lên từ ngư dân. Điều mà những năm trước đây rất hiếm và ít được ngư dân chú trọng. Ông Phạm Như Quỳnh- Chủ nhiệm Hợp tác xã tàu thuyền Cổ Luỹ, xã Nghĩa Phú (Tư Nghĩa) xác nhận: "Hiện nay ngư dân Quảng Ngãi chủ yếu đóng tàu công suất lớn chứ tàu công suất nhỏ thì không đóng nữa. Vì bây giờ ven bờ ít cá nên đóng công suất lớn để họ khai thác khơi xa. Nhìn chung, hàng năm có khoảng 50 chiếc tàu công suất lớn được đóng mới".

Năm 2010, ngư dân Phạm Ngọc Tiến, xã An Hải (Lý Sơn) đã thay tàu cá 40 CV bằng tàu cá QNg-96121TS công suất trên 400CV. Từ khi chuyển đổi chiếc tàu cá này, những ngư dân đi trên tàu đều có thu nhập ổn định nhờ những phiên biển bội thu. Ông Tiến cũng áp dụng các thiết bị đánh bắt hiện đại cho tàu của mình nên bình quân mỗi năm đánh bắt, tổng thu của tàu đạt khoảng 5 tỷ đồng. "Ngư trường mỗi ngày một khó. Nếu mình không nâng công suất, đóng tàu lớn vươn ra khơi thì không làm giàu từ biển được. Vả lại, ra khơi còn để khẳng định chủ quyền lãnh hải của mình, nhất là Hoàng Sa, Trường Sa" - ngư dân Tiến cho biết.

Có một thực tế là ở các huyện ven biển của tỉnh Quảng Ngãi là Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và huyện đảo Lý Sơn đang hết sức chú trọng, khuyến khích ngư dân hiện đại hoá lại đội tàu, ưu tiên đóng tàu công suất lớn để đánh bắt xa bờ. Ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho rằng, cùng với nâng công suất tàu thuyền, ngư dân Lý Sơn cũng đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đánh bắt với các thiết bị kỹ thuật, máy móc hiện đại, phục vụ đánh bắt hải sản xa bờ. "Huyện cũng luôn luôn tạo các điều kiện cần thiết nhất để ngư dân có thể vay vốn đầu tư đóng mới tàu thuyền. Từ tàu thuyền công suất nhỏ nhưng đến nay hầu như tàu thuyền của địa phương đã được nâng công suất lên rất nhiều. Bình quân công suất tàu thuyền của huyện đảo là 90CV/chiếc, so với trước đây chỉ khoảng 50 đến 60CV/chiếc".

Từ sự chủ động cải hoán, đóng mới, nâng công suất tàu thuyền mà đội tàu cá của Quảng Ngãi lớn dần, mạnh dần qua từng năm. Nếu như năm 2002, số lượng tàu thuyền của Quảng Ngãi ở vào khoảng 3.000 tàu với tổng công suất chỉ 129 ngàn CV thì đến năm 2012, con số này đã tăng lên gấp đôi. Đến nay, toàn tỉnh có 5.700 tàu thuyền, với tổng công suất trên 680 ngàn CV. So với thời điểm năm 2002 thì số lượng tàu tăng gần gấp 2 lần, công suất tàu thuyền tăng lên gấp 6 lần.

Ông Lê Văn Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi nói thêm: "Hiện nay ở Quảng Ngãi tàu lớn nhất là tàu 850 CV. Trước đây chúng ta thấy tàu 150CV, 180CV là đã lớn rồi, nhưng bây giờ tàu 700CV trở lên thì rất là nhiều. Tàu mới, tàu lớn, máy to, trang thiết bị hiện đại thì sản lượng khai thác thủy sản sẽ tăng hơn so với tàu cũ. Và, thực tế là nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đánh bắt, nâng công suất tàu thuyền vươn ra khơi mà sản lượng khai thác thuỷ hải sản trên biển liên tục tăng. Minh chứng rõ nhất là chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2012, sản lượng khai thác thuỷ hải sản đạt gần 43.600 tấn, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2011".

Nhìn nhận vào đội tàu hiện có của Quảng Ngãi, ông Phan Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi nhận xét rằng, nhờ sự chủ động của ngư dân mà tàu thuyền ở Quảng Ngãi trong 5 năm trở lại đây phát triển rất mạnh, ngư dân Quảng Ngãi đã đủ sức vươn ra khơi xa, đặc biệt là ở những ngư trường như Hoàng Sa, Trường Sa. "Ngoài chủ động của ngư dân thì Nhà nước cũng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, động viên ngư dân bám biển, vươn khơi. Cụ thể như Quyết định 289 về hỗ trợ nhiên liệu đánh bắt, Quyết định 48 hỗ trợ ngư dân về nhiên liệu, thông tin liên lạc, bảo hiểm… Tỉnh rất khuyết khích ngư dân đóng tàu to ra khơi" - ông Hoàng nói.

Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc tại huyện đảo Lý Sơn - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ đã thống nhất chọn Quảng Ngãi là tỉnh đầu tiên triển khai thí điểm đóng tàu thép ra khơi. Đây là cơ hội tốt để giúp ngư dân Quảng Ngãi có điều kiện tiếp tục phát triển đội tàu mạnh hơn, hiện đại hơn để hành nghề. Chính sách "tàu thép ra khơi" nếu thí điểm thành công ở Quảng Ngãi thì sẽ nhân rộng ra 28 tỉnh, thành ven biển để từng bước hiện đại hóa đội tàu của cả nước, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế biển, làm giàu từ biển.


VÕ MINH HUY
 


.